Hội thảo bàn về thực tiễn và chính sách vận hành liên hồ chứa tại Việt Nam

2015.10.08 - 1163 lượt xem

Sáng nay 7/10, tại Hà Nội, Mạng lưới Cộng tác vì Nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Vận hành liên hồ chứa - Thực tiễn và chính sách”. Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, thủy lợi.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng quản lý lưu vực sông; hiện trạng khai thác, sử dụng nguồn nước ở hệ thống các hồ chứa trên các lưu vực sông lớn tạo cơ sở khoa học và thực tiễn đề đề xuất các cơ chế, chính sách và các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường quản lý tài nguyên nước lưu vực sông và quản lý vận hành hiệu quả liên hồ chứa ở các lưu vực sông lớn nhằm cắt giảm lũ lụt cũng như khai thác, sử dụng hiệu quả, đa mục tiêu nguồn nước hiện có, đồng thời bảo đảm nguồn nước trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu.


Tiễn sĩ Lê Văn Minh - Chủ tịch Viện Hợp tác và Phát triển tài nguyên nước phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, có 04 tham luận quan trọng liên quan đến công tác vận hành hồ chứa được trình bày bao gồm: Nội dung cơ bản và ý nghĩa của các quy trình vận hành liên hồ chứa; Hiện trạng khai thác, sử dụng nguồn nước của các hồ chứa lớn và những và những vấn đề về vận hành liên hồ chứa đối với việc quản lý tài nguyên nước lưu vực sông; Thực tiễn và thách thức đối với công tác dự báo phục vụ vận hành liên hồ chứa; Một số giải pháp khắc phục mâu thuẫn sử dụng nước ở hạ lưu các hỗ chứa trên lưu vực sông.


Quang cảnh Hội thảo

Đã có 06 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ và 05 quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa cạn được ban hành

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, thực hiện Quyết định số 1879/QĐ-TTg ngày 13/10/2010 về việc phê duyệt danh mục các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa có 61 hồ chứa trên 11 lưu vực sông, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trong đó có 06 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ (sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Đồng Nai), 05 quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa cạn (sông Ba, sông Sê San, sông Srêpôk, sông Hồng và sông Vu Gia - Thu Bồn). Đối với quy trình vận hành trong mùa cạn của 06 lưu vực sông còn lại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng các dự thảo, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện.


Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy phát biểu tại Hội thảo

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cũng cho biết, việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa là vấn đề mới và hết sức phức tạp. Bên cạnh những vấn đề về thông tin, số liệu phục vụ xây dựng quy trình, khó khăn lớn nhất hiện nay là để đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, điều tiết cấp nước cho hạ du thì phải điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của các hồ chứa, thay đổi thứ tự ưu tiên vận hành trong cả mùa lũ và mùa cạn và đòi hỏi có sự đồng thuận, thống nhất của các địa phương, các chủ hồ. Ví dụ như những yêu cầu về giảm lũ cho hạ du, bảo đảm yêu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du được đặt lên trên việc bảo đảm nhiệm vụ phát điện.

Việc ban hành kịp thời 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông trong mùa lũ hàng năm có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; gắn chế độ vận hành của công trình với các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết nước dưới hạ du các hồ để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta.
Với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu trong mùa lũ là đảm bảo chống lũ cho hạ du (lưu vực sông Hồng và sông Mã) và góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du (lưu vực sông Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, SrêPôk và sông Đồng Nai), các quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông trong mùa lũ hàng năm đã quy định cụ thể: chế độ vận hành, cơ chế phối hợp giữa các hồ, giữa các địa phương và trách nhiệm của địa phương, của các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình của các chủ hồ, các cơ quan có liên quan.

Cần phải có một qui trình vận hành liên hồ chứa tổng thể và mềm dẻo

Theo Thạc sĩ Vũ Hồng Châu - Viện trưởng, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á, đối với lưu vực sông sau khi xây dựng hệ thống các hồ chứa lớn thì việc phối hợp vận hành các hồ như thế nào để vừa bảo đảm an toàn cho công trình trong mùa lũ vừa chống lũ cho hạ du và phát điện theo mục tiêu của hệ thống là rất cần thiết, nhưng cũng là bài toán khó giải quyết.

Ông Vũ Hồng Châu cũng cho biết, thông thường, để đảm bảo mục tiêu phòng lũ, các hồ chứa thường được giữ ở mực nước hồ rất thấp để đón và chứa lượng nước lũ đổ về trong tương lai, điều này gây thiệt hại lớn cho phát điện và cũng dẫn đến nguy cơ hồ không tích được đầy nước sau mùa lũ để phục vụ cấp nước cho mùa khô năm sau phục vụ các nhu cầu phát điện, cấp nước sinh hoạt, tưới, duy trì dòng chảy môi trường... Ngược lại, nếu giữ mực nước hồ ở mức cao sẽ nâng cao được sản lượng điện phát ra, nhưng khi lũ về có thể gây mất an toàn cho hồ chứa và nhất là không cắt giảm được nhiều lũ cho hạ du. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có một qui trình vận hành liên hồ chứa tổng thể và mềm dẻo. Quy trình vận hành hợp lý sẽ tăng cường khả năng sử dụng nước thừa khi lũ tăng nhanh, xả nước đúng thời điểm, tránh xả nước lãng phí, trữ đủ nước đảm bảo công suất phát điện và hồ tích đủ nước để phát điện, cung cấp nước cho hạ lưu trong mùa cạn.


Thạc sĩ Vũ Hồng Châu - Viện trưởng, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á trình bày tham luận tại Hội thảo

“Khó khăn nhất là việc đánh giá nhu cầu sử dụng nước ở các ngành kinh tế (sử dụng nước tiêu hao và không tiêu hao) còn có nhiều mâu thuẫn. Ngành nào cũng muốn sử dụng tối đa nguồn nước trong lưu vực. Xác định nhu cầu sử dụng nước, thời kỳ cần nước... ở từng địa phương, từng ngành (thủy điện, thủy lợi, giao thông thủy...) là đặc biệt quan trọng” - Thạc sĩ Vũ Hồng Châu nhấn mạnh.

Còn theo Tiến sĩ Bùi Nam Sách - Viện trưởng, Viện Quy hoạch Thủy lợi, hiện nay, trên các lưu vực sông của Việt Nam, đã xây dựng nhiều hồ chứa, đập nước phục vụ cho tưới, phát điện, cung cấp nước sinh hoạt, nước cho công nghiệp, cho nuôi trồng thủy sản và cho du lịch, dịch vụ v.v... Vì vậy, việc phân chia nguồn nước cho các đối tượng sử dụng với những mục đích khác nhau một cách hợp lý, công bằng có vai trò quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả cho sử dụng nước và hạn chế những mâu thuẫn nảy sinh giữa các ngành dùng nước, giữa các nhu cầu sử dụng nước khác nhau.

Tổng hợp các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, đại diện Ban thư ký cho biết, Hội thảo về Quy trình vận hành liên hồ chứa là chủ đề quan trọng được nhiều cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học quan tâm. Thông qua Hội thảo này, các đại biểu cũng kiến nghị, để làm tốt công tác vận hành liên hồ chứa tại Việt Nam, cần có những chính sách cụ thể về quy định xây dựng các phần mềm theo dõi vận hành liên hồ chứa, giải quyết tốt bài toán tối ưu hóa các mục tiêu về sử dụng nguồn nước trên các lưu vực sông, đồng thời, đề cao trách nhiệm của các chủ hồ chứa nhằm đảm bảo công tác vận hành hồ hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách về tài nguyên nước và đưa chính sách đó được thực hiện trong thực tiễn.


Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Tác giả bài viết: Thanh Tâm (dwrm)