Cân đối nguồn nước sinh hoạt và sản xuất trong sử dụng nguồn nước tại Daklak

2016.03.11 - 1019 lượt xem

Chiều 8/3, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Cao Đức Phát làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình hạn hán ở tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao sự chủ động tích cực của tỉnh trong việc phòng chống hạn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu, còn nắng hạn khốc liệt như dự báo vẫn đang nằm ở phía trước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần quán triệt tình hình thiên tai nghiêm trọng này đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để chủ động có các biện pháp ứng phó hiệu quả với sự biến đổi khí hậu này. Tỉnh cũng cần theo dõi sát sao các dự báo để trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch ứng phó, cân đối nguồn nước lên kế hoạch sử dụng có hiệu quả, sử dụng nước tiết kiệm.

Đồng thời thực hiện tối đa các biện pháp dự trữ nước, chủ yếu tận dụng các dòng chảy, cân đối sử dụng nguồn nước hợp lý, ưu tiên nước uống cho người, cho trâu bò, gia súc gia cầm, các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần ưu tiên nguồn nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, mục tiêu là cố gắng tối đa triển khai các biện pháp chống hạn để ổn định đời sống đồng bào các dân tộc, duy trì sản xuất.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh đã có 56 hồ đập hoàn toàn khô cạn, các đập dâng không đảm bảo năng lực thiết kế, không hoạt động, dung tích các hồ chứa đều giảm nhanh.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 9.272 ha cây trồng bị khô hạn; trong đó lúa nước 1.137 ha, mất trắng 214 ha và trên 7.795 ha cà phê, 340 ha hồ tiêu. Tỉnh cũng có trên 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Krông Ana, Ea H’Leo, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M’gar.

Theo dự báo, tỉnh Đắk Lắk có khả năng có trên 80.000 ha cây trồng bị khô hạn, chủ yếu là cây cà phê và có trên 25.0000 hộ thiếu nước sinh hoạt./.

Theo omard.gov.vn