Khắc phục bất cập trong cấp nước sạch vùng nông thôn

2025.01.14 - 12 lượt xem

Cấp nước sạch cho nhân dân vùng nông thôn trên địa bàn cả nước đã đạt được nhiều kết quả khi tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch ngày càng tăng. Mặc dù vậy, việc cấp nước sạch cho người dân hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như nguồn nước ngọt ngày càng suy thoái cả về số lượng và chất lượng; giá nước thấp, thu không đủ bù chi; nhiều công trình cấp nước không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả...

Phó Cục trưởng Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lương Văn Anh cho biết: "Đến nay ở Việt Nam, 74,2% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn, trong đó, có 55,1% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung. Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, việc ứng dụng khoa học, công nghệ luôn là động lực, chìa khóa để tăng hiệu suất khai thác, quản lý công trình. Tại một số địa phương, đã thiết lập bản đồ số mạng cấp nước, quản lý tài sản, giám sát vận hành và bảo trì mạng cấp nước; ứng dụng phần mềm thủy lực vào quản lý vận hành, phát triển hệ thống cấp nước. Ngoài ra, nhiều địa phương tiếp tục áp dụng những công nghệ mới để giám sát chất lượng nước tự động; điều khiển van phân vùng cấp nước; chuyển đổi bể một lớp thành hai lớp vật liệu lọc giúp tăng vận tốc, kéo dài chu kỳ lọc, giảm tiền điện và nâng cao chất lượng nước; công nghệ bể lọc tiếp xúc sinh học U-BCF để xử lý nguồn nước nhiễm hữu cơ và amoni; công nghệ lọc RO để xử lý nước biển thành nước cấp sinh hoạt… Những kết quả nêu trên góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao sức khỏe người dân nông thôn".

Hiện nay, cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ gia đình nông thôn. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất với 91,9%, khu vực Tây Nguyên thấp nhất với 39,5%.

Tuy nhiên qua thống kê, trong số hơn 18.000 công trình thì chỉ có 32% số công trình hoạt động bền vững, 26,3% số công trình hoạt động tương đối bền vững, 41,8% số công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động. Một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp như: Hà Giang, Gia Lai là 7,7%, Yên Bái 11,4%, Cao Bằng 12,6%, Lâm Đồng 12,8%...

Các công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ dân nông thôn. Ngoài ra, trong số 2.680 công trình cấp nước không hoạt động, trên thực tế nhiều công trình chỉ còn danh mục trên sổ sách, dữ liệu kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn.

Theo chỉ đạo, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương đang tích cực phối hợp cơ quan chức năng thực hiện thủ tục thanh lý, hủy tài sản để đưa ra khỏi danh mục, cụ thể các tỉnh như: Cà Mau đang thực hiện thủ tục hủy và thanh lý 128 công trình, Đắk Nông 133 công trình, Bắc Giang 31 công trình…

Mặt khác, mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng nhưng chưa có quy định cụ thể, thống nhất về mô hình và năng lực đơn vị quản lý khai thác; giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động cao, chất lượng dịch vụ thấp.

Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt đang ngày càng suy thoái cả về số lượng và chất lượng; biến đổi khí hậu làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn… ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng khiến nguồn nước cấp không bảo đảm chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, nhiều công trình cấp nước phải hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động do thiếu hụt nguồn nước ngọt ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước sạch an toàn, bền vững cho người dân nông thôn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên Hoàng Văn Viên: "Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hơn 1.000 công trình cấp nước nhưng mới có 13% số hộ dân vùng nông thôn được tiếp cận nước sạch. Vì vậy, việc đạt mục tiêu về cấp nước sạch cho vùng nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 trên địa bàn tỉnh là một thách thức lớn".

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,15% nhưng tỷ lệ nước sạch là 25,67%. Toàn tỉnh có 128 công trình cấp nước tập trung, trong đó số công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững chiếm 48,4%, số còn lại được đánh giá kém bền vững và không hoạt động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do các công trình có quy mô nhỏ, đầu tư chưa hoàn chỉnh, thời gian sử dụng lâu; nhiều công trình chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt khẩn cấp trong thời gian khô hạn. Hơn nữa, một số công trình đưa vào vận hành, người dân không sử dụng nước hoặc sử dụng hạn chế; tình trạng biến đổi khí hậu, khô hạn trong các tháng mùa khô diễn ra gay gắt khiến mực nước ngầm hạ thấp, ảnh hưởng hoạt động của các trạm cấp nước.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: Nhu cầu nguồn lực đầu tư cho nước sạch nông thôn để đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch là rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước lại hạn chế; nguồn lực xã hội chỉ huy động được ở khu vực đồng bằng, tập trung đông dân cư, thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực này cho khu vực miền núi, vùng sâu, xa.

Nhằm khắc phục bất cập trong cấp nước sạch cho nhân dân vùng nông thôn, theo Cục Thủy lợi, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý khai thác, vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, nhất là vùng sâu, xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới và hải đảo; rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn. Trong đó, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa công trình; có lộ trình tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn để thu hút doanh nghiệp đầu tư và quản lý khai thác; có chính sách phù hợp tạo điều kiện để hộ nghèo được tiếp cận nước sạch với chi phí hợp lý.

Nguồn: nhandan.vn