2015.10.22 - 973 lượt xem
Nhiều ngày qua, nước thượng nguồn sông Hồng dâng cao làm ảnh hưởng đến tâm lý của không ít người dân khu vực hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Vậy để chủ động vấn đề này chúng ta cần làm những gì?
Hiện nay phía thượng nguồn sông Hồng, Trung Quốc đang được coi là “nắm giữ” một trữ lượng nước tích chứa không nhỏ. Với các số lượng thủy điện, đập và hồ chứa của mình, ước chừng Trung Quốc đang tích chứa khoảng 49% tổng số lượng nước sông Hồng. Ngoài 2 nhà máy thủy điện lớn có tên là Namsa và Mađusan thì họ còn có 20 đập chứa lớn nhỏ khác nhau.
Ngoài sông Hồng, trên hai sông được coi là thượng nguồn, bắt nguồn từ Trung Quốc là sông Lô và sông Gâm họ còn có tới 8 hồ chứa với tổng công suất lắp máy khoảng 2.300 MW, trong đó có 3 hồ chứa lớn là Mã Đường (400 MW), Bi Thủy (278 MW), Nam Cổn (1.500 MW). Với việc tích chứa này, nếu đột ngột xả nước sẽ gây nguy hiểm cho các hồ chứa và tạo áp lực cho dòng chảy các sông Việt Nam bắt nguồn từ nước họ. Vậy nên, để an toàn và chủ động thì đã đến lúc cần có sự phối hợp trao đổi thông tin quan trắc và tình hình xả lũ giữa hai bên.
Theo Trung Khí tượng Thủy văn Lào Cai thì hiện đã có một số thỏa thuận về thông tin quan trắc và thông báo giữa hai nước. Hằng ngày Cơ quan khí tượng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai vẫn truyền số liệu quan trắc mực nước sông cho nhau. Bình thường là tần suất 4 lần/ngày, khi có diễn biến bất thường thì thông báo với tần suất dày hơn. Tuy nhiên, các thông báo này chỉ đưa ra thông số lưu lượng nước chứ không nói là có xả lũ hay không.
Cũng từ sự thỏa thuận này mà đêm 10/10, phía Trung Quốc đã cung cấp thông tin từ các trạm quan trắc từ phía họ cho chúng ta. Trên số liệu và thông tin này, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai đã phát bản tin cảnh báo lũ, chuyển bản tin đến UBND tỉnh Lào Cai để thông báo cho các địa phương dọc sông Hồng phòng tránh.
Để chủ động, quy chế phối hợp xả lũ trên sông Hồng
phải được nâng cấp ở mức độ cấp quốc gia.
Tuy nhiên, trước những trao đổi thông tin quan trắc có tính địa phương này, nhiều chuyên gia về thủy lợi và thủy văn vẫn e ngại về tính chủ động. Theo đó, cơ chế hợp tác mới chỉ dừng ở việc thông báo trước xả lũ, thông tin về khí tượng thủy văn như tình hình mưa, tình hình xả lũ. Nếu mưa lớn mà xả lũ có thể dễ có những thông báo, thông tin đầy đủ. Nhưng bên cạnh đó lại có nỗi lo là nếu việc xả lũ do hoạt động của các đập thủy lợi, thủy điện thì rất khó biết được các thông tin đầy đủ. Vậy nên đã đến lúc các thông tin trao đổi này không còn dừng ở mức độ địa phương.
Trao đổi với báo giới, ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ trao đổi thông tin quan trắc, thủy văn giữa các trạm thủy văn khu vực biên giới trên lưu vực sông Hồng và sông Kỳ Cùng. Còn cái cần hơn nữa là quy chế phối hợp về cung cấp thông tin xả lũ thì chưa có. Muốn đạt được quy chế phối hợp xả lũ trên sông Hồng thì phải làm việc ở cấp quốc gia chứ cấp bộ không có thẩm quyền.
Cũng với đòi hỏi này, GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng: Không có quy chế phối hợp để thông báo xả lũ kịp thời trên hệ thống thượng nguồn sông Hồng phía Trung Quốc là điều rất nguy hiểm với Việt Nam. Bởi lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc đạt mức 2.500 m3/giây như những ngày qua, nếu là mùa lũ thì hậu quả sẽ khó lường và rất nguy hiểm.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT): Việc xả lũ ở thượng nguồn sông Hồng hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Theo các số liệu quan trắc hằng năm cho thấy, vào mùa mưa có lúc nước ở thượng nguồn đã về với lưu lượng 7.000 m3/giây. Tuy nhiên việc xả khoảng lớn hơn và xả tới 3.800 m3/giây là điều cần phải đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn. Việc hợp tác trong việc xả lũ với Trung Quốc còn nhiều vấn đề, phía Việt Nam đã có văn bản đề nghị với phía Trung Quốc về vấn đề này.
Nguồn: http://daidoanket.vn/