Việt Nam được biết đến là một nước có nguồn tài nguyên phong phú. Tuy nhiên, nhận định này có lẽ chỉ đúng với thời gian trước đây.
Nhiều vùng đất tại Ninh Thuận bị khô hạn nghiêm trọng khi trải qua gần 18 tháng không có mưa. Hồ chứa nước tại nhiều nơi khác cũng bị cạn trơ đáy. Thực tế khô hạn tại nhiều vùng thời gian gần đây cho thấy, nước không còn là tài nguyên vô hạn tại Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế xã hội.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Quý Nhân, Phó hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Báo cáo tổng quan ngành nước năm 2009 của ADB chỉ ra rằng, Việt Nam không phải là quốc gia phong phú về nguồn nước. Một số báo cáo gần đây về chống sa mạc hóa của LHQ chỉ ra rằng, những năm 2010-2030 lượng nước thiếu hụt ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam xảy ra lớn, mức độ khô hạn ở Việt Nam rất trầm trọng”.
Một thách thức lớn khác đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới là thiếu hụt năng lượng. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng vào năm 2030 của Việt Nam sẽ là 150 triệu tấn dầu quy đổi, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010. Nhu cầu ngày càng lớn trong khi nguồn tài nguyên để sản xuất năng lượng của Việt Nam như than đá, dầu khí… đang dần cạn kiệt, khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng, gây áp lực lớn về nhập khẩu năng lượng trong tương lai.
Tiến sỹ Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng cho biết: “Theo tính toán của chúng tôi, đến năm 2030, chúng ta phải nhập khẩu dầu khoảng 10 triệu tấn/năm và nhập khí khoảng 10 tỷ m3/năm”.
Từ một nước tự cân đối được năng lược trước đây, chúng ta phải tham gia vào thị trường năng lượng thế giới, phải tuân theo quy luật của thị trường. Đó là thách thức rất lớn cho ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai.
Các loại tài nguyên như nước, năng lượng, đất đai và rừng ở Việt Nam đang bị khai thác suy kiệt trong khi hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên này vào phát triển kinh tế lại không cao. Để phát triển bền vững, Việt Nam buộc phải tiến hành hạch toán tài nguyên trong nền kinh tế.
Theo các nhà khoa học, do phải đối mặt với thách thức khan hiếm tài nguyên trong tương lai, Việt Nam buộc phải sử dụng có hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, dân số ngày càng tăng để đảm bảo sự phát triển bền vững trong những năm tới.
(Theo vtv.vn)