Thủy lợi cho vùng đất khó [Bài 3]: Nghệ thuật dẫn nước của người Mông

2024.05.31 - 159 lượt xem

Người Mông ở huyện Mù Cang Chải dùng đá đắp bờ trữ nước, tạo dòng chảy dẫn nước từ khe núi qua các đường ống rồi đổ từ bậc ruộng này sang bậc ruộng khác.

Người Mông ở Mù Cang Chải có những phương pháp làm thủy lợi độc đáo và hiệu quả. Ảnh: Thanh Tiến.

Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác độc đáo của đồng bào Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Đây là biểu hiện sinh động sự thích nghi của con người với điều kiện thiên nhiên  khắc nghiệt.

Lấy đá đắp bờ giữ nước

Chúng tôi theo chân anh Giàng A Tủa ở bản Háng Tráng Lừ, xã Khao Mang đi dẫn nước vào ruộng. Vụ này, gia đình anh Tủa gieo cấy hơn 3 sào lúa nước ở những thửa ruộng bậc thang nằm vắt vẻo trên lưng chừng núi. Hiện nay diện tích lúa của bà con nơi đây đang thời kỳ làm đòng nên nước tưới rất quan trọng. Định kỳ trong tuần, các thành viên trong gia đình A Tủa luân phiên đi thăm lúa, làm cỏ, dẫn nước vào ruộng để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Anh Giàng A Tủa chia sẻ, gia đình anh có hơn 5 sào ruộng, vụ xuân này chỉ gieo cấy được hơn 3 sào, còn vụ mùa thì có thể cấy hết diện tích vì trời mưa nhiều, đủ nước để sản xuất. Toàn bộ diện tích gieo cấy là ruộng bậc thang nên việc lấy nước được bà con trong bản rất chú trọng. Từ trước vụ cấy, mọi người cùng nhau lấy đá đắp bờ để tích trữ nguồn nước chảy từ khe núi, vệ sinh, phát cỏ hệ thống mương dẫn nước, kiểm tra, lắp đặt lại hệ thống ống nhựa để đảm bảo không thất thoát nước tưới. Với 3 sào ruộng nếu được mùa sẽ thu được khoảng 20 bao thóc, đủ cung cấp cho 6 thành viên trong gia đình.

Người dân dùng đá đắp bờ để tạo nên dòng nước dẫn vào ruộng lúa. Ảnh: Thanh Tiến.

Xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải có diện tích ruộng bậc thang khoảng 350 ha. Do địa hình đồi núi bị chia cắt, thời tiết diễn biến bất thường nên khu vực này thường xảy ra các trận lũ lớn, đặc biệt là lũ ống, lũ quét nên công tác thủy lợi ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, vấn đề về lương thực luôn cấp thiết đối với xã, hầu như năm nào cũng có gia đình thiếu đói phải cứu trợ.

Để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực tại địa phương, thời gian qua Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung phát triển hệ thống công trình thủy lợi nhỏ để đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn xã có 112 công trình thủy lợi (các công trình chủ yếu cung cấp nước tưới cho từ 0,5 ha ruộng trở lên). Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tích cực hướng dẫn bà con áp dụng các phương pháp làm thủy lợi truyền thống như tích trữ nguồn nước từ khe núi bằng các ao, vũng nhỏ, đào rãnh, lắp ống dẫn nước và chia sẻ nước tưới trong vụ sản xuất để gia đình nào cũng có lương thực.

Ông Giàng A Dình - Chủ tịch UBND xã Khao Mang cho biết, chính nhờ các công trình thủy lợi nhỏ đã giúp cho bà con trong xã gieo cấy được gần 300 ha lúa nước trong vụ xuân. Bên cạnh đó việc đưa các giống lúa lai, lúa đặc sản như Nhị ưu 838, Séng Cù vào gieo cấy và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nên năng xuất lúa của người dân luôn đạt từ 45 - 50 tạ/ha. Hiện nay, người dân trong xã đã tự sản xuất đủ lúa gạo, không còn phải trông chờ nguồn hỗ trợ cứu đói giáp hạt của nhà nước như trước đây.

Những "đập nước mini" có tác dụng chống hạn cho lúa trong những ngày khô hạn. Ảnh: Thanh Tiến.

Nghệ thuật làm thủy lợi

Theo ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải, những thửa ruộng bậc thang được hình thành và duy trì qua hàng trăm năm, là phương thức canh tác lúa nước với kỹ thuật được truyền dạy theo thế hệ, minh chứng cho sự sáng tạo trong thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của các dân tộc ở miền núi.

Đa phần ruộng bậc thang sử dụng nguồn nước tự nhiên nên đồng bào Mông ở đây chủ yếu gieo cấy một vụ trong năm, hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 30% diện tích đủ nước tưới gieo cấy 2 vụ. Theo kinh nghiệm của bà con, yếu tố đầu tiên mà họ quan tâm là chọn mảnh đồi có nguồn nước mạch, hoặc gần nguồn nước mạch có thể đào rãnh dẫn nước tới ruộng. Nước mạch thường chảy ra từ các sườn núi, khe núi, nước suối, nước mưa.

Mương dẫn nước được người Mông kỳ công tạo ra từ khe đá. Ảnh: Thanh Tiến.

Để dẫn nước về ruộng bậc thang, người dân đào rãnh, tạo dòng chảy dẫn nước từ cao xuống thấp, nước chảy từ khe núi, dẫn qua những ống nhựa (thay cho ống tre nứa) rồi đổ từ bậc ruộng này sang bậc ruộng khác, tạo ra hệ thống thủy lợi phức tạp. Phía trên ruộng, bà con đào giao thông hào để phòng mưa lớn, nước tràn từ đỉnh đồi xuống ruộng làm gẫy lúa, trôi màu trên ruộng, đồng thời đây cũng là hàng rào ngăn cản gia súc vào ruộng phá hoại.

Việc chia nước dẫn ra các tầng ruộng cũng là một nghệ thuật. Đối với mương dẫn nước nằm sát đầu ruộng và có độ dốc vừa phải thì mỗi thửa ruộng có một cửa chia nước riêng. Kích thước của cửa chia nước to hay nhỏ tỷ lệ thuận với diện tích thửa ruộng. Vào mùa vụ, ruộng của nhà nào ở đầu nguồn thì mở cửa cho nước vào nhỏ, ruộng càng ở phía cuối nguồn thì càng được mở cho nước vào nhiều. Người ở ruộng trên cấy xong, thả nước vào mương phụ cho người bên dưới, mọi người cùng chia sẻ nguồn nước để canh tác, đảm bảo các thửa ruộng đủ nước.

Việc đắp bờ, chia dẫn nước từ thửa ruộng cao đến ruộng thấp được thực hiện theo kinh nghiệm từ nhiều đời nay, đảm bảo không có ruộng thiếu nước. Ảnh: Thanh Tiến.

Khắc phục khó khăn cho thủy lợi vùng cao

Những năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn vốn, hàng trăm công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư, nâng cấp đã từng bước cung cấp đủ nước tưới cho hàng nghìn ha lúa, trong đó có nhiều diện tích có thể gieo cấy 2 vụ, năng suất ổn định.

Toàn huyện hiện có gần 700 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng chiều dài hơn 1.000 km mương dẫn, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho gần 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 1.800 ha gieo cấy 2 vụ/năm. Do địa hình có độ dốc lớn nên đa phần là các công trình thủy lợi ở đây có quy mô nhỏ, nhiều công trình chỉ phục vụ tưới tiêu cho 0,5 - 1 ha đất nông nghiệp.

Những đường ống dẫn nước bằng ống nhựa giúp làm giảm lượng nước thất thoát. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất lúa mà còn chủ động nước tưới cho cây ăn quả, rau màu và nuôi cá. Từ đó, phong trào khai hoang ruộng nước được người dân tích cực hưởng ứng.

Bà con từng bước thay đổi truyền thống canh tác từ trồng lúa nương sang gieo cấy lúa nước. Nhiều diện tích lúa chỉ gieo cấy 1 vụ do phải trông chờ nguồn nước tự nhiên, nhưng nay có thể gieo cấy 2 vụ, sản lượng lương thực hàng năm của huyện đạt gần 50.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương.

Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, hệ thống thủy lợi đã giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, nâng cao đời sống cho bà con. Tuy nhiên, công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng và điều tiết nước vẫn còn nhiều gian nan, bởi các công trình thủy lợi ở đây thường nằm rải rác trên các sườn đồi núi cao, độ dốc lớn nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Nhiều công trình nhỏ lẻ nằm rải rác giữa các sườn đồi một bên là núi một bên là vực sâu nên hệ thống dẫn nước chủ yếu dùng ống nhựa HDPE.

Ngoài ra, do diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng hạn kéo dài, lượng mưa ít, nguồn sinh thuỷ kém, nguồn nước tại các công trình thuỷ lợi hạn chế, gây khó khăn trong việc dẫn nước đảm bảo tưới phục vụ sản xuất. Một số công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp, địa hình phức tạp, làm ảnh hưởng đến quá trình phân dẫn nước, điều tiết nước.

Ở Mù Cang Chải có khoảng 1.800 ha ruộng bậc thang có thể cấy 2 vụ nhờ vào các công trình thủy lợi nhỏ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Phạm Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết, các công trình thủy lợi ở tỉnh Yên Bái nói chung và ở Mù Cang Chải nói riêng đa phần đã được đầu tư lâu năm, nhiều hạng mục công trình xuống cấp do thiên tai, mưa lũ. Công trình thủy lợi ở vùng cao chủ yếu là công trình dẫn nước, phần lớn do người dân địa phương tự tạo, sau đó nhà nước đầu tư kiên cố, nâng cấp để hỗ trợ người dân mở rộng khai hoang đất cấy lúa.

Đối với địa bàn Mù Cang Chải gần như không thể xây dựng các công trình thủy lợi lớn như hồ, đập chứa nước do địa hình dốc, không đảm bảo an toàn. Vì vậy, giải pháp để mở rộng khai hoang ruộng và tăng diện tích cấy 2 vụ lúa chỉ có thể tính phương án xây dựng các trạm bơm để lấy nước tưới từ các dòng suối. Ngoài ra, khuyến khích bà con đưa các loại cây trồng chịu hạn, cần ít nước tưới đưa vào sản xuất để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.

Một kinh nghiệm của người Mông trong việc giữ nước, tiết kiệm nước tưới là họ thường tích trữ nước ở trong ruộng, không cày ải, phơi khô như ở vùng thấp. Việc be bờ ruộng cũng được thực hiện cẩn thận bằng cách lót bạt hoặc nilon trước khi đắp bờ, như vậy giúp cho thửa ruộng giữ được nước lâu hơn, không bị rò rỉ thất thoát nước.

Nguồn: nongnghiep.vn