2024.06.11 - 564 lượt xem
Quan điểm phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL là phục vụ chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, chủ động sống chung với lũ, nước lợ, nước mặn. Tổ chức chủ động “hành động sớm” các kịch bản ứng phó.
Với diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương ven biển vùng ĐBSCL đã xuất hiện.
Tại tỉnh Bến Tre, nếu như trước năm 2013, ranh mặn 4‰ trên các sông chính thường chỉ được ghi nhận cách các cửa sông khoảng 40 km. Thì hiện nay nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền từ 57 - 66 km. Đáng chú ý, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng, cực đoan, độ mặn 1‰ xâm nhập trên phạm vi gần như toàn tỉnh.
Trong khi đó, tại Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, tổng công suất khoảng 250.000m3/ngày đêm. Đa phần các nhà máy này đều khai thác từ nước mặt tại chỗ để xử lý. Điều này dẫn đến hàng chục nhà máy nước đang đứng trước thách thức nhiễm mặn. Đặc biệt, nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh, khoảng 4.150 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Ngành cấp nước địa phương nhìn nhận, do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, một số nhà máy nước chịu tác động trực tiếp khi nước mặn xâm nhập và đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.
Rút kinh nghiệm 2 đợt hạn mặn năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, từ tháng 9/2023, tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch, phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 với kịch bản xâm nhập mặn cực đoan tương tự mùa khô năm 2019 - 2020.
Ngoài công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn để người dân và chính quyền cơ sở chủ động xây dựng biện pháp ứng phó phù hợp, lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác định, quản lý nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã từng bước đầu tư hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, đập tạm, trạm bơm dã chiến, hồ chứa kết hợp với việc vận hành linh hoạt các công trình thủy lợi. Qua đó, tạo điều kiện hình thành các khu vực trữ ngọt, góp phần quan trọng tạo nguồn cấp nước thô cho các nhà máy nước.
Điển hình, tại khu vực Bắc Bến Tre, các công trình thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 kết hợp với công trình cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) đã đưa vào sử dụng. Công trình này giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Tạo thành khu vực trữ nước với dung tích ước tính khoảng 2 triệu m3, đảm bảo cấp nước cho khoảng 150.000 hộ dân, 17.000ha đất sản xuất nông nghiệp.
Tại khu vực Nam Bến Tre, cống Sa Kê, Giồng Keo kết hợp với trục dẫn ngọt Cả Hàng, tạo thành khu vực trữ nước dung tích ước tính 1,2 triệu m3. Đảm bảo cung cấp nước phục vụ 16.000 hộ dân, khoảng 3.700 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam.
Hồ chứa nước Kênh Lấp ở huyện Ba Tri được đầu tư xây dựng từ năm 2016, dung tích thiết kế 811.800 m3 đã và đang phục vụ rất hiệu quả cho 50.000 hộ dân, khoảng 28.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Tri.
Tính riêng giai đoạn 2023 - 2024, tỉnh Bến Tre đã đầu tư khoảng 118 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa các công trình cống, trang bị cửa cống ngăn mặn, nạo vét kênh mương nội đồng, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao.
Hiện nay, các đơn vị cấp nước ở Bến Tre đã bố trí 165 điểm cấp nước ngọt tập trung miễn phí cho người dân. Đối với các nhà máy có nguồn nước thô nhiễm mặn kéo dài, ngành chức năng đã thực hiện đấu nối đường ống với các nhà máy không nhiễm mặn hoặc độ mặn thấp để cấp nước. Cùng với đó là thực hiện vận chuyển nước thô bằng sà lan về xử lý và cấp nước ngọt theo khung giờ.
Đồng thời, tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ, các Bộ, Ban ngành Trung ương hỗ trợ địa phương đầu tư hoàn chỉnh, khép kín hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trong giai đoạn 2025 - 2030. Cụ thể là đầu tư mới, nâng cấp khoảng 230km đê bao, bờ bao, 29 công trình cống, nhu cầu kinh phí ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.
Trong khi đó tại tỉnh Cà Mau, đây là địa phương duy nhất ở khu vực ĐBSCL chưa tiếp cận được nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu, sông Tiền. Hiện nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ngọt chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa và khai thác nước ngầm.
Trong những tháng cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, toàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 697 vị trí sạt lở, sụt lún, tổng chiều dài hơn 18km. Khoảng 2.620 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, ước tổng thiệt hại về tài sản hơn 28 tỷ đồng.
Điển hình tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, các vụ sụt lún đất tập trung chủ yếu tại các xã Trần Hợi, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc. Trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ thực trạng hạn hán gay gắt, người dân tranh thủ bơm nước vào đồng để sản xuất, làm gia tăng tình trạng khô cạn các sông, kênh rạch. Dẫn đến chênh lệch độ cao giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới.
Trước những khó khăn, thách thức trên, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo tập trung rà soát các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún. Lắp đặt hơn 280 biển cảnh báo, rào chắn, giăng dây, biển hạn chế giao thông tại các điểm bị sụp lún.
Đồng thời, triển khai các biện pháp phù hợp để giảm tối đa thiệt hại, huy động người dân cùng tham gia phòng, chống sụt lún, sạt lở đất, khắc phục những vị trí nguy cơ đe dọa an toàn đến người và phương tiện trong quá trình lưu thông.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông trên một số tuyến đường có nguy cơ ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước. Chủ động khắc phục tạm sụt lún tổng chiều dài trên 2km; cắt tỉa gần 3.500 cây xanh nhằm giảm tải trọng trên 170 tuyến đường.
Mặt khác, cảnh báo người dân di dời tài sản, vật nặng ra khỏi khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất cao. Đến nay đã có trên 450 trường hợp đã thực hiện di dời.
Địa phương này cũng đã đề nghị xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, như đầu tư mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến, nhằm chia nhỏ các vùng diện tích từ 500 - 1.000 ha. Từ đó có thể giúp Cà Mau chủ động trong việc điều tiết nước nội vùng ngọt, hạn chế bơm ra Sông Đốc và biển Tây.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, đây là một trong những giải pháp hạn chế tối đa mất phản áp khi mực nước trong kênh hạ xuống quá thấp. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí dự kiến đầu tư 5 hệ thống thủy lợi, tương đương khoảng 197 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh thực hiện đầu tư “Dự án cấp nước sạch sinh hoạt bức xúc khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau”, dự kiến khoảng 13.900 hộ dân được hưởng lợi, kinh phí đầu tư khoảng 242 tỷ đồng.
Ở vùng đệm U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, từ đầu tháng 3/2024 đã xảy ra trên 310 điểm sạt lở, sụt lún, tổng chiều dài hơn 7.500 m, 26 căn nhà bị sụp lún, ước tính tổng thiệt hại lên đến hơn 83 tỷ đồng. Trong đó, thiên tai này xảy ra nhiều nhất tại xã An Minh Bắc và Minh Thuận.
Đánh giá nguyên nhân, chính quyền huyện U Minh Thượng cho rằng, các kênh đê bao bên ngoài và trong vùng đệm bị cạn nước do khô hạn, mức độ cạn kiệt khá trầm trọng. Trong khi đó, nhu cầu bơm tưới từ hệ thống kênh để dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân rất cao. Điều này đã khiến mặt nước hiện tại cách mặt đường khoảng 5m, cộng với điều kiện nắng nóng kéo dài dẫn đến sạt lở, sụt lún đường giao thông.
Ngoài ra, một số khu vực đáy kênh nội vùng khá sâu, do trước đó đã được nạo vét để phục vụ các mục đích khác nhau, cộng hưởng nền đất yếu gây ra hiện tượng sạt trượt, sụt lún, sạt lở.
Đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng và Long An là hai địa phương đã ghi nhận những thiệt hại bước đầu. Tuy nhiên, so với các đợt hạn mặn lịch sử những năm trước, con số ảnh hưởng không đáng kể.
Cụ thể, tại Sóc Trăng, khoảng 1.531 ha lúa của tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng, 43 ha lúa bị mất trắng. Phần diện tích này thuộc khu vực người dân gieo trồng không theo khuyến cáo. Tỉnh Long An có trên 4.600 ha chanh và cây ăn trái khác có nguy cơ giảm năng suất.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị với Trung ương hỗ trợ kinh phí để địa phương triển khai một số cống trên tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa bàn huyện Kế Sách và các cống trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp để bảo vệ trên 100.000 ha đất sản xuất vùng trũng.
Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn được bổ sung kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các hộ dân ven biển đang có nhu cầu bức thiết về nước sạch.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí 887 tỷ đồng để triển khai xây dựng 3 cống: Trà Tân, Ba Rài và Phú An. Theo lãnh đạo địa phương, các cống này kết hợp với 6 cống trên đường tỉnh 864 đã được đầu tư và cống âu Nguyễn Tấn Thành chuẩn bị hoàn thành sẽ khép kín vùng dự án Bảo Định. Qua đó, bảo vệ khoảng 130.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, khoảng 70.000 ha diện tích cây ăn trái giá trị kinh tế cao của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ 160 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các ao trữ nước sinh hoạt tại huyện Tân Phú Đông và hỗ trợ dự kiến 300 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các ao trữ nước sinh hoạt tại huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT), ĐBSCL đã, đang và vẫn là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, có lợi thế cạnh tranh cao so với các vùng khác trên thế giới.
Tuy nhiên, đồng bằng đang chịu các tác động ngoại biên, không thể đảo ngược. Bao gồm: Phát triển thượng lưu sông Mekong làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cuối cùng là tác động do phát triển nội tại gây sụt lún đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhấn mạnh, việc phát triển vùng ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát. Chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế xã hội. Hướng đến một đồng bằng thịnh vượng, bền vững và giàu bản sắc.
Hiện nay, hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL cơ bản hình thành đảm bảo tưới tiêu, kiểm soát nguồn nước cho gần 3 triệu ha đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo thiết kế.
Cụ thể, toàn vùng có 1.164 kênh chính (cấp 1) chiều dài 12.813 km; 8.399 kênh cấp 2 (chiều dài 26.486 km); 35.275 kênh kênh cấp 3 (chiều dài 46.922 km).
Ngoài ra còn có 2.526 cống bọng; 73 đê biển dài 584km; 295 đê sông dài 3.826km; 3.088 trạm bơm; 6.408 ô bao và 16 hồ chứa nước.
Đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là 3.928 công trình. Bao gồm, 1.178 công trình khai thác nguồn nước mặt, còn lại khoảng 70% số lượng công trình đang khai thác nước ngầm.
Ông Quỳnh cho biết, quan điểm phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL là phục vụ chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, chủ động sống chung với lũ, nước lợ, nước mặn. Tổ chức chủ động “hành động sớm” các kịch bản ứng phó. Khai thác đa mục tiêu công trình thủy lợi bằng các giải pháp công trình và phi công trình.
Trong đó, các giải pháp phi công trình mang yếu tố quyết định được ông Quỳnh xác định là công tác điều hành phải phù hợp với điều kiện nguồn nước. Như tăng cường công tác dự báo, tuyên truyền về sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, đẩy sớm thời vụ để né hạn mặn…
Đối với giải pháp công trình, ông Quỳnh nhấn mạnh, đến thời điểm này hệ thống công trình thủy lợi của ĐBSCL tương đối ổn định. Các công trình trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng đạt 2,5 - 3 tỷ m3.
Do đó, giải pháp trữ nước cần được các địa phương quan tâm trong thời gian tới. Có thể trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây, đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình. Hay trữ nước trên ruộng (đối với lúa) trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn, bơm nước lên ruộng ở mức tối đa khả năng cho phép của cây trồng. Trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán, nguồn nước khó khăn trong mùa khô.
Riêng với giải pháp thủy lợi nội đồng, trong bối cảnh vùng ĐBSCL đang triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất.
PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông. Đây là các công trình lớn, bao ngoài với nhiệm vụ điều tiết mặn, ngọt, cải thiện môi trường ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
Đồng thời, nghiên cứu thực hiện xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông còn lại như Cổ Chiên, Cung Hầu… Cần tiếp tục nghiên cứu nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm việc xem xét nâng cao và mở rộng mặt đê cho phù hợp với gia tăng đỉnh triều.
Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024, toàn vùng ĐBSCL có gần 74.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Do đó, vấn đề cấp nước sinh hoạt nông thôn cần được quan tâm. Trong đó, ở vùng ngọt và vùng ngọt có ảnh hưởng mặn, có thể sử dụng nguồn nước từ sông chính, các kênh trong hệ thống thủy lợi (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông cho những khu vực gần sông chính tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang).
Vùng mặn ngọt luân phiên và vùng lợ mặn, có thể sử dụng kết hợp các nguồn, như dẫn nước từ vùng ngọt về, xây dựng hồ trữ nước ngọt.
Bên cạnh đó, cần gắn phát triển hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt với hệ thống thủy lợi. Rà soát, đánh giá lại năng lực các hệ thống cấp nước tập trung; nâng cấp và xây dựng mới các trạm cấp nước cho quy mô xã hoặc liên xã, mở rộng hệ thống đường ống phân phối. Xác định rõ các vùng, các khu vực không thể cấp nước từ các hệ thống cấp nước để chủ động hỗ trợ và trữ nước ngay từ cuối mùa mưa.
Theo những kết quả khảo cứu, phân tích, đánh giá từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ sau năm 2012 khi các hồ chứa lớn trên dòng chính hoàn thành, đã làm thay đổi dòng chảy về đồng bằng trong mùa khô, dẫn đến xâm nhập mặn.
Do đó, hồ chứa nước ngọt là một giải pháp hay để giải quyết vấn đề thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trầm trọng trong mùa khô. Tuy nhiên, với điều kiện của vùng ĐBSCL nên xây dựng các hồ phân tán, cục bộ cho từng vùng thiếu nước ngọt, với quy mô khoảng vài chục hecta.
Do đó, trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến hàng loạt các công trình hồ chứa phân tán sẽ được triển khai thực hiện.
Trong đó, tỉnh Long An dự kiến xây dựng 4 hồ chứa (Hưng Điền, Bàu Biển, Bình Hiệp, Thuận Bình), với tổng dung tích 45 triệu m3, quy mô 470ha. Góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án cấp nước cho khu vực hạ lưu huyện Cần Giuộc - Cần Đước, đấu nối với nhà máy cấp nước của TP Hồ Chí Minh.
Tỉnh Tiền Giang sẽ xây dựng hồ chứa nước tại huyện Tân Phú Đông. Đồng thời nạo vét kênh Gò Cát – Hốc Lựu để đưa nước ngọt từ vùng ngọt hóa Bảo Định sang cho vùng Gò Công. Đối với cù lao Tân Phú Đông sử dụng đường ống cấp qua sông Tiền.
Tại tỉnh Bến Tre dự kiến xây dựng hồ sông Ba Lai, Cái Cấm, Cả Ráng Sâu, với dung tích 98,9 triệu m3, quy mô 1.705 ha.
Tỉnh Trà Vinh cần hoàn thiện, khép kín hệ thống Nam Mang Thít, nạo vét kênh trục dẫn nước cho vùng ven biển. Kết hợp với việc xây dựng các hồ trữ nước ngọt như Láng Thé, Cần Chông và Đôn Châu, tổng dung tích 3 hồ chứa này là 7,8 triệu m3, quy mô 163 ha, sẽ giúp địa phương đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn của tỉnh.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, sau khi hoàn thiện hệ thống ngăn mặn dọc sông Hậu, sẽ giúp địa phương tạo nguồn ổn định cho vùng Long Phú - Tiếp Nhựt. Cơ quan chuyên môn cũng lưu ý địa phương xem xét giải pháp chuyển nước cho vùng Vĩnh Châu hoặc xây dựng các hồ chứa nước mưa quy mô vừa.
Khu vực huyện An Minh, An Biên của tỉnh Kiên giang, sau khi hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, địa phương đã kiểm soát tốt nguồn nước tạo nguồn cho các nhà máy xử lý nước quy mô vừa.
Riêng với tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, giải pháp nguồn nước đối với các tỉnh là ưu tiên trữ nước mưa. Về lâu dài, khi xây dựng cống âu kênh Cà Mau - Bạc liêu và nạo vét các hệ thống kênh trữ vùng Quản lộ Phụng Hiệp sẽ thuận lợi cho việc cấp nước cho thủy sản và dân sinh. Các giải pháp cấp nước bằng đường ống quy mô lớn đấu nối với hệ thống cấp nước liên vùng cũng cần được tính toán.
Nguồn: nongnghiep.vn