Cần sớm xây dựng và triển khai quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng nước

2015.10.21 - 755 lượt xem

Nguồn nước mặt hầu hết các lưu vực sông (LVS) ở nước ta đều nằm trong tình trạng suy giảm nguồn nước. Điều này dẫn tới tình trạng khan hiếm nước, không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất, ảnh hưởng không chỉ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và gây tác động lớn đến môi trường sinh thái của các dòng sông.

Môi trường nguồn nước mặt bị ô nhiễm ở nhiều khu vực

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Môi trường Vesdec, chỉ tính riêng ở Việt Nam thì mạng lưới sông ngòi dày đặc, với 2.360 con sông có chiều dài hơn 10 km, trong đó có 109 con sông chính. Trên cả nước có 16 LVS, với lưu lượng nước lớn hơn 2.500 km 2; 10 trong số 16 LVS có diện tích hơn 10 nghìn km2. Tổng lượng nước mặt của các LVS khoảng từ 830 đến 840 tỷ m 3 /năm, tuy nhiên chỉ có khoảng 37% là nước nội sinh, còn lại là nước chảy từ các quốc gia láng giềng vào lãnh thổ Việt Nam.

Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, ở hạ lưu, hầu hết các LVS nằm trong tình trạng suy giảm nguồn nước dẫn tới thiếu nước, khan hiếm, nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất đang diễn ra thường xuyên hơn trên phạm vi rộng và ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng này đã gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái các dòng sông, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, cho nên sông, hồ trong các đô thị dần bị thu hẹp dòng chảy, thậm chí có nơi bị lấp hoàn toàn để lấy đất phục vụ xây dựng các công trình giao thông, khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp (KCN). Song song với quá trình đô thị hóa, là sự phát triển của các KCN, cho nên nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn. Điều này đã và đang gây sức ép đến nguồn nước sử dụng, cũng như chất lượng môi trường nguồn nước mặt ở nước ta bị ô nhiễm ở nhiều khu vực và đang có xu hướng mở rộng về phạm vi và mức độ ô nhiễm.

Cụ thể, ở khu vực miền Bắc, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, môi trường nước mặt ở nhiều nơi đã bị ô nhiễm. Tại LVS sông Cầu hiện có nhiều đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, KCN và các làng nghề truyền thống thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh… bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, môi trường nước lại chịu tác động chủ yếu do nước thải của ngành công nghiệp chế biến như cao su, mía đường, tinh bột sắn, cà phê và hoạt động chăn nuôi, nhất là từ các công trình thủy điện nhỏ.

Khu vực Đông Nam bộ, nguồn nước chủ yếu bị ô nhiễm là do nước thải công nghiệp và sinh hoạt, song vấn đề ô nhiễm chỉ tập trung tại vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội phía Nam, nơi có nhiều đô thị và KCN.

Theo số liệu thống kê, ở khu vực này có 114 KCN, khu chế xuất (KCX) đang hoạt động, chủ yếu tại các tỉnh, TP như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM… Nhưng vẫn còn hơn 30% số KCN, KCX chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đáng chú ý, khu vực này là nơi có tỷ lệ dân cư sống ở khu đô thị cao nhất của cả nước (chiếm 57%). Chỉ có TP HCM mới lắp đặt được hệ thống xử lý nước thải tập trung, song cũng mới chỉ đáp ứng được một phần so với yêu cầu thực tế…

Từng bước nâng hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước

Trong thời gian qua, các cấp có thẩm quyền đã ban hành hàng loạt các chính sách, văn bản như tổ chức phân công trách nhiệm quản lý môi trường nước tại các cấp; triển khai xây dựng và thực hiện các quy hoạch LVS; tăng cường công tác đánh giá môi trường bằng việc cấp phép xả thải, thanh tra, kiểm tra, quan trắc môi trường nước; xây dựng nguồn lực cho công tác này, cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý môi trường nước…

Tuy nhiên, trước những áp lực và hiện trạng chất lượng môi trường nước hiện nay, công tác quản lý môi trường nước ở nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cho dù chúng ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý, nhưng các quy định vẫn chưa đầy đủ và còn chồng chéo trong hệ thống văn bản. Tính thực thi của một số văn bản còn thấp, chưa sát với tình hình thực tế… Ở cấp địa phương, công tác thực thi các văn bản còn chậm và không triệt để. Điển hình như quy định về cấp phép, xử lý vi phạm hành chính đối với ô nhiễm môi trường tại một số địa phương.

Công tác thanh tra, kiểm tra và quan trắc môi trường chưa phát huy được hết vai trò, do nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT) nước còn nhiều hạn chế, cũng như sự hợp tác quốc tế thiếu tính bền vững và hiệu quả sau khi kết thúc các dự án, chương trình…

Để từng bước nâng hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nhất là tại các khu đô thị, KCN, KCX ở các địa phương hiện nay, các cấp có thẩm quyền trước hết cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách pháp luật, thể chế về BVMT nguồn nước mặt; điều chỉnh phân công trách nhiệm cụ thể hơn nữa giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, tránh sự chồng chéo như thời gian qua.

Cần sớm xây dựng và triển khai việc quy hoạch LVS, quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng nước, nhất là tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nước mặt tại các khu vực trọng điểm để từ đó áp dụng các công cụ kinh tế, các giải pháp khoa học công nghệ trong BVMT nước; đồng thời khuyến khích sự tham gia, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong công tác giám sát môi trường nước nơi mình sinh sống; thúc đẩy các hoạt động quốc tế trong quản lý và BVMT nước, nhất là vấn đề xuyên biên giới…

Đặc biệt là tại các LVS khu vực miền Bắc cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm soát các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng và triển khai các biện pháp xử lý nước thải tại các KCN, KCX, các làng nghề nằm trên LVS; đẩy mạnh việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Các LVS thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, KCX. Cụ thể là phải tăng cường giám sát các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, bởi đây cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường mặt nước ở khu vực này thời gian qua…

Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/