‘Cấp cứu’ đê điều, thủy lợi sau bão: [Bài 5] Đã tính phương án xẻ kênh để cứu hệ thống Bắc Hưng Hải

2024.10.02 - 597 lượt xem

Ảnh hưởng của mưa lũ do hoàn lưu bão Yagi, hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải ghi nhận 292 điểm xảy ra sự cố, đặt ra bài toán cân não cho ngành thủy lợi.

"Báo động đỏ" hệ thống Bắc Hưng Hải - Chuyện bây giờ mới kể

Bắc Hưng Hải - công trình đại thủy nông lớn nhất miền Bắc, vừa trải qua một thử thách rất lớn. Từ ngày 6-12/9, lượng mưa khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ phổ biến từ 320 - 380mm. Báo cáo của Cục Thủy lợi cho thấy, riêng các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định lên tới 400 - 460mm. Nước từ làng mạc, khu dân cư, khu công nghiệp và vùng cao cùng lúc đổ về hệ thống sông trục, kênh mương của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, biến nơi đây thành túi nước khổng lồ.

Khắp các vùng nội đồng ngập nước trắng băng, các địa phương vận hành trạm bơm từ nội đồng ra sông để tiêu úng, cứu cây trồng. Các tuyến kênh mương đầy ứ nước, trong khi các cống tiêu đầu mối Cầu Xe, An Thổ và trạm bơm My Động gần như “đóng băng”, chỉ vận hành được rất ít thời gian và hiệu quả không cao do chênh lệch mực nước thượng - hạ lưu thấp.

Một điểm bờ kênh sông Bắc Hưng Hải tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương xảy ra sự cố tràn được lực lượng "4 tại chỗ" của địa phương gia cố kịp thời, đảm bảo an toàn. Ảnh: Ngọc Thành.

Trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải ghi nhận 292 sự cố, trong đó có 34 điểm sạt mái bờ kênh với chiều dài 1.289m; 214 điểm tràn qua bờ kênh với tổng chiều dài 48.575m; 7 điểm thẩm lậu, rò rỉ qua thân kênh với chiều dài 755m; 16 điểm mạch đùn sủi. Nguy cơ “tức nước vỡ bờ” có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Trước tình thế căng thẳng vượt xa mọi tính toán, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải phải cấp báo với chính quyền địa phương (Hưng Yên và Hải Dương), Cục Thủy lợi và Bộ NN-PTNT thực hiện hàng loạt giải pháp ứng cứu hệ thống.

Để giảm áp lực nước trong hệ thống kênh mương và sông trục, Cục Thủy lợi lệnh khẩn yêu cầu dừng vận hành các trạm bơm đầu mối tiêu ra sông. Đồng thời, lập tức cử đoàn công tác do Cục trưởng Nguyễn Tùng Phong dẫn đầu kiểm tra tình hình thực tế, bàn giải pháp xử lý tình huống cấp bách.

Ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi trực tiếp kiểm tra một điểm xảy ra sự cố sạt kênh Bắc Hưng Hải do ảnh hưởng của mưa bão ngày 11/9. Ảnh: Minh Phúc.

Nhớ lại thời khắc ấy, ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi, chia sẻ: “Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, các địa phương Hưng Yên, Hải Dương đã phản ứng rất nhanh, huy động các lực lượng cùng công ty khai thác vận hành hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đắp bao cát chống tràn, gia cố vị trí xung yếu kết hợp dừng bơm khoa học để bảo vệ bờ kênh”.

Tuy nhiên, do diễn biến mưa lũ thời điểm đó rất khó lường, bởi vậy, Cục Thủy lợi cùng các nhà khoa học và Công ty Bắc Hưng Hải đã bàn đến kịch bản xấu nhất, đó là phải xẻ nhiều điểm kênh Bắc Hưng Hải để phân nước vào các vùng trũng hoặc những vùng lúa đã xác định mất trắng. Và tính toán các vị trí xẻ kênh để các địa phương cùng chia sẻ thiệt hại. Một giải pháp khác cũng được đưa ra, đó là xẻ đê ở các vùng có thể bơm tiêu được ra các chỗ khác. Rất may là sau đó, lưu lượng mưa giảm và đến ngày 13/9, lũ trên sông Hồng và một số sông ngoài rút dần, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thoát nước trong hệ thống.

Không xảy ra sự cố lớn do chủ động phòng ngừa từ sớm

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, ngày 7/9/2024 cơn bão Yagi mới đổ bộ vào địa phận nước ta, nhưng trước đó, từ ngày 4,5/9, Cục Thủy lợi đã ban hành 2 công điện và 1 văn bản đề nghị các địa phương thực hiện việc đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng do ảnh hưởng của bão. Trong đó, Cục yêu cầu tổ chức vận hành bơm, tháo cạn xuống mức thấp nhất có thể nước trong hệ thống kênh mương, vùng trũng, chuẩn bị sẵn sàng công tác ứng trực, phương tiện, vật tư vận hành tối đa công trình tiêu úng.

Đồng thời, Cục đã tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và tiêu nước. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi thuộc Bộ và các địa phương đã tranh thủ sông ngoài chưa có lũ, thực hiện nghiêm túc việc bơm, tháo nước chống úng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, đến trước thời điểm có mưa, bão, nước trong hầu hết hệ thống thủy lợi gần như cạn kiệt. Đến ngày 6/9/2024, trong các hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh lớn như Bắc Hưng Hải, mực nước tại các điểm chốt đều được đưa xuống thấp hơn so với mực nước thiết kế tiêu (Kênh Cầu +1,05m; Bá Thủy +0,83m, Neo +0,81m); mực nước toàn hệ thống Bắc Nam Hà đưa xuống mức +0,2-0,3m.

“Nếu không có các văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện bơm, tháo cạn nước trong nội đồng và hệ thống thủy lợi từ sớm, chắc chắn, tình trạng ngập úng và nguy cơ sự cố mất an toàn công trình thủy lợi khu vực Đồng bằng sông Hồng sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Tùng Phong chia sẻ.

​​​​​​​

Đoàn công tác của Cục Thủy lợi đã tính đến phương án xẻ kênh Bắc Hưng Hải để phân nước cho các địa phương, tránh nguy cơ vỡ kênh trong tình huống xấu nhất. Ảnh: Ngọc Thành.

Đặc biệt, từ ngày 11 - 13/9/2024, mực nước các sông lên cao, nhiều khu vực mực nước đã vượt mức báo động II và III, ảnh hưởng đến việc vận hành của các công trình thủy lợi tiêu úng. Lần đầu tiên, 4 hệ thống thủy lợi liên tỉnh (Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, Bắc Nam Hà, Sông Nhuệ) phải dừng bơm, dẫn đến phải dừng tiêu nước từ nội đồng vào kênh trục để bảo vệ an toàn công trình, làm tình trạng ngập úng kéo dài.

Thần tốc tiêu nước giảm ngập nội đồng

Cũng nhờ bảo toàn được hệ thống công trình, ngành thủy lợi tranh thủ từng giây từng phút khi điều kiện cho phép để vận hành tối đa công suất tiêu thoát nước, cứu lúa, hoa màu. Cụ thể: ngày 8/9 (một ngày sau bão Yagi đổ bộ) bắt đầu ghi nhận diện tích bị ngập lụt tổng cộng xấp xỉ 83.200ha lúa và khoảng 9.300ha rau màu bị ngập, dập nát, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Trong các ngày 9-10/9, lượng mưa ở khu vực này giảm và công trình thủy lợi vận hành hiệu quả, diện tích ngập úng giảm nhanh còn khoảng 46.100ha vào ngày 10/9.

Từ 11-13/9, do mưa bổ sung kết hợp với mực nước tại các hệ thống sông tăng nhanh gây khó khăn cho tiêu thoát, tình trạng ngập lụt, úng lúa gia tăng mạnh, đạt mức cao nhất 190.286ha vào ngày 13/9. Ngày 14/9 đến nay, diện tích ngập úng giảm đần. Đến ngày 20/9, toàn vùng Đồng bằng sông Hồng cơ bản hết úng ngập.

Nhìn lại công tác vận hành điều tiết thủy lợi phục vụ tiêu úng, phòng, chống bão số 3, ông Nguyễn Tùng Phong đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trước tiên, cần soát các quy định trong quy trình vận hành công trình thủy lợi. Trường hợp có các quy định chưa phù hợp với thực tiễn cần báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức điều chỉnh quy trình vận hành, đặc biệt lưu ý sự phù hợp với thực tiễn các quy định phải dừng bơm tiêu công trình đầu mối trong thời gian có lũ, ngừng bơm nước từ nội đồng vào kênh trục,... ở các hệ thống thủy lợi lớn, liên tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Hồng; quy định về thẩm quyền điều hành vận hành cửa van để cắt, giảm lũ,... của các hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực vận hành của công trình đầu mối tiêu trong trường hợp mực nước bể xả/sông ngoài cao, bảo đảm chủ động vận hành trong thời gian có lũ. Tăng cường giám sát trực tuyến khí tượng, thủy văn chuyên dùng, tình trạng vận hành công trình thủy lợi để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành vận hành công trình thủy lợi, đặc biệt trong thời gian mưa, lũ lớn.

Lý giải về các văn bản khẩn lệnh dừng vận hành các trạm bơm đầu mối tiêu ra sông, ông Nguyễn Tùng Phong cho biết: “Trong vận hành công trình thủy lợi, nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình, không để xảy ra sự cố do chủ quan. Bởi, nếu công trình xảy ra sự cố thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Nguồn: nongnghiep.vn