2024.05.17 - 941 lượt xem
Mùa hè nắng nóng kéo dài cũng là thời điểm vùng cao Hà Giang thiếu nước, những nhọc nhằn, lo âu đồng hành cùng người dân nơi đây.
Nước sinh hoạt luôn là vấn đề cấp thiết đối với vùng cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.
Từ tháng 4, trời đã bắt đầu nắng nóng kéo dài, người dân Hà Giang bước vào mùa khan hiếm nước trong năm. Theo dự báo, năm nay hiện tượng El Nino sẽ kéo dài. Khó khăn về nước sinh hoạt thêm chồng chất, sản xuất của bà con vùng cao ở Hà Giang càng nhọc nhằn.
Nhiều năm nay, những ngày hè, gia đình anh Ly Mí Hờ, thôn Má Tìa, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn và các hộ dân trong thôn phải đi gần 10km để xuống trung tâm thị trấn Đồng Văn chở nước mang về sử dụng. Đường xa, phương tiện chở duy nhất chỉ có xe máy, mỗi lần đi chỉ mang về được khoảng 40 lít nước nên các hộ gia đình đều sử dụng nước rất tiết kiệm, có khi cả gia đình rửa mặt cũng chỉ dùng một chậu nước.
Thiếu nước sinh hoạt, có những hôm bố mẹ phải mải lên nương để trồng ngô, cắt cỏ, các em nhỏ phải đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt của gia đình. Những chiếc can nhỏ cõng sau lưng hay để trong chiếc gùi đã trở thành hình ảnh quen thuộc khi đến vùng cao mùa thiếu nước.
Để đủ nước cho ăn uống, sinh hoạt, mỗi ngày gia đình ông Ly Mí Cho và các hộ dân ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc phải dành thời gian 2 lần lên núi lấy nước.
Ông Cho cho biết, việc dùng nước phải tiết kiệm, sau khi vo gạo sẽ dùng rửa rau, cuối cùng là dùng nấu cám cho lợn, không để lãng phí nước. Năm ngoái hạn hán kéo dài, khi nước ở trong các khe núi và hồ treo cạn kiệt, nhiều khi ông Cho cùng các hộ dân trong thôn trung bình cứ 5 ngày phải mua 1 xe nước 8m3 với giá 450.000 đồng/xe. Có những năm hạn hán kéo dài, gia đình ông phải bỏ ra cả chục triệu đồng mua nước về để sinh hoạt phục vụ cuộc sống.
Tại tỉnh Hà Giang, vấn đề thiếu nước sinh hoạt bao phủ hầu hết các xã ở hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và một số xã ở các huyện Yên Minh, Quản Bạ. Những hộ không có điều kiện thì phải đi hàng chục cây số, thậm chí xa hơn để đến các khe có nước nguồn lấy nước. Những tháng cao điểm, dù trời nắng gắt người dân vẫn xếp hàng đợi đến lượt hứng nước về sử dụng. Nhưng cũng không được nhiều vì nguồn nước tại các khe suối ít mà nhu cầu của người dân thì lớn.
Những hồ treo là giải pháp có ý nghĩa lớn đối với bài toán nước sinh hoạt ở cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Hà Giang, khu vực vùng cao núi đá Hà Giang gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ với dân số trên 66.100 hộ dân vùng nông thôn, chiếm 36,82% dân số toàn tỉnh. Khu vực cao nguyên đá có 68 xã, thị trấn là các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang và của cả nước. Đây là khu vực thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là về mùa khô. Do đặc điểm địa hình là triền núi dốc, lộ đá khối, đá tai mèo, nhiều thung lũng sâu, nhiều hang động nên sông suối và mạch nước ngầm ít lại nằm rất sâu trong lòng núi.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung cũng như tại các tỉnh vùng cao núi đá nói riêng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở vùng cao nguyên đá đạt mức trung bình toàn tỉnh. Tuy nhiên phần lớn các hộ dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn xảy ra tương đối thường xuyên vào 4 tháng mùa khô.
Một thực trạng đáng báo động là trong tổng số 406 công trình hồ chứa và công trình cấp nước sinh hoạt ở 4 huyện vùng cao nguyên đá thì chỉ có 280 công trình còn hoạt động, còn lại 126 công trình không còn hoạt động; số công trình đề nghị sửa chữa là 130 và số công trình đề nghị thanh lý là 50.
Phần lớn các công trình không được sử dụng là do được đầu tư lâu năm, không có kinh phí thường xuyên duy tu bảo dưỡng nên hoạt động kém hiệu quả và xuống cấp. Trong số này huyện Yên Minh có 75 công trình, huyện Quản Bạ có 32 công trình, huyện Mèo Vạc có 11 công trình và huyện Đồng Văn có 8 công trình.
Huyện Quản Bạ có 82 công trình nước sạch nông thôn. Những công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã kết nối đưa nguồn nước hợp vệ sinh đến nhiều thôn, xã vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thế nhưng, khó khăn lớn hiện nay là trong số 82 công trình kể trên thì chỉ có 50 công trình đang hoạt động còn lại 32 công trình không hoạt động. Như tại xã Bát Đại Sơn có đến 4 công trình cấp nước sinh hoạt tại các thôn Na Quang, Na Quang II, Xóm Mới, Tân Sơn không còn hoạt động. Các công trình này được đầu tư từ các năm 2006 đến năm 2009, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 120 hộ dân. Hay tại xã Cao Mã Pờ có 6 công trình thì có tới 4 công trình không còn hoạt động…
Thiếu nước sinh hoạt, người dân Hà Giang sử dụng nước rất tiết kiệm. Ảnh: Đào Thanh.
Anh Thào Mí Mua, thôn Sán Trồ, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ cho biết, việc các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn bị xuống cấp và ngừng hoạt động khiến nguồn nước sinh hoạt càng khan hiếm hơn. Giải quyết khó khăn này, gia đình anh đã đầu tư mua bồn nước để hứng nước mưa tích trữ. Nhưng nguồn nước này chỉ dùng tiết kiệm để nấu ăn, còn nước sinh hoạt thì vẫn rất khan hiếm.
Ông Trần Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Hà Giang cho biết, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên vùng cao nguyên đá ngày càng được nâng lên, người dân có chuyển biến tích cực trong nhận thức về sử dụng nước sạch, giữ gìn và bảo vệ các nguồn nước. Thế nhưng, phát triển cấp nước sinh hoạt ở địa phương những năm qua mới chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước, chưa tập trung vào công tác quản lý vận hành nên số lượng công trình hư hỏng còn nhiều.
Một khó khăn nữa đó là hầu hết các công trình cấp nước có tổ quản lý vận hành, chỉ một số ít các công trình xây dựng nhiều năm về trước không có đơn vị quản lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều tổ quản lý hoạt động cầm chừng, chưa thực sự hiệu quả và không thu được tiền sử dụng nước của người dân.
Bên cạnh đó, hầu hết các các công trình cấp nước tập trung được UBND tỉnh giao cho UBND xã quản lý thông qua tổ quản lý công trình, chỉ một số ít công trình giao cho Trung tâm Dịch vụ môi trường và cấp thoát nước các huyện.
Mô hình UBND xã quản lý thông qua tổ quản lý công trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, thế nhưng, về lâu dài, cùng với xu hướng thị trường hóa nước sạch nông thôn thì mô hình này dần bộc lộ những hạn chế như các thành viên trong tổ quản lý chủ yếu được bầu ra từ người sử dụng nước. Mặc dù họ được tập huấn về công tác quản lý vận hành nhưng chưa phải là một đơn vị quản lý chuyên nghiệp, do đó còn rất nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn, bộ máy quản lý chuyên trách kiểm tra, đánh giá chất lượng nước, hạch toán thu chi, duy trì bảo dưỡng máy móc... như thế sẽ không đảm bảo tính bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn