Thông báo Kết luận Hội nghị tăng cường triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành thuỷ lợi và Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác CTTL cho các tỉnh phía Bắc

2015.10.26 - 1314 lượt xem

Ngày 23/10/2015, tại Thành phố Lạng Sơn, Tổng cục Thuỷ lợi đã tổ chức Hội nghị tăng cường triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành thuỷ lợi và Đề án nâng cao hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc (từ Nghệ An trở ra).

Hội nghị tập trung đánh giá một số nội dung sau: Tình hình thực hiện pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; quản lý an toàn hồ chứa nước thủy lợi; giới thiệu một số công nghệ tiên tiến về thiết kế và thi công sửa chữa đập; tình hình thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai.

Đồng chủ trì Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi và bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị: Tổng cục Thủy lợi; Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam; Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi: Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuỷ lợi, Chi cục Quản lý đê điều và PCLB, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN, đơn vị quản lý khai thác CTTL thuộc các tỉnh, thành phố từ Nghệ An trở ra; Báo Nông nghiệp Việt Nam; một số cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị liên quan.

Hội nghị đã nghe đại diện Tổng cục Thủy lợi trình bày nội dung báo cáo đánh giá tình hình thực hiện pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, báo cáo quản lý an toàn hồ chứa nước thủy lợi, báo cáo tình hình thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai. Sau khi nghe báo cáo tham luận của một số đơn vị và ý kiến của các đại biểu dự Hội Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh kết luận đánh giá tình hình thực hiện và một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới.

1.1. Về tình hình thực hiện pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi

Trong những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã rất quan tâm đến tình hình diễn biến nguồn nước, với mục tiêu đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Theo thống kê sơ bộ từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014 cả nước có khoảng 65.000 vụ vi phạm, trong đó tập trung xử lý được khoảng 11.000 vụ (chiếm 17%). Vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi xử lý chưa dứt điểm và tiếp tục gia tăng; các tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, gây tác hại lớn đối với ngành sản xuất nông nghiệp, môi trường sống và sức khoẻ cộng đồng.

Một trong những tồn tại hiện nay: (i) việc ban hành và triển khai thực hiện các văn bản tại một số địa phương còn chồng chéo; (ii) chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt; (iii) việc thực thi Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và các cơ chế chính sách trong quản lý khai thác công trình thủy lợi ở nhiều địa phương chưa triệt để, toàn diện; (iv) cơ chế phối hợp giữa các Sở ban ngành chưa chặt chẽ; (v) chế tài xử phạt hành chính thực thi chưa nghiêm, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm. Trách nhiệm chính là ngành thủy lợi và trực tiếp là các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, chưa ý thức hết tầm quan trọng của công trình thủy lợi cũng như chất lượng nguồn nước.

1.2. Về thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành thuỷ lợi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành thuỷ lợi (Đề án) trên địa bàn tỉnh, một số tỉnh đã ban hành Đề án lồng ghép chung trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp hoặc xây dựng Chương trình hành động riêng; đã rà soát lại quy hoạch thuỷ lợi, rà soát lại các dự án đầu tư công theo hướng tập trung thực hiện tái cơ cấu cấu, xây dựng kế hoạch đầu tư thuỷ lợi trung hạn 2016-2020. Tuy nhiên, kết quả triển khai Đề án còn chậm, chưa chuyển biến trên thực tiễn; còn trên 50% số tỉnh đến nay chưa xây dựng Đề án hoặc Chương trình hành động về tái cơ cấu ngành thuỷ lợi theo yêu cầu của Bộ, chưa ban hành được cơ chế chính sách đặc thù từng tỉnh để khuyến khích phát triển thuỷ lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

1.3. Về quản lý an toàn hồ chứa nước thủy lợi

Nhìn chung, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo các chủ đập thực hiện các quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập. Một số nội dung được các chủ đập thực hiện tương đối tốt như kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau mùa lũ, xây dựng phương án phòng chống lụt bão, xây dựng quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ đập chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an toàn đập, việc thực hiện còn mang tính hình thức, trong đó có nguyên nhân khách quan mà chủ đập khó hoặc không thực hiện được như quy định về lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập mà hạ du chịu ảnh hưởng bởi xả lũ của nhiều hồ chứa, hạ du thuộc địa bàn 2 tỉnh trở lên thì chưa rõ trách nhiệm của chủ đập và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện. Đặc biệt là các hồ chứa nhỏ do cấp huyện, xã quản lý, nguyên nhân cơ bản thực hiện chưa đầy đủ các nội dung về quản lý an toàn đập là do thiếu kinh phí, vượt quá khả năng chi trả của các chủ đập.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương hoàn thiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Tờ trình số 5015/TTr-BNN-TCTL ngày 24/6/2015). Bộ cũng đã tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, hoàn chỉnh Chương trình  và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình gửi Văn phòng Chính phủ tại văn bản 8296/BNN-TCTL ngày 08/10/2015.

Nguồn: tongcucthuyloi.gov.vn