Cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở ĐBSCL chính thức mở cửa trở lại

2024.05.04 - 957 lượt xem

Ngày 2/5, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, Bộ NN-PTNT đã vận hành mở cửa cống âu Nguyễn Tấn Thành, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành đã chính thức mở cửa trở lại vào sáng 2/5. Ảnh: MT.

Theo ông Bùi Duy Liệu, Phó trưởng Ban điều hành dự án đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành, hiện nay độ mặn bên ngoài cống đạt ngưỡng rất thấp 0,005‰, gần như ngọt tuyệt đối nên Ban vận hành mở cửa cống để khơi thông dòng chảy trở lại, đồng thời phục vụ nhân dân lấy nước ngọt sản xuất.

Đến nay, tiến độ dự án đã đạt hơn 80%, dự kiến đến cuối tháng 7/2024 hoàn thành cơ bản. Đến tháng 8/2024, vận hành thử, tập huấn cho đơn vị điều hành và tiến hành bàn giao. Hiện nay, nhà thầu vẫn đang thi công 2 đầu âu để hoàn thành âu thuyền, tường kè, mang cống.

Trước đó, do độ mặn trên sông Tiền tăng đột biến nên Sở NN-PTNT Tiền Giang đã đề nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đóng cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành từ 14h ngày 1/3 (sớm hơn dự kiến 1 tuần) để bảo vệ vườn cây ăn trái, và giữ nước ngọt phía trong kênh.

Đến nay, theo nhận định của các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, độ mặn đạt đỉnh và đã giảm dần, có khả năng không ảnh hưởng đến vàm kênh Nguyễn Tấn Thành trở về phía thượng lưu.

Cống được mở để lấy nước sản xuất đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bên trong. Ảnh: MT.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và Đài Khí trượng thủy văn Tiền Giang, độ mặn tăng nhẹ trong kỳ triều cường rằm tháng 3 (ngày 26, 27/4). Sau đó, mặn tiếp tục giảm dần về phía cửa sông và tăng trở lại vào kỳ triều cường cuối tháng 3 âm lịch (ngày 9, 10/5) nhưng ở mức độ thấp. Độ mặn 1‰ khả năng xâm nhập từ cảng Du thuyền Mỹ Tho đến bến đò Bình Đức và khả năng không ảnh hưởng đến Vàm kênh Nguyễn Tấn Thành trở về phía thượng lưu. Ngoài ra, do cống đã đóng cửa 2 tháng nên nguồn nước phía trong kênh cũng bắt đầu bị ô nhiễm, cần phải mở cửa cống để làm sạch.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã đến hiện trường kiểm tra việc vận hành mở cống Nguyễn Tấn Thành. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá cao chủ đầu tư và đơn vị thi công đã thi công công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Thời gian qua, công trình này đã phát huy hiệu quả bảo vệ hàng chục nghìn ha cây ăn trái khỏi ảnh hưởng của nước mặn, đồng thời đảm bảo nước sinh hoạt cho khoảng 800 nghìn hộ dân của thành phố Mỹ Tho và các huyện phía đông của tỉnh. Bởi khi công trình vận hành đóng cửa cống sẽ tạo thành một hồ nước ngọt khổng lồ với sức chứa hàng triệu m3 (kênh Nguyễn Tấn Thành dài 19km, rộng từ 60-65m, sâu đến 6m).

Vận hành thiết bị mở cửa cống. Ảnh: MT.

“Việc triển khai thực hiện công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành rất có ý nghĩa. Đến bây giờ, hiệu quả của công trình được phát huy. Trước hết là ngăn mặn, từ đó cả vùng phía trong của công trình không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Dự án triển khai nhận được sự đồng thuận cao của người dân và các ngành, địa phương. Về lâu dài, công trình không chỉ giải quyết ngăn mặn mà còn trữ ngọt bền vững, căn cơ, không bị động như việc triển khai đắp các đập thép tạm như những năm trước. Đến thời điểm này, độ mặn đã cho phép để vận hành mở cống lấy nước ngọt”, ông Trọng nói.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành được khởi công tháng 11/2022 ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành cách sông Tiền 420m, thuộc địa bàn các xã Song Thuận, Bình Đức (huyện Châu Thành). Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 518 tỷ đồng, đạt tiến độ hơn 80% khối lượng công trình, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024.

Công trình có hạng mục chính là cống rộng 40m bằng bê tông, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực. Phần âu thuyền có chiều rộng thông nước 12m, cao trình 5,5m. Một số hạng mục phụ như nhà, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Đây là cống ngăn mặn có quy mô lớn thứ hai ở ĐBSCL, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang).

Nguồn: nongnghiep.vn