Đồng Tháp: Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

2024.12.07 - 91 lượt xem

Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Thủy lợi nội đồng ở Đồng Tháp giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm và cho năng suất cao hơn 15% so với trước đây. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiệu quả từ hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh

Đồng Tháp, vùng đất nông nghiệp trù phú của ĐBSCL, đang trở thành điểm sáng nhờ những thành tựu vượt bậc trong đầu tư và phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng. Các công trình thủy lợi hoàn thiện không chỉ giúp nông dân yên tâm canh tác, tăng năng suất mà còn đóng góp đáng kể vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Đồng Tháp đã và đang hoàn thiện hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng đảm bảo nguồn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt theo hướng tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên nước. Đến nay, hầu hết các trạm bơm dầu đang được thay thế bằng các trạm bơm điện giúp giảm tiêu hao nhiên liệu, an toàn môi trường.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 833 công trình kênh trục, kênh dẫn cấp II, III, IV với chiều dài khoảng 4.073km, diện tích phục vụ khoảng 485.132ha, hệ thống điều tiết có 2.616 cống các loại và 1.219 trạm bơm điện. Về ô bao bảo vệ sản xuất, toàn tỉnh có 1.319 ô bao, với chiều dài 8.105km. Trong đó có 1.102 ô bao triệt để, với chiều dài 6.303km, 217 ô bao chống lũ (bảo vệ lúa thu đông). Những năm gần đây người dân Đồng Tháp nhận thức hệ thống thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, để nâng cao khả năng giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: Những năm qua, Đồng Tháp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, bao gồm các kênh mương, trạm bơm và đê bao bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp. Hiện hệ thống thủy lợi ở Đồng Tháp đang phục vụ hơn 200.000ha đất sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, Đồng Tháp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, bao gồm các kênh mương, trạm bơm và đê bao bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt, các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, giảm tác động từ thời tiết cực đoan. Nhờ đó, nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa mỗi năm với năng suất tăng trung bình 15% so với trước đây.

Thực tế, các khu vực trước đây bị nhiễm phèn nặng, như huyện Tam Nông, Tháp Mười, Tân Hồng… giờ đây đã trở thành những cánh đồng lúa trù phú. Bà con nông dân cũng không còn lo ngại việc thiếu nước trong mùa khô hoặc ngập úng trong mùa mưa lũ. Những thay đổi này đã mang lại thu nhập ổn định trong canh tác nông nghiệp, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Thủy lợi đóng góp lớn cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp của Đồng Tháp cũng được Bộ NN-PTNT đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Đề án “Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải”. Đề án này đặt mục tiêu sản xuất lúa an toàn, giảm khí thải nhà kính, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, việc kiểm soát tốt nguồn nước đã giúp áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, như “1 phải 5 giảm” và giảm thiểu việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Đồng Tháp hiện đang triển khai thu gom rơm rạ đạt 70% vào năm 2025 và hướng tới 100% vào năm 2030.

Đến nay, hầu hết các trạm bơm dầu đang được thay thế bằng các trạm bơm điện giúp giảm tiêu hao nhiên liệu, an toàn môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhằm duy trì và phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi, Đồng Tháp dự kiến đầu tư thêm vào các công trình trọng điểm và mở rộng mạng lưới thủy lợi thông minh. Tỉnh cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ tốt hơn trong việc sản xuất lúa chất lượng cao, đồng thời đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, với danh mục 8 công trình, tổng kinh phí 2.185 tỷ đồng gồm: Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông Tiền khu vực phường An Lạc, TP Hồng Ngự. Khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh. Khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh. Dự án đảm bảo nước sạch nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp tại khu vực khó khăn và biên giới.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ nhiệm Tân Hưng Hội quán, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông chia sẻ: Hệ thống thủy lợi mới không giúp kiểm soát nguồn nước mà còn thúc đẩy liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp. Hiện nay Hội quán có hơn 35 thành viên chuyên canh trồng lúa với diện tích gần 170ha đều đạt năng suất cao nhờ thuận lợi lấy nước ra vào đồng ruộng.

Bên cạnh đó thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Đề án “Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải”. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều HTX và nông dân khác ở Đồng Tháp đã bày tỏ sự hài lòng với hiệu quả của hệ thống thủy lợi nội đồng. Ông Nguyễn Văn Định, một nông dân ở huyện Hồng Ngự, cho biết: Trước đây, ông Định canh tác lúa phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nhưng giờ đây, 2ha lúa của gia đình ông yên tâm không sợ thiếu nước trong mùa nắng; mùa lũ không bị nước tràn vào đồng ruộng là nhờ các hệ thống thủy lợi trong huyện được nhà nước đầu tư khá hoàn chỉnh. Chính vì vậy, việc kiểm soát nước tưới tiêu ổn định, năng suất lúa của gia đình sản xuất 3 vụ/năm.

Các HTX như Tân Cường và Phú Hưng ở huyện Tam Nông cũng ghi nhận rằng việc đầu tư vào thủy lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các giống lúa chất lượng cao và giảm chi phí tưới tiêu.

Đầu tư vào thủy lợi nội đồng không chỉ giúp Đồng Tháp nâng cao năng suất nông nghiệp mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây chính là nền tảng để tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, mang lại cuộc sống ấm no và thịnh vượng cho người dân.

Nguồn: nongnghiep.vn