Nâng cao năng lực quản lý, khai thác thủy lợi tại tỉnh Bình Định

2015.12.03 - 1089 lượt xem

Dự báo biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bình Định trong thời gian tới.   Siêu bão, nước biển dâng không chỉ ảnh hưởng đến SXNN, đời sống người dân mà còn là mối đe dọa đối với các công trình thủy lợi. Trong đó có những hồ chứa, hệ thống đê đã “già nua”, xuống cấp nghiêm trọng. Để đối phó với tình trạng trên, trong những năm qua Bình Định đã nỗ lực hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi.

  Nhiều công trình xuống cấp

Từ một số đập bổi, đập ngăn sông và các hồ chứa nhỏ cung cấp nước tưới cho khoảng 10.000 ha đất SXNN, đến nay Bình Định đã xây dựng được 562 công trình thủy lợi; trong đó có 164 hồ chứa có tổng dung tích 575 triệu m3, 212 đập dâng và 186 trạm bơm bảo đảm tưới cho 117.000 ha đất gieo trồng.

Ngoài 15 hồ chứa lớn do Cty TNHH KTCTTL Bình Định vận hành; số hồ chứa vừa và nhỏ còn lại do các địa phương quản lý. Mối lo nằm trong số những hồ vừa và nhỏ vì có nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đê điều và PCLB Bình Định, cho biết: “Qua kiểm tra thực tế chúng tôi thấy có 47 hồ chứa nước do các địa phương quản lý đang bị hư hỏng, xuống cấp. Phần lớn các hồ chứa nước nói trên được xây dựng lâu năm bằng phương pháp thủ công, qua thời gian sử dụng bị tác động bởi thiên tai, bão lũ nên giờ đã rệu rã; các địa phương thì không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Vui, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, Bộ TN-MT đã xác định Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc đổ bộ của những cơn siêu bão cấp 15, 16 với nguy cơ nước biển dâng trong bão có thể lên tới trên 3m. "Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã nghiên cứu nhiều tổ hợp bão - nước biển dâng khác nhau và xác định kịch bản bất lợi nhất đối với Bình Định là bão mạnh cấp 16 đổ bộ vào phía Nam tỉnh, kèm theo nước biển dâng tới trên 2,5m. Đây là những thách thức cho lĩnh vực thủy lợi", ông Vui nói.

Càng đáng quan ngại hơn khi năng lực quản lý khai thác các hồ chứa do địa phương quản lý ở Bình Định còn rất kém. Đánh giá về vấn đề này, ông Phan Xuân Hải, cho hay: “Ở Bình Định hiện nay có đến 2.000 cán bộ tham gia công tác thủy lợi, nhưng số người được đào tạo từ trình độ trung cấp đến đại học chỉ có 120, chủ yếu đang công tác tại Cty TNHH KTCTTL Bình Định.

Số cán bộ thủy lợi ở các địa phương quản lý các hồ vừa và nhỏ hầu hết làm “tay ngang”, hoặc kiêm nhiệm trái ngành. Do đó năng lực quản lý khai thác của các chủ hồ chỉ dừng lại ở mức “dẫn nước tưới”, ít ai thông hiểu quy chế, quy phạm bảo vệ công trình. Cũng vì do thiếu chuyên môn nên các chủ hồ không thể phát hiện ra những hư hỏng của công trình mình quản lý, không có đề xuất sửa chữa kịp thời, để công trình ngày càng xuống cấp thêm".

Nói về giải pháp khắc phục, ông Hải bi quan:“Với 5 km đê muốn gia cố phải cần khoản hơn 100 tỷ đồng. Khoản kinh phí này là quá sức với tỉnh nghèo như Bình Định. Mong kinh phí TƯ thì cũng khó, bởi đê Đông không nằm trong hệ thống ưu tiên đầu tư. Mà nếu về lâu về dài không gia cố bền vững thì đê Đông sẽ còn ảnh hưởng đến dân sinh nhiều hơn nữa”.

Tuy nhiên, có lẽ mối lo lớn nhất của Bình Định hiện nay là sự xuống cấp nghiêm trọng của đê Đông. Cũng ông Phan Xuân Hải, trong những năm qua dù đê Đông đã được gia cố nhiều đoạn nhưng cũng chỉ chắp vá, hiện đoạn từ xã Phước Thắng đến thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước) đang còn 1 đoạn khoảng 5 km hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Nông dân Nguyễn Văn Hai ở thôn Huỳnh Giản cho biết: “Từ khi đoạn đê bị hư hỏng, gần 400 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản phải bỏ hoang vì bị xâm nhập mặn. Kế sinh nhai duy nhất của người dân ở đây là nuôi trồng thủy sản mà không làm ăn được thì chỉ có bỏ xứ mà đi”.

    Tăng cường năng lực

Cơ sở hạ tầng thủy lợi đã yếu là vậy, mà nếu năng lực quản lý cũng yếu nữa thì nguy cơ xảy ra sự cố là rất cao. Do vậy, để khắc phục, trong những năm qua, Bình Định đầu tư mạnh công tác đào tạo về an toàn công trình thủy lợi cho những cán bộ thủy lợi địa phương. 

Riêng năm 2014, từ nguồn vốn của Dự án Quản lý thiên tai, Chi cục Thủy lợi, đê điều và PCLB Bình Định đã tổ chức đào tạo 69 cán bộ ngành thủy lợi về an toàn công trình, 70% trong số này là cán bộ quản lý các hồ chứa do xã, HTXNN quản lý.

Nhân viên tổ đầu mối hồ Hội Sơn (Phù Cát) kiểm tra kênh mương

Năm 2015, đơn vị này tiếp tục mở 2 lớp đào tạo về an toàn hồ chứa với khoảng 60 người tham gia và đào tạo bổ túc kiến thức chung cho cán bộ ngành thủy lợi về an toàn hồ chứa. “Từ năm 2015, chúng tôi quyết tâm sẽ tổ chức khoảng 500 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo về an toàn hồ chứa. Đó là chưa kể đến những lớp tập huấn của các kênh khác như đào tạo ngành nghề nông thôn do Chi cục Phát triển nông nghiệp-nông thôn tỉnh tổ chức cho thủy nông viên trong tỉnh”, ông Hải cho biết thêm.

Sau khi nâng cao năng lực quản lý, khai thác hồ chứa cho cán bộ trong ngành, Bình Định đỡ lo hơn vấn đề an toàn hồ đập trong những mùa mưa lũ. Không chỉ vậy, việc dẫn nước phục vụ SXNN cũng sẽ được thuận lợi hơn.

“Công tác quản lý, khai thác hồ chứa nước không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho công trình, mà còn phải vận hành, khai thác thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Có như thế mới thực hiện được nhiệm vụ bảo đảm an toàn hồ chứa trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”,ông Phan Xuân Hải.

  Ví như tại Cty TNHH KTCTTL Bình Định. Những năm qua, dù hạn hán diễn ra gay gắt, các hồ chứa nước cạn kiệt nhưng đơn vị này nhờ có lực lượng cán bộ quản lý có chuyên môn cao vẫn tưới đảm bảo diện tích cây trồng theo thiết kế.

 Ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH KTCTTL Bình Định cho hay: “Lực lượng thủy nông viên của Cty được đào tạo bài bản và bố trí hợp lý nên đã khai thác tốt lượng nước”.

Để phòng tránh sự cố trong mùa mưa bão, Bình Định xây dựng và thực hiện quy trình vận hành, điều tiết nước các hồ chứa trong và sau những mùa bão lũ theo QĐ số 1462/QĐ-TTg ngày 21.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ.

“Hiện nay, Bình Định có 3 hồ chứa thủy điện là Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Trà Xom 1 và 3 hồ chứa lớn là Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh được vận hành theo quy trình liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh trong mùa bão.

 Nguyên tắc vận hành điều tiết nước tại các công trình nói trên được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: An toàn tuyệt đối cho công trình; góp phần giảm lũ hạ du; đảm bảo hiệu quả cấp nước SX vùng hạ du; hiệu quả phát điện.

 Khi vận hành giảm lũ cho hạ lưu, các công trình phải tuân thủ theo quy định phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả được cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo không gây ra lũ nhân tạo đột ngột, bất thường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa”, ông Phan Xuân Hải cho biết.

 Theo ông Nguyễn Hữu Vui, để có thể “chung sống” lâu dài với diễn biến bất thường về thời tiết, trong thời gian tới, ngành thủy lợi Bình Định cần tham mưu, đề xuất quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; quản lý khai thác công trình thủy lợi, đê điều. Tổng hợp, phổ biến ứng dụng các tiến bộ KHKT về chuyên ngành thủy lợi./.

Nguồn: tongcucthuyloi.gov.vn