2024.06.21 - 805 lượt xem
Sau gần 50 năm nỗ lực xây dựng hệ thống thủy lợi, đến nay Bình Định vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng đập dâng Phú Phong và nhiều công trình khác.
Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), sông Kôn là con sông dài nhất ở tỉnh Bình Định với 171 km2, diện tích lưu vực khoảng 2.594 km2. Con sông phát nguyên từ vùng rừng núi An Lão (Bình Định), vùng giáp ranh với 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, có độ cao từ 600-700m, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
Sông Kôn đi quanh co trong dãy Trường Sơn, vượt qua nhiều ghềnh thác kéo dài gần 50 km thì đến xã Bình Tường (huyện Tây Sơn). Đến địa phận thôn Tả Giang và thôn Hữu Giang của xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) trở xuống, dòng sông mới chính thức được gọi là sông Kôn.
Từ thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) trở xuống, lòng sông Kôn mở rộng, nước mênh mông, lai láng, khúc sông rộng nhất, sâu nhất và đẹp nhất là từ Phú Phong đến thôn An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn).
“Mặc dù bên cạnh là kho nước dồi dào của sông Kôn, nhưng hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 3 xã phía Nam sông Kôn là xã Bình Nghi, Tây Xuân và Tây Phú từ trước đến nay vẫn lâm cảnh khô khát trong những mùa nắng hạn”, ông Hùng thông tin.
Đập dâng Phú Phong lúc mới xây dựng nằm trên địa bàn thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Lê Hà An, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn (Bình Định), từ trước đến nay, đất sản xuất ở xã Bình Nghi chỉ trông chờ vào nước của hồ Thủ Thiện, nhưng với dung tích chứa chỉ 2 triệu m3, hồ chứa này không đủ cung cấp nước tưới cho diện tích canh tác của xã Bình Nghi, diện tích chủ động được nước tưới rất hạn chế. Còn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các xã Tây Xuân, Tây Phú và một phần của xã Bình Nghi phải “nương tựa” vào các trạm bơm lấy nước từ sông Kôn vào.
“Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mực nước trên sông Kôn ngày càng hạ thấp làm ảnh hưởng đến các hệ thống trạm bơm ở dọc sông. Khi đập dâng Phú Phong được xây dựng hoàn thành, sẽ dâng nước sông Kôn, theo hệ thống kênh mương cung cấp nước tưới cho 1.000 - 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Đập dâng Phú Phong xây dựng đã gần hoàn thành, tháng 6/2024 tới đây ngành chức năng sẽ thử tải con đập, vụ đông xuân 2024 - 2025 tới đây, những diện tích sản xuất nông nghiệp của 3 xã Tây Phú, Tây Xuân và Bình Nghi sẽ được hưởng nước tự chảy từ đập dâng Phú Phong”, ông Lê Hà An cho hay.
Đập dâng Phú Phong dần hình thành, nhìn từ thượng lưu. Ảnh: V.Đ.T.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đập dâng Phú Phong là công trình thủy lợi trọng điểm của Bình Định, do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định làm chủ đầu tư, vị trí tuyến nằm ở dưới đập dâng Văn Phong khoảng gần 1km.
Dự án Đập dâng Phú Phong có tổng mức đầu tư hơn 754 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 550 tỷ, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Gói thầu thi công 01-XL của đập dâng Phú Phong gồm: đập dâng trên sông bằng bê tông cốt thép, tổng chiều dài toàn bộ đập theo phương ngang là 590,5m với 20 khoang có cửa, mỗi khoang rộng 15m, cửa van phẳng bằng thép vận hành bằng tời; cống lấy nước bên vai phải đập, có cửa van đóng mở bằng máy vít chạy điện; cầu giao thông kết hợp trên đập rộng 10m gồm 30 nhịp, dầm chính bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; kênh tưới chính có tổng chiều dài tuyến 7.082,6m; thiết bị cơ khí đập dâng; tuyến ống thu gom thoát nước mưa; hệ thống điện quản lý vận hành và kè bảo vệ bờ và hạ lưu…
Đập dâng Phú Phong dần hình thành, nhìn từ hạ lưu. Ảnh: V.Đ.T.
Ngoài nhiệm vụ đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực; công trình đập dâng Phú Phong còn kết nối giao thông 2 bờ sông Kôn, đoạn từ Quốc lộ 19 đến Quốc lộ 19B đi sân bay Phù Cát, đồng thời kết nối trung tâm huyện lỵ Tây Sơn với các xã phía Bắc huyện và các xã phía Tây huyện Phù Cát, tạo điều kiện giao thương thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện trung du này.
Nguồn: nongnghiep.vn