Hiệu quả từ công trình thủy lợi ở Phú Yên

2024.05.21 - 550 lượt xem

Xác định hệ thống thủy lợi là hạ tầng hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho các loại cây trồng.

Hồ chứa nước Mỹ Lâm (huyện Tây Hòa) vừa đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, phục vụ nước tưới cho hơn 2.360 ha lúa hai vụ trong năm.

Sau nhiều năm thi công, vụ hè thu năm 2023, tỉnh Phú Yên đưa vào vận hành, khai thác công trình thủy lợi hồ chứa nước Mỹ Lâm, huyện Tây Hòa, thỏa lòng mong đợi bao lâu nay của người dân trong khu vực. Ông Lê

Như Ý, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Thịnh, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa cho biết, trước đây khi chưa có hồ chứa nước Mỹ Lâm, hợp tác xã chỉ canh tác được một vụ lúa (gọi là vụ 12), ăn nước trời, còn vụ hè thu thì toàn bộ diện tích hàng trăm héc-ta gần như bị bỏ hoang.

Bắt đầu từ vụ lúa hè thu năm 2023 đến nay, mỗi năm hợp tác xã đưa vào canh tác hai vụ lúa ăn chắc, với tổng diện tích hơn 1.800 ha. Cụ thể vụ hè thu năm 2023 là vụ đầu tiên hợp tác xã sử dụng nguồn nước tưới của hồ chứa nước Mỹ Lâm phục vụ 867 ha lúa, đến vụ đông xuân mở rộng thêm 79,7 ha, đưa tổng diện tích lúa vụ đông xuân lên gần 950 ha. Nhờ chủ động nguồn nước, năng suất lúa của hợp tác xã đạt bình quân 78,33 tạ/ha (so với trước năng suất lúa chỉ đạt 68-72 tạ/ha). “Công trình thủy lợi hồ chứa nước Mỹ Lâm đã phát huy hiệu quả ngay khi đưa vào sử dụng. Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng diện tích sản xuất lúa, hoa màu mà không sợ thiếu nước như những năm trước đây, bà con xã viên rất phấn khởi…”, ông Lê Như Ý, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Thịnh nói.

Ông Lê Thành Văn, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam-Trạm Mỹ Lâm cho biết, hồ chứa nước Mỹ Lâm, là công trình thủy lợi lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, có dung tích 34,8 triệu m3 gồm các hạng mục đập, tràn, cống và hệ thống kênh tưới dài 55 km. Theo thiết kế, công trình sẽ bảo đảm nước tưới cho 2.500 ha đất canh tác, cấp nước cho 800 ha nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho 38.000 người, kết hợp giảm lũ, giao thông nông thôn, nuôi trồng thủy sản, du lịch và cải tạo môi trường sinh thái vùng dự án.

Theo ông Lê Thành Văn, ngay sau khi tiếp nhận hồ chứa nước Mỹ Lâm, đơn vị đã vận hành phục vụ nước tưới cho vụ lúa đầu tiên là vụ hè thu năm 2023 với tổng diện tích 2.366 ha cho ba xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) và 43 ha diện tích đất xâm canh của Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa. Khi chưa có hồ Mỹ Lâm, các địa phương Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông, Hòa Vinh do hợp tác xã xây dựng trạm bơm động lực lấy nước sông Bánh Lái để sản xuất, nhưng rất bấp bênh…

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của trung ương và nguồn lực của tỉnh, hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Đến nay, toàn tỉnh có 327 công trình thủy lợi các loại, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp với diện tích khoảng 26.500 ha/45.000 ha, kết hợp tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, giảm lũ lụt vào mùa mưa, cải thiện môi trường sinh thái. Trong đó, có 51 công trình hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích trữ khoảng 120 triệu m3; 158 công trình trạm bơm; 118 công trình đập dâng và hơn 1.156 km kênh.

Phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như yêu cầu bảo vệ môi trường nước dẫn tới nhu cầu nước phục vụ các ngành kinh tế tăng rất nhiều. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Lữ Ngọc Lâm cho biết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh là 136.125 ha, trong đó đất trồng lúa và hoa màu là 122.416 ha, diện tích trồng cây lâu năm là 13.709 ha. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi hiện có chỉ tưới được khoảng 20% diện tích canh tác.

Nhìn chung hệ thống thủy lợi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước. Số lượng công trình vẫn còn rất ít. Những năm mưa ít, nguồn nước trữ trong các hồ chứa bị thiếu, làm giảm diện tích sản xuất. Những năm mưa nhiều, khả năng cắt lũ của các hồ chứa còn thấp, xảy ra lũ lụt, thiệt hại về hạ tầng nặng nề, cần có nguồn lực để đầu tư xây dựng bổ sung, nhưng hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực nhà nước là chính, chưa đủ sức hút đối với nhà đầu tư.

Trước tình hình này, thực hiện Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Phú Yên tiếp tục xây dựng, ngày càng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phấn đấu cấp nước chủ động cho diện tích đất trồng lúa hai vụ với mức bảo đảm tưới 85%, trong đó đến năm 2030 có 30%, năm 2050 có 60% diện tích trồng lúa thực hiện phương thức canh tác tiên tiến. Đến năm 2030, diện tích cây trồng cạn được tưới đạt 70%, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30%; đến năm 2050 đạt 100%, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 60%; bảo đảm cấp, thoát nước chủ động cho nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao và các mục tiêu khác trong sản xuất nông nghiệp; cấp nước cho hoạt động kinh tế ven biển, dịch vụ nghề cá.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ, tỉnh đề ra các nhóm giải pháp, trong đó, giải pháp cụ thể là tiếp tục đầu tư công trình thủy lợi lớn để tạo nguồn, hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, xây dựng đường ống kết nối hồ chứa và chuyển nước ra vùng ven biển, điều tiết công trình thủy điện thượng lưu các sông để cấp nước cho vùng hạ du; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thượng nguồn các lưu vực sông, phát triển nội tại vùng quy hoạch, giải quyết các tác động cực đoan, như: hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước... 

Nguồn: nhandan.vn