Hơn 21.000 tỷ đồng nâng cấp hồ đập

2015.12.03 - 803 lượt xem

Số tiền trên sẽ được sử dụng để thực hiện cả hai giải pháp: Công trình (sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn) và phi công trình (nâng cao hiệu quả quản lý) cho hơn 1.000 công trình hồ đập đang xuống cấp.

Hơn 1.000 hồ chứa hư hỏng

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện còn khoảng 1.150 hồ chứa cần phải sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn trung hạn 2016 – 2020.

Trong số này, hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3 có 21 hồ hư hỏng; 160 hồ chứa lớn bị hư hỏng, 35 hồ thiếu khả năng xả; 134 hồ dung tích từ 1 – 3 triệu m3 hư hỏng; 580 hồ có dung tích từ 200.000 - 1 triệu m3 hư hỏng, 210 hồ có dung tích dưới 200.000 m3 hư hỏng nặng.

Ngoài ra, cả nước còn khoảng hơn 2.500 hồ chứa nhỏ có dung tích dưới 200.000 m3 khác nằm phân tán do thôn, xã quản lý không có tài liệu để đánh giá.

Những công trình này thiết kế thi công theo tiêu chuẩn cũ (TCVN5060-90), chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, thiếu tài liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, thi công đập còn hạn chế, theo thời gian khai thác vận hành đến nay nhiều hồ bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an tòan hồ đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT), trong 5 năm gần đây, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, lượng mưa lớn với cường độ lớn, cả nước đã xảy ra sự cố của 21 hồ chứa. Mới đây nhất, có thể kể đến sự cố vỡ đập phụ hồ chứa Đầm Hà Động (Quảng Ninh) năm 2014. Nguyên nhân do nước tràn qua đập gây vỡ mái đập. Năm 2013, vỡ đập hồ Tây Nguyên (Lâm Đồng), Thung Cối, Khe Luồng, Ông Già, Đồng Đáng (Thanh Hóa), Phân Lân (Vĩnh Phúc); hồ Vực Mấu đặt ở tình trạng báo động do lưu lượng nước về hồ lớn bất thường ở Nghệ An… đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của các khu dân cư.

Bất cập quản lý

 Tổng cục Thủy lợi đánh giá, từ khi Nghị định 07/2007/NĐ-CP được ban hành, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo các chủ đập thực hiện các nội dung đi kèm.

Một số nội dung được các chủ đập thực hiện tương đối tốt như kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau mùa lũ, xây dựng phương án phòng chống lụt bão, xây dựng quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ đập chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an toàn hồ đập, việc thực hiện còn mang tính hình thức. Trong đó có nguyên nhân khách quan mà chủ đập khó hoặc không thực hiện được như quy định về lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Và khi xảy ra vỡ đập thì chưa rõ trách nhiệm của chủ đập và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện mà hạ du chịu ảnh hưởng bởi xả lũ của nhiều hồ chứa, hạ du thuộc địa bàn 2 tỉnh trở lên, chưa có bản đồ ngập trên các lưu vực sông.

Đặc biệt, các hồ chứa nhỏ do cấp huyện, xã quản lý hầu như chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về quản lý an toàn đập do thiếu kinh phí, vượt quá khả năng chi trả của chủ đập.

Nâng cấp cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương hoàn thiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, mục tiêu của dự án là cải thiện an toàn hồ chứa và các công năng thiết kế của hồ chứa thông qua sửa chữa, nâng cấp, trang bị quan trắc, lập kế hoạch vận hành và bảo trì. Đồng thời, tăng cường thể chế về quản lý an toàn đập, hoàn thiện, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn, nâng cao năng lực quản lý lũ ở cấp lưu vực và cơ chế phối hợp vận hành hồ chứa thông qua cải thiện năng lực dự báo, xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp và đào tạo tăng cường năng lực.

Ông Nguyễn Việt Anh cho biết, quan điểm của Chương trình là phát huy nội lực của toàn xã hội để thực hiện, căn cứ vào đặc điểm của từng vùng, từng địa phương để lựa chọn quy mô công nghệ trong sửa chữa, nâng cấp công trình phù hợp. Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ, đảm bảo sự tham gia của cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng ưu tiên cho các công trình cấp bách, có nguy cơ mất an toàn gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhân dân vùng hạ du, các địa phương khó khăn, địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ.

Chương trình này bao gồm cả hợp phần công trình và phi công trình. Đối với hợp phần phi công trình, ưu tiên sửa chữa công trình đầu mối nâng cao khả năng chống lũ của 1.150 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ và từng bước nâng cấp hệ thống kênh mương; nâng cao mức bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế đối với hồ chứa có dung tích từ 10 triệu m3 trở lên. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thông qua đầu tư xây dựng lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo và giám sát hồ chứa, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quản lý hồ chứa phục vụ hỗ trợ cho quản lý, vận hành.

Hợp phần phi công trình bao gồm các hoạt động như hoàn thiện thể chế chính sách an toàn đập; nghiên cứu đề xuất cơ chế tài chính bền vững cho công tác quản lý đập để có kinh phí tu bổ, sửa chữa thường xuyên, đồng thời hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu (phần cứng, phần mềm, trang web) tại cơ quan trung ương…; Ngoài ra, tiến hành đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý hồ chứa từ Trung ương đến địa phương, tăng cường công tác khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế về an toàn đập; tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn đập đến các tầng lớp dân cư nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, chủ động trong công tác quản lý an toàn hồ đập cũng như chủ động công tác phòng, chống thiên tai.

Tổng kinh phí thực hiện của Chương trình là 21.131 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA là 344 triệu USD (tương đương hơn 9.300 tỷ đồng), vốn trong nước là 11.794 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang trình Chính phủ triển khai dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập” vay vốn Ngân hàng Thế giới (dự án WB8) nhằm hỗ trợ Chương trình. Theo kế hoạch, tổng mức đầu tư của dự án là gần 10.000 tỷ đồng, tương đương 425 triệu USD; vốn đối ứng trong nước là 630 tỷ đồng, tương đương 28 triệu USD.

 Về quy chế huy động vốn, hàng năm ngân sách Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng từ vốn đầu tư phát triển cho các địa phương để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; huy động tối đa nguồn lực của các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi: Chương trình Bảo đảm an toàn hồ chứa nước bao gồm nhiều công việc khác nhau và thời gian thực hiện kéo dài. Vì thế Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ từng bước làm sao để từ nay đến năm 2022 cơ bản những hồ chứa xung yếu sẽ được nâng cấp và đảm bảo an toàn. Còn những hồ chứa lớn cần đảm bảo độ an toàn cao hơn sẽ được sửa chữa để đáp ứng các quy chuẩn Quốc gia cũng như tiêu chuẩn an toàn của WB. Dự kiến Chương trình sẽ được thực hiện tại 45 tỉnh, thành phố có quản lý hồ chứa nước.

Nguồn:tongcucthuyloi.gov.vn