Rốn lũ ngoại thành Hà Nội có thể giải quyết theo hướng liên vùng

2024.09.19 - 257 lượt xem

Thay vì tập trung các giải pháp cho sông Bùi và huyện Chương Mỹ, cơ quan chuyên môn đề xuất phương án tổng thể, áp dụng trên toàn bộ lưu vực.

Trăn trở vùng rốn lũ

Ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã khảo sát một số điểm đê xung yếu trên địa bàn TP Hà Nội.

Báo cáo đoàn công tác, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, Hà Nội có tổng số hơn 620km đê, trong đó hơn 400km là đê từ cấp III trở lên. Đây cũng là địa phương có chiều dài đê từ cấp III đến cấp đặc biệt lớn nhất cả nước. Ngoài ra, Thành phố có gần 220km kè và hơn 200 cống qua đê, hơn 360 điểm canh đê, 15 trụ sở hạt quản lý đê, hơn 60 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão.

Trên các tuyên đê từ cấp III trở lên, Hà Nội còn tồn tại 28 trọng điểm đê xung yếu, trong đó 5 trọng điểm cấp thành phố. Hiện Hà Nội có khoảng 32km đê có mạch đùn, mạch sùi, 42km đê bị thẩm lậu, rò rỉ, 68km đê còn đầm ao ven chân đê chưa được lấp, 34 cống qua đê cần sửa chữa, 7 cống cần xây mới.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội thị sát khu vực cầu Cốc, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bảo Thắng.

Dù được đầu tư liên tục, Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng ngập úng. Điển hình là vùng rốn lũ thuộc huyện Chương Mỹ trải dài trên 3 xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ. Tính từ năm 2017, người dân khu vực này đã tổng cộng 4 lần chạy lũ. Gần nhất, hoàn lưu của cơn bão số 2 hồi cuối tháng 7/2024 đã khiến bà con phải di chuyển nhiều ngày bằng thuyền.

Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, nước sông Bùi tiếp tục tràn qua đê, tính đến 7h sáng 12/9, mực nước trên báo động III, tràn qua đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng 10 - 40cm.

Nhận định về nguyên nhân gây ngập lụt ở các xã ven sông Bùi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết một phần do lũ rừng ngang từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đổ về với khối lượng lớn, trong thời gian ngắn. Sông Bùi có chiều dài khoảng 90km đổ vào sông Đáy tại khu vực xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức), sau đó đổ tiếp về Hà Nam. Do mưa lớn những ngày trước, mực nước tại vùng Hà Nam, Nam Định, Thái Bình cũng dâng cao nên nước từ sông Bùi không kịp đổ ra biển.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm khu nhà dân bị ngập úng tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bảo Thắng.

Giải pháp trước mắt, ông Quyền đề xuất nên tăng cường nạo vét lòng sông. Trong dài hạn, ông đề nghị Bộ NN-PTNT ủng hộ phương án tổng thể, thoát nước cho vùng rốn lũ ngoại thành Hà Nội trên cả địa bàn 4 huyện là Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức.

Vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã giao Sở NN-PTNT báo cáo Bộ NN-PTNT. Hiện cơ quan tham mưu đang khảo sát địa bàn, trước khi đề xuất giải pháp. Có thể là tăng diện tích rừng tại huyện Ba Vì (đầu nguồn sông Bùi), hoặc xây thêm hồ chứa, đập nhằm phân tán lượng nước ra hệ thống kênh, mương, giúp giảm áp lực cho sông Bùi.

Vấn đề không chỉ của Chương Mỹ

Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội củng cố cho ý kiến của Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền. Ngoài huyện Chương Mỹ, các huyện giáp ranh đều chịu ảnh hưởng do khả năng tiêu thoát nước hạn chế.

Tại huyện Thạch Thất, nước sông Tích dâng làm ngập 230 hộ với gần 1.000 nhân khẩu khu vực ngoài đê. Trong đó, xã Cần Kiếm ngập 90 hộ, xã Phú Kim ngập 75 hộ. Nhiều đoạn đê bao bị tràn bờ như đoạn Cần Kiệm đi Hạ Bằng dài khoảng 200m; đoạn trường THCS Cần Kiệm đi cửa đình Phú đa khoảng 200m; đoạn trước cửa đình Yên Lạc; bờ bao sông Tích đoạn Kim Quan, xã Tân Xã…

Huyện Hoài Đức xuất hiện ngập úng khu vực đô thị tại hầm chui qua cầu An Khánh, đường 32 qua thôn Lai Xá, xã Kim Chung, hoặc đường Trịnh Văn Bô kéo dài qua xã Vân Canh. Ngoài ra, bờ phải kênh chính Đan Hoài tại xã Minh Khai bị sụt, nghiêng đổ, dẫn đến sụt lún, nứt dọc vỉa hè dài khoảng 50m. Kênh T2-9 đoạn qua xã Kim Chung dài khoảng 10m bị vỡ.

Một số tuyến đê tại xã Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) bị tràn và nguy cơ tràn khi nước sông liên tục lên cao.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Hà Nội đảm bảo an toàn đê điều. Ảnh: Bảo Thắng.

Dự báo mực nước sông Tích, sông Bùi sẽ tiếp tục ở mức cao (quanh ngưỡng báo động III), các huyện quanh vùng rốn lũ ảnh hưởng nặng về sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, huyện Hoài Đức có gần 850ha bị thiệt hại, huyện Mỹ Đức có hơn 2.500ha lúa mùa bị ngã đổ. Tại huyện Ba Vì - nơi đầu nguồn sông Bùi, hơn 1.200ha lúa bị ngập úng; hơn 21.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 120ha nuôi thủy sản bị tràn bờ.

Đồng tình quan điểm về một giải pháp tổng thể cho vùng rốn lũ, Cục trưởng Cục Thủy lợi - ông Nguyễn Tùng Phong cho rằng, cần sớm nghiên cứu phương án giảm lũ từ Hòa Bình đổ về Hà Nội. Đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch Thủy lợi đã bắt tay giải quyết và sẽ sớm báo cáo Bộ NN-PTNT vấn đề này.

Do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại các công điện về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão số 3. Trong đó, đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn đê điều trên các sông, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Với vùng rốn lũ ngoại thành Hà Nội, Bộ trưởng cho biết đã có nhiều công trình nghiên cứu. Ông yêu cầu các bên cần đánh giá một cách cẩn trọng từng phương án, nhất là những tác động môi trường nhằm đảm bảo cho người dân sinh sống.

Khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã liên tục nhiều ngày liền ở tỉnh Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó và phối hợp địa phương khắc phục hậu quả sau bão.

Từ ngày 9/9, Bộ trưởng công tác tới một loạt khu vực bị ảnh hưởng do bão số 3, bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Trong ngày 12/9, ông tiếp tục kiểm tra hiện trạng đê điều tại Thủ đô và tìm giải pháp cho vùng rốn lũ ngoại thành Hà Nội.

Nguồn: nongnghiep.vn