2025.01.14 - 35 lượt xem
Cục Thủy lợi cảnh báo hạn mặn năm nay đến sớm, tuy mức độ không quá gay gắt nhưng người dân cần chủ động tích trữ nước để đảm bảo sản xuất dịp Tết.
Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi (bìa trái), kiểm tra thực địa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo.
Để đánh giá công tác phòng chống hạn mặn và đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2024-2025, Cục Thủy lợi cùng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam đi kiểm tra thực địa các địa bàn thường xuyên ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tại tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, đánh giá, việc đầu tư xây dựng và vận hành hợp lý các công trình thủy lợi đã giúp kiểm soát hạn mặn, ngăn ngừa thiên tai, ổn định sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Nổi bật trong số đó là các cống Bông Bót, Tân Định (Trà Vinh), cống Vũng Liêm (Vĩnh Long) và trạm bơm 3/2. Nhờ các công trình này, tình trạng xâm nhập mặn và triều cường đã được kiểm soát, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt trong mùa khô 2023-2024, Trà Vinh và Vĩnh Long ít bị ảnh hưởng so với các đợt hạn, mặn trước.
Đáng chú ý, trạm bơm 3/2 trên địa bàn huyện Trà Cú (Trà Vinh), đưa vào sử dụng từ tháng 7/2022, đã cấp nước hiệu quả cho hơn 23.000ha, chiếm khoảng 37% diện tích lúa đông xuân mùa khô 2023-2024 tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú, hỗ trợ đáng kể trong việc điều tiết nước cho những khu vực giáp biển.
Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi, năm nay hạn hán và xâm nhập mặn dự báo không gay gắt như những năm trước nhưng đến sớm và diễn biến khó lường. Ông đề nghị các địa phương không lơ là, bị động trong công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
“Các Sở NN-PTNT và đơn vị liên quan phải thường xuyên báo cáo, cập nhật thông tin và số liệu cụ thể kịp thời để chúng tôi nắm bắt tình hình, từ đó xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp. Những khu vực không đảm bảo nguồn nước, chúng ta phải giám sát và khuyến cáo, giải thích để người dân hiểu và thận trọng trong việc xuống giống. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình cần theo dõi sát các dự báo từ Bộ và các cơ quan chuyên môn.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xây dựng kế hoạch vận hành đồng bộ và hiệu quả. Đối với địa phương, khi xây dựng kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn phải thực tế và phát huy kinh nghiệm những năm trước”, Cục trưởng Cục Thủy lợi lưu ý.
Trạm bơm 3/2 đã và đang phát huy tốt công tác tiếp nước ngọt cho vùng hạn mặn. Ảnh: Hồ Thảo.
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dòng chảy về ĐBSCL mùa khô 2024-2025 sẽ giảm nhanh, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn xuất hiện sớm tại các cửa sông.
Trong tháng 1/2025, mặn đã xâm nhập sâu từ 40-51km và dự kiến đạt đỉnh trong giai đoạn từ tháng 2- 4/2025. Đặc biệt, kỳ mặn cao điểm từ ngày 28/1-3/2, trùng dịp Tết Nguyên đán, có thể khiến mặn vào sâu 45-55km, do lượng nước xả từ các hồ thủy điện trên thượng nguồn còn hạn chế. Tình trạng mặn sẽ kéo dài, với ranh mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu 50-65km trong giai đoạn cao điểm.
Để ứng phó, các địa phương cần chủ động xuống giống sớm, tranh thủ tích trữ nước khi triều rút. Quản lý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và giám sát chặt chẽ chất lượng nước trước khi đưa vào hệ thống thủy lợi.
Nông dân Trà Vinh không bị ảnh hưởng hạn mặn do các công trình thủy lợi phát huy tốt hiệu quả. Ảnh: Hồ Thảo.
Sau khi nghe báo của đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi, cũng như các kiến nghị của tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, Cục trưởng Cục Thủy lợi ghi nhận đề xuất của tỉnh Trà Vinh về nạo vét tuyến kênh cấp nước chính (kênh Cái Bưng và Cái Cá) để tăng cường khả năng chuyển nước từ sông Măng Thít về địa bàn Trà Vinh, cũng như một số công trình thủy lợi, nhưng cần xem xét.
Cụ thể, công tác nạo vét cần tính toán kỹ lưỡng về phương án xử lý bùn dôi dư. Việc xây dựng các công trình thủy lợi cũng như cấp các thiết bị quan trắc cần được rà soát tổng thể, kỹ lưỡng chống lãng phí.
Riêng đối với Vĩnh Long, cần sớm kiện toàn thành lập đơn vị đầu mối vận hành các công trình thủy lợi để nâng cao hiệu quả khai thác.
"Chúng ta không được lơ là, chủ quan mất cảnh giác trong phòng chống hạn, mặn. Đồng thời, chủ động sản xuất và báo cáo kịp thời những bất thường trong quy trình vận hành hệ thống cống”, ông Phong nhắc lại.
Nguồn: nongnghiep.vn