Chia sẻ kinh nghiệm chống xói lở cửa sông, bờ biển

2015.09.08 - 833 lượt xem

Ngày 7/9/2015, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại học Tohoku (Nhật Bản), Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Thủy lợi tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản liên quan đến cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông. Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước về lĩnh vực này.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức liên quan đến lĩnh vực cửa sông, bờ biển. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện các cửa sông, bờ biển ở khu vực miền Trung nói chung và khu vực bờ biển Cửa Đại (thành phố Hội An) đang diễn ra tình trạng xói lở nghiêm trọng. 
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, hiện nay nhiều địa phương chưa có quy hoạch tổng thể liên quan đến khai thác, phát triển tiềm năng và phòng chống thiên tai cho toàn bộ hệ thống cửa sông, bờ biển. Nhiều giải pháp công trình đưa ra còn mang tính cục bộ hoặc thử nghiệm dẫn tới tình trạng nhiều khi việc phòng, chống xói lở ở khu vực này lại gây sạt lở ở các vùng khác. 
Tại tỉnh Quảng Nam, những năm gần đây hiện tượng xói lở và bồi lấp ở khu vực biển Cửa Đại đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế của địa phương. 
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Hitoshi Tanaka, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản cho rằng nguyên nhân tiềm năng gây nên xói lở bờ biển ở khu vực này là do sự suy giảm lượng bùn cát từ thượng lưu của hệ thống sông Thu Bồn đổ về. 
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng các biến động cửa sông ven biển miền Trung hiện diễn ra rất phức tạp. Bên cạnh các nguyên nhân như thiên tai, lũ lụt hàng năm, nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn đã dẫn đến tình trạng xói lở khu vực cửa sông ven biển. 
Tiến sĩ Hirotada Matsuki, Cố vấn trưởng Dự án xây dựng xã hội thích ứng thiên tai tại Việt Nam giai đoạn 2 (do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ) đã chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chính trị xói lở bờ sông của Nhật Bản. Đó là phương pháp đưa đường lạch sâu ra ngoài hướng bờ sông để thay đổi điều kiện dòng chảy từ gây ra xói mòn thành mang lại bồi đắp… 
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Việc tìm ra giải pháp tổng thể căn cơ để khắc phục tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại hiện là vấn đề phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu được công bố, trao đổi tại hội thảo là tiền đề quan trọng để tìm ra giải pháp ổn định, lâu dài cho bờ biển Cửa Đại. 
Hiện nay, bên cạnh các giải pháp tình thế để hạn chế tốc độ xâm thực của nước biển, tỉnh Quảng Nam đang hợp tác với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức nghiên cứu có uy tín của nước ngoài đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Trước mắt, tỉnh rà soát lại việc khai thác cát trên hệ thống sông Thu Bồn, một trong những nguyên nhân mà các nhà khoa học cho rằng đã gây nên tình trạng xói lở hiện nay ở khu vực biển Cửa Đại./.