2016.01.08 - 1344 lượt xem
Thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước và nâng cao hiệu quả khai thác các hồ chứa (tại Văn bản số 1749/CP-NN ngày 30/10/2003 và số 1734/TTg-KTN ngày 21/9/2009). Đến nay, cả nước đã sửa chữa được 663 hồ; còn khoảng 1.150 hồ đang bị hư hỏng nặng cần được sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn 2016 - 2020
I. Thực trạng công trình hồ chứa thuỷ lợi
Theo báo cáo đánh giá hiện trạng của Tổng Cục thuỷ lợi: Thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước và nâng cao hiệu quả khai thác các hồ chứa (tại Văn bản số 1749/CP-NN ngày 30/10/2003 và số 1734/TTg-KTN ngày 21/9/2009). Đến nay, cả nước đã sửa chữa được 663 hồ; còn khoảng 1.150 hồ đang bị hư hỏng nặng cần được sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả phân loại thực trạng như sau:
1.1. Các hồ chứa lớn (dung tích trữ >3,0 triệu m3 hoặc đập cao >15m):
- 93 hồ có đập bị thấm ở mức độ mạnh và 82 hồ có đập bị biến dạng mái;
- 15 hồ có tràn xả lũ bị nứt và 188 hồ có tràn xả lũ bị hư hỏng phần thân hoặc bể tiêu năng;
- 95 hồ hư hỏng tháp cống và
- 72 hồ có cống hỏng tháp van, dàn phai.
Những hồ này đều có dung tích trữ lớn và đập tương đối cao, nếu lũ lớn và sự cố sẽ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
1.2. Các hồ chứa vừa và nhỏ (có dung tích dưới 3 triệu m3, đập có chiều cao dưới 15m):
- Có 507 hồ đập bị thấm
- 613 hồ có đập biến dạng mái;
- 697 hồ có tràn xả lũ bị hư hỏng thân thân hoặc bể tiêu năng;
- 756 hồ có cống bị hư hỏng.
Từ năm 2009 đến năm 2013 có 19 hồ xảy ra sự cố. Năm 2014 xảy ra sự cố vỡ đập phụ hồ chứa nước Đầm Hà Động, tỉnh Quảng Ninh do mực nước tràn qua đỉnh đập.
Một số sư cố dễ xảy ra ở các hồ chứa:
a. Đối với đập đất:
Lũ tràn qua đỉnh đập;
Sạt trượt mái thượng lưu, hạ lưu;
Nứt dọc đập hoặc ngang đập;
Thấm ở nền, thân đập hoặc hai vai.
b. Tràn xả lũ:
Lũ vượt qua đỉnh tràn,
Thấm qua nên hoặc thân tràn,
Bị gãy hoặc trôi,
Xói tiêu năng, xói ở hạ lưu,
Gẫy cửa hoặc kẹt cửa, hỏng thiết bị đóng mở.
Ảnh: Đập hồ chứa Đầm Hà Động vỡ ngày 30/10/2014
c.Cống lấy nước:
Nghiêng tháp cống,
Hỏng khớp nối, gãy cống,
Đáy cống bị xói, cống bị thấm,
Hỏng tiêu năng,
Kẹt hoặc gãy cửa …
II. Nguyên nhân dẫn đến sự cố công trình hồ đập thuỷ lợi
Nguyên nhân chính dẫn đến một số sự cố trong những năm vừa qua là do:
(1) Biến đối khí hậu mưa tập trung với cường xuất lớn, lũ xảy ra bất thường, trái với quy hoạch. Phần lớn các hồ được xây dựng trước thập kỷ 80 theo tiêu chuẩn cũ, tràn xả lũ thiếu khả năng thoát lũ, không đầy đủ tài liệu tính toán (tài liệu khí tượng, thuỷ văn, địa chất..).
(2) Vật liệu đưa vào thi công các hạng mục, sau thời gian dài khai thác sử dụng các kết cấu bị mục, nứt.
(3) Chất lượng công tác khảo sát, thiết kế cũ theo tiêu chuẩn cũ; không còn phù hợp với thực tế hiện trạng, thường xuyên kiểm tra công trình để phát hiện kịp thời việc thấm nước qua thân đập, mang cống gây vỡ đập (hồ Z20, hồ Đá Bạc tỉnh Hà Tĩnh; hồ Tây Nguyên, tỉnh Nghệ An).
(4) Công nghệ thi công trước kia còn hạn chế: Chất lượng thi công xử lý nền, đất đắp tại các vị trí tiếp giáp (thân với nền, nền, các vai, mang công trình...) không đảm bảo chất lượng, gây thấm qua thân đập, nền đập.
(5) Phân cấp quá sâu cho huyện xã quản lý hồ đập. Do vậy không có cán bộ chuyên ngành thuỷ lợi đủ năng lực. Thiếu các thiết bị quan trắc đo, thăm dò dẫn đến không phát hiện được và kịp thời xử lý các hư hỏng.
III. Một số giải pháp ngăn ngừa sự cố công trình hồ đập thuỷ lợi
Để triển khai Dự án đảm bảo hiệu quả, cần ưu tiên sửa chữa trước các công trình có nguy cơ cao xảy ra sự cố. Từ thực tế những năm qua, có thể thống kê một số giải pháp chính như sau:
3.1. Giải pháp công trình
a) Đối với hạng mục đập đất
- Đắp và gia cố mái đập, nâng cao đỉnh đập;
- Thu, thoát nước trên đỉnh và mái đập;
- Chống thấm cho thân và nền đập;
- Bố trí thiết bị quan trắc công trình đầu mối theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành;
- Hoàn thiện các công trình phụ trợ phục vụ vận hành, ứng phó khẩn cấp;
b) Đối với hạng mục Tràn xả lũ
- Tràn xả lũ là kết cấu đất, giải pháp gia cố bề mặt tràn bằng bê tông cốt thép, bố trí công trình tiêu năng và gia cố lòng dẫn ở hạ lưu để hạn chế xói lở và bảo vệ đập.
- Tràn không đủ khả năng xả lũ theo yêu cầu, giải pháp là mở rộng khẩu diện tràn hoặc bố trí thêm tràn sự cố.
- Tràn là bê tông cốt thép, giải pháp tràn qua đỉnh đập đất cũng được xem xét áp dụng khi các đập có chiều cao thấp và hạ lưu không tập trung dân cư.
- Đối với tràn đã được gia cố nhưng bị hư hỏng, giải pháp là phá dỡ những chỗ hư hỏng và thay thế bằng bê tông cốt thép.
c) Đối với hạng mục Cống lấy nước
Đa số các hồ chứa đều có cống lấy nước trong thân đập, có hai nhóm giải pháp để sửa chữa:
- Đào thân đập và thay thế bằng cống mới;
- Luồn ống thép vào trong cống cũ. Thay thế các cửa van và thiết bị điều khiển.
Nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của công tác sửa chữa, các hồ chứa được hỗ trợ lập quy trình vận hành và bảo trì, các đập lớn được lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp.
Một số lưu ý khi thực hiện các giải pháp công trình
- Thu thâp, cập nhật diễn biến của thời tiết, công trình trong quá khứ (đã vận hành), hiện tại khảo sát thiết kế và trong thời gian thi công để sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử lý cho thích hợp;
- Khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (kế cấu mới, vật liệu mới) phải có hướng dẫn, kiểm tra tính toán, biện pháp thi công, chế tạo và quản lý vận hành. Cần thí điểm cho một hoặc vài công trình sau đó mới áp dụng đại trà, đồng thời phải có thí nghiệm mô hình và kiểm định trước khi đưa vào khai thác sử dụng
3.2. Giải pháp về thể chế
1. Rà soát các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về vân hành điều tiết, bảo trì công trình để thường xuyên duy tu bảo dưỡng tăng tuổi thọ cho công trình.
2. Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, năng lực của chủ đập. Thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa.
3. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập của chủ đập trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các chủ đập không thực hiện đầy đủ quy định về an toàn đập.
4. Trước, trong và sau mùa mưa lũ các địa phương cần:
- Tổ chức thường xuyên theo dõi, kiểm tra hồ chứa trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.
- Các sở Nông nghiệp và PTNT và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão các cấp tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa trên địa bàn. Từ đó: Ưu tiên các hồ chứa hư hỏng, và đề xuất phương án bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Dừng việc tích nước đối với các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố để bảo đảm an toàn.
- Chủ động xây dựng, phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du cho các hồ chứa lớn; tổ chức hướng dẫn; diễn tập kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
IV. Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, Ngành trong đầu tư xây dựng và quản lý hồ chứa
4.1. Bộ Nông nghiệp và PTNT
- Tiếp tục sửa đổi, thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập theo các quy định mới. Phân định trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ rà soát, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập.
- Triển khai đầu tư trang bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du các hồ chứa thuỷ lợi lớn để hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hồ chứa lớn do Bộ quản lý tổ chức lập phương án phòng, lũ, lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo quy định.
- Sắp xếp thứ tự ưu tiên sửa chữa, nâng cấp các hồ nguy cơ xảy ra sự cố; phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi đã được Chính phủ cho phép tại Quyết định số 1858/QĐ-TTg.
- Tiếp tục phối hợp với bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chương trình An toàn hồ chứa làm căn cứ sửa chữa các hồ hư hỏng khác.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá an toàn, quyết định việc tích nước bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa do Bộ quản lý.
4.2. Bộ Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Công thương rà soát, bổ sung các quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình hồ chứa; quy định cụ thể điều kiện năng lực và kinh nghiệm các đơn vị tư vấn: lập quy hoạch, thiết kế, giám sát công trình hồ chứa;
- Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến kháng chấn động đất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
4.3. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Tiếp tục xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông theo Quyết định số 1879/QĐ-TTg ngày 13/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa. Tăng cường nâng cao chất lượng dự báo mưa, lũ cho các lưu vưc sông để thực hiện tốt công tác vận hành hồ chứa.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp & PTNT trong thực hiện dự án WB8 nhằm nâng cao an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ có phạm vi ảnh hưởng từ 2 tỉnh trở lên./.
Thạc sỹ Trần Tố Nghị - Phó Cục trưởng
Cục Quản lý XDCT, Bộ Nông nghiệp và PTNT