2015.05.07 - 805 lượt xem
Ngày 6/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hàng lang bảo vệ nguồn nước. Nghị định này quy định việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định tại Điều 31 của Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Nghị định, hành lang nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng về bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tư nhiên ven nguồn nước;…
Nghị định cũng quy định, quản lý hành lang nguồn nước phải đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác phải đảm bảo việc duy trì, phát triển các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt.
Kể từ 1/7/2015, hồ chứa có dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước
Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước
Nghị định quy định, đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi có dung tích lớn hơn 1 tỷ mét khối hoặc có dung tích từ 10 triệu mét khối đến 1 tỷ mét khối nhưng nằm ở địa bàn dân cư tập trung, địa bàn có công trình quốc phòng, an ninh thì phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng mực nước cao nhất ứng với lũ thiết kế đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ.
Đối với các loại hồ chứa thủy điện, thủy lợi khác, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ.
Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, phạm vi của hành lang bảo vẹ nguồn nước quy định như sau: Một là, không nhỏ hơn 10m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; Hai là, không nhỏ hơn 5m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung. Trường hợp đoạn sông, suối, kênh, rạch bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt, lở thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào diễn biến lòng dẫn, tình trạng sạt, lở để quyết định phạm vi hành lang bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế các nguyên nhân gây sạt, lở bờ, bảo vệ sự ổn định của bờ. Nghị định cũng nêu rõ, trường hợp đoạn sông, suối, kênh, rạch đã được kè bờ chống sạt, lở, lấn chiếm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước nhỏ hơn phạm vi tối thiểu được quy định nêu trên.
Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh rạch có chức năng phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định như sau: i, không nhỏ hơn 20m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; ii, không nhỏ hơn 15m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung;…
Nghị định cũng quy định, trường hợp hành lang bảo vệ nguồn nước có từ 2 chức năng trở lên thì phạm vi tối thiểu của hành lang được xác định theo chức năng có phạm vi tối thiểu rộng nhất.
Đối với hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa ở các khu vực khác, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 10m tính từ mép bờ.
Đối với đầm, phá tự nhiên và các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 30m tính từ mép bờ.
Trường hợp nguồn nước nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên hoặc nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa.
Lập, công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện lập danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn, lấy ý kiên của các cơ quan liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước trên các phương tiên thông tin đại chúng, thông báo tới UBND cấp huyện và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã nơi có nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.
Hồ chứa có dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước
Nghị định quy định, hồ chứa thủy điện, thủy lợi có dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên phải thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.
Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa.
Nghị định cũng quy định, thời hạn hoàn thành việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Đối với hồ chứa đang xây dựng, chưa đưa vào vận hành, việc bàn giao mốc giới phải hoàn thành trước khi thức hiện việc tích nước hồ chứa. Còn đối với các hồ chứa đang hoạt động mà chưa thực hiện việc bàn giao mốc giới theo quy định tại Nghị định số 112/2008/NĐ-CP thì phải hoàn thành việc bàn giao mốc giới trong thời hạn không quá 2 năm đối với hồ chứa thủy điện, 05 năm đối với hồ chứa thủy lợi kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Chi tiết Nghị định số 43/2015/NĐ-CP