Tỉnh Thái Nguyên: Quan tâm cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi

2024.06.21 - 665 lượt xem

Những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi, hồ, đập, kè… trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp và xây mới. Qua đó không chỉ phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân mà còn góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công trình kè soi Vạt ở phường Châu Sơn (TP. Sông Công) được đầu tư xây dựng góp phần ngăn chặn tình trạng sạt lở đất nông nghiệp và các công trình xây dựng của nhân dân ven bờ sông Công.

Năm 2022 trở về trước, mỗi khi đến mùa mưa lũ đến, nước từ thượng nguồn chảy về khiến bờ sông Công đoạn qua các tổ dân phố Vinh Quang 1 và Vinh Quang 2, phường Châu Sơn (TP. Sông Công), bị sạt lở nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây mất đất sản xuất mà còn đe dọa đến sự an toàn của một số hộ dân sinh sống gần bờ sông. Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã triển khai xây dựng công trình kè soi Vạt dài gần 400m, với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Từ khi hoàn thành đến nay, công trình đã góp phần phòng, chống sạt lở, bảo vệ khoảng 6ha đất sản xuất nông nghiệp và các công trình xây dựng của 5 hộ dân ở ven sông.

Ông Nguyễn Văn Ấn, ở tổ dân phố Vinh Quang 1, phường Châu Sơn, phấn khởi nói: Được Nhà nước đầu tư xây dựng kè kiên cố, bà con ai cũng mừng. Bây giờ tôi không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sạt lở mỗi khi nước lũ từ thượng nguồn chảy về nữa.

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Châu Sơn, thông tin: Sau khi công trình được đưa vào sử dụng, phường đã giao trách nhiệm cho các tổ dân phố tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và phát huy hiệu sử dụng cao nhất.

Việc đầu tư và đưa vào sử dụng công trình cầu cống Nẻ (vị trí tại Km1+ 272 thuộc tuyến đê Hà Châu) năm 2023 cũng đã góp phần tiêu úng nước cho hàng chục héc-ta đất nông nghiệp của 3 xã là: Úc Kỳ, Hà Châu, Nga My (Phú Bình). Ông Nguyễn Văn Đại, Trưởng xóm Núi, xã Nga My, chia sẻ: Trước đây mỗi khi mưa kéo dài hay vào mùa mưa lũ là diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con trong xóm thường bị ngập trong nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất cây trồng. Công trình cầu cống Nẻ đã góp phần giải quyết vấn đề tiêu úng nước cho bà con. 

Xác định tầm quan trọng của các các công trình phòng chống thiên tai, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để triển khai đầu tư xây mới, tu bổ, sửa chữa các công trình phòng chống thiên tai. Đơn cử như trong năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động, vận động từ các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 409 công trình dân sinh (trung tâm y tế, trường học, làm đường... ); xây mới, sửa chữa 1.171 nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn góp phần hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn trước thiên tai; đầu tư trên 154 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều…

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và trái quy luật, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bên cạnh việc xây dựng phương án chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình phục vụ công tác phòng chống thiên tai để có phương án đề xuất tu sửa, bảo dưỡng, xây mới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48,2km đê (trong đó có 34,4km đê cấp III và 13,8km đê cấp IV; 1.273 công trình thủy lợi (gồm 434 hồ chứa nước, 511 đập dâng, 328 trạm bơm) và gần 4.000km kênh mương.

Nguồn: baothainguyen.vn