Lấy đủ nước sản xuất nhưng đảm bảo tiết kiệm, phục vụ đa mục tiêu

2025.01.14 - 56 lượt xem

Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương, đơn vị trong đợt 1 lấy nước đổ ải cần tăng cường biện pháp đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất, tránh lãng phí.

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT).

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2024-2025 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ gồm 2 đợt: Đợt 1 từ 0 giờ ngày 12/1 đến 24 giờ ngày 16/1/2025 (5 ngày); đợt 2 từ 0 giờ ngày 8/2 đến 24 giờ ngày 14/2/2025 (7 ngày).

Phương án lấy nước được Viện Quy hoạch thủy lợi, Cục Thủy lợi tính toán rất kỹ lưỡng, xây dựng theo 5 tiêu chí: Bảo đảm khung thời vụ tốt nhất; tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, lợi dụng tối đa ảnh hưởng của thủy triều; tránh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; duy trì mực nước tại các trạm khống chế (trạm thủy văn Hà Nội, trạm thủy văn Sơn Tây) hợp lý, phù hợp với khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi; ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi cho địa phương phía thượng nguồn do khó khăn trong việc trữ nước.

Trong thời gian lấy nước, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội trong đợt 1 duy trì trung bình khoảng 1,7m. Đợt 2 các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,7-1,9 m tại trạm thủy văn Hà Nội).

Sau đợt 1, diện tích có nước đạt trung bình khoảng 30-40%, một số tỉnh ven biển đạt từ 40-50%. Sau khi kết thúc đợt 2, cơ bản các địa phương hoàn thành kế hoạch.

Ông Khanh cũng đánh giá, hiện tại, dung tích trữ của các hồ chứa thủy điện thượng nguồn đạt từ 93-100% dung tích hữu ích thiết kế (Sơn La 98,6%, Hòa Bình 100%, Thác Bà 92,8%, Tuyên Quang 99,4%...). So sánh về tổng dung tích trữ các hồ trước vụ đông xuân cao hơn năm 2024 là 304 triệu m3, năm 2023 hơn 1.200 triệu m3 và 2022 hơn 1.600 triệu m3.

Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi lưu ý, tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng tiếp tục diễn biến phức tạp làm xu thế mực nước hạ du sông tiếp tục bị hạ thấp, nhất là tác động khó lường do lũ lịch sử sau cơn bão số 3 vừa qua. Các công trình chưa được nâng cấp, thay thế như trạm bơm Trung Hà, Bạch Hạc (cũ), Đại Định (cũ), Phù Sa, Ấp Bắc; cống Cẩm Đình, Liên Mạc, Long Tửu tiếp tục không đủ điều kiện vận hành như các năm gần đây. Các trạm bơm mới được nâng cấp Bạch Hạc, Đại Định, Liễu Trì (tỉnh Vĩnh Phúc) đủ điều kiện vận hành trong cả 2 đợt lấy nước, nhưng các trạm bơm này công suất nâng cấp mới chỉ đạt 50% so với yêu cầu.

Lịch lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2024-2025 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ từ 0 giờ ngày 12/1 đến 24 giờ ngày 16/1/2025. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Khanh nhận định, trong thời kỳ xả nước, nhiều khả năng thời tiết duy trì trạng thái khô, không có mưa trái mùa. Tình trạng xâm nhập mặn trên hệ thống sông Hồng có chiều hướng sâu hơn, đỉnh triều đã bắt đầu có tác động tới khu vực Sơn Tây, Hà Nội (điều này trong các năm trước không xảy ra). Thời gian giữa 2 đợt lấy nước cách nhau khá xa (22 ngày)…

Do đó, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi phải bám sát lịch xả nước, bố trí đủ nhân lực, phương tiện sẵn sàng vận hành lấy nước khi điều kiện cho phép. Trường hợp chưa đưa được nước vào ruộng cần có phương án trữ nước trong hệ thống kênh mương, hồ chứa.

Các địa phương hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến cáo của Cục Trồng trọt về khung thời vụ, tiến hành làm đất ngay khi có nước; thực hiện gieo cấy đồng loạt, be bờ để giảm thiểu thất thoát và lãng phí nước.

Các tỉnh ven biển cũng cần chỉ đạo cơ quan liên quan thực hiện quan trắc độ mặn, đánh giá, dự báo tình hình xâm nhập mặn ở hạ du các sông; chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước sản xuất và sinh hoạt.

Nguồn: nongnghiep.vn