2024.07.24 - 860 lượt xem
Thủy lợi là ngành kinh tế tổng hợp, hỗ trợ toàn bộ kinh tế, xã hội nên quy hoạch phải phục vụ đa chức năng, đa giá trị chứ không chỉ trong nông nghiệp.
Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN-PTNT, 13 tỉnh vùng ĐBSCL và các chuyên gia về thủy lợi. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Chiều 19/7, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì hội thảo 'Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050'.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến các địa phương, cơ quan liên quan, chuyên gia… để hoàn thiện "Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050" (gọi tắt là Quy hoạch - PV) phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong lưu vực sông Cửu Long, cũng như các yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam (đơn vị tư vấn Quy hoạch), vùng ĐBSCL đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như việc phát triển thượng lưu Mê Kông, biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay sụt lún ở đồng bằng, hạ tầng còn yếu và thiếu... có thể đe dọa đến an ninh nước ngọt, gây ngập nghiêm trọng cả đồng bằng, suy thoái, xói lở... Đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, trong quy hoạch thủy lợi, cần có tầm nhìn và chuyển từ tư duy thủy lợi phục vụ sang cung cấp dịch vụ đa mục tiêu, gắn với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tích cực của vùng, tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ, du lịch phát triển. Đặc biệt, chuyển từ tư duy kế hoạch sang tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn.
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam trình bày bản quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho biết, điểm mới của Quy hoạch này là bước đầu hình thành các hệ thống kiểm soát nguồn nước theo quy mô lớn, liên vùng (vùng Hữu sông Hậu, vùng Tả sông Tiền...). Các công trình cống lớn kiểm soát cửa sông cũng được tính toán, đánh giá hiệu quả vận hành kỹ hơn (cống Vàm Cỏ, Hàm Luông), làm cơ sở đề xuất đầu tư, xây dựng.
Do nhu cầu thực tế của việc nuôi trồng thủy sản cần nước ngọt pha loãng, hoặc các khu vực sản xuất tôm - lúa cần hỗ trợ cấp nước ngọt cho vụ lúa. Quy hoạch lần này đã đề xuất 2 hệ thống chuyển nước cho vùng Nam Cà Mau và Nam Quốc lộ 1A Bạc Liêu; đề xuất xây dựng các hồ chứa nước phân tán để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, mô hình sản xuất của vùng Bán đảo Cà Mau biến động rất lớn, không còn định hướng sản xuất ngọt mà hầu hết chuyển sang mô hình tôm - lúa. Do đó, hệ thống thủy lợi cần điều chỉnh mục tiêu hoạt động phù hợp.
Quy hoạch cũng đề xuất mô hình cấp nước biển từ ngoài xa bờ bằng trạm bơm và đường ống trực tiếp cho các khu nuôi, hệ thống kênh sẽ chỉ còn nhiệm vụ tiêu thoát nước (mô hình cấp thoát tách rời hoàn toàn).
Một số khu vực có điều kiện hệ thống thủy lợi tương đối thuận lợi sẽ thí điểm bố trí hoàn thiện hệ thống công trình (cống, kênh), vận hành hệ thống để cấp thoát tách rời (khu Nam quốc lộ 1 Bạc Liêu, khu ven biển Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; khu An Minh - An Biên, tỉnh Kiên Giang). Mặt khác, bổ sung giải pháp thủy lợi chống ngập úng cho các khu vực đô thị lớn.
Bộ NN-PTNT đã nghiên cứu gần 20 năm mới triển khai được công trình Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Tại hội thảo, các địa phương cơ bản thống nhất với các đề xuất của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam trong "Quy hoạch Thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050", cơ bản phù hợp với quy hoạch của từng địa phương.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, tình hình hạn xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, quy hoạch sắp tới cần có các giải pháp công trình để ngăn mặn, trữ nước, điều tiết nước hợp lý. Cần phải có các giải pháp nâng cấp đê bao, cống điều tiết, xây dựng các hồ chứa nước, nạo vét kênh trục chính để điều tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch ngày càng diễn biến phức tạp, quy hoạch cần có các giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở bằng cách xây dựng các tuyến kè chống sạt lở.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay, quy hoạch phát triển cho vùng ĐBSCL đã có đầy đủ, "chất liệu nhiều". Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là một trong những quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành rất quan trọng và là quy hoạch cuối cùng.
Do vậy, quy hoạch này phải cụ thể hóa, chi tiết, để nhìn vào đó, các địa phương biết cần phải làm hệ thống tích nước không tập trung phân tán như thế nào, nằm ở đâu, quy mô ra sao, chỗ nào là hồ chứa cả tỷ mét khối, chỗ nào là hồ chứa chỉ mấy trăm mét khối phục vụ cho một thôn, một xã...
Làm sao các vấn đề đặt ra trong quy hoạch phải giải quyết được mâu thuẫn, khó khăn cơ bản hiện nay của từng địa phương. Đặc biệt, quy hoạch này phải gắn kết, phù hợp và đồng bộ với các quy hoạch trước đó đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT phê duyệt (quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành thủy lợi, phòng thống thiên tai quốc gia; quy hoạch của địa phương).
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, quan trọng nhất là các danh mục triển khai phải đảm bảo thuận thiên, đảm bảo phục sản xuất và các mục tiêu đặt ra, nhưng quan trọng nhất là "không nuối tiếc".
"Thủy lợi không phải là ngành chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà thủy lợi là hạ tầng quan trọng quốc gia, phục vụ chung cho phát triển kinh tế xã hội. Thủy lợi là một ngành kinh tế tổng hợp, hỗ trợ cho toàn bộ kinh tế xã hội nên quy hoạch khi đưa ra phải phục vụ đa chức năng, đa giá trị chứ không chỉ là giá trị trong nông nghiệp.
Hạ tầng cho thủy lợi cần phải đầu tư, không nuối tiếc. Các hạ tầng khác có tiền là làm, riêng hạ tầng thủy lợi có tiền chưa chắc đã làm được, bởi với mục tiêu "không hối tiếc" thì có nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Để làm công trình Cái Lớn - Cái Bé, Bộ NN-PTNT đã phải nghiên cứu gần 20 năm mới triển khai được", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đã rất nỗ lực chuẩn bị cho quy hoạch này. Từ đó, gợi mở và làm căn cứ để các địa phương, chuyên gia tiếp tục có ý kiến đóng góp. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo chỉnh sửa hoàn thiện bản quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024.
Ở góc độ địa phương, ông Đỗ Hữu Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An kiến nghị, cần có các giải pháp cấp nước mặt hỗ trợ từ hệ thống thủy lợi cho các xã thuộc huyện vùng hạ như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ kênh một số tuyến công trình phân cấp trung ương quản lý (kênh Thủ Thừa, kênh Dương Văn Dương, kênh 12, kênh Nước Mặn).
Đồng thời, bổ sung các giải pháp công trình ngọt hóa khu vực phía Bắc kênh Thủ Thừa nhằm bảo vệ, phát triển sản xuất vùng cây ăn trái. Nâng cấp, mở rộng kênh Trà Cú Thượng - Trà Cú Hạ nhằm tăng cường nguồn nước ngọt từ sông Vàm Cỏ Đông. Bổ sung công trình cống Rạch Chanh, cống Trị Yên, công trình đê bao ven sông Vàm Cỏ. Bổ sung hệ thống cống ngăn mặn phía bờ Bắc kênh Dương Văn Dương...
Nguồn: nongnghiep.vn