Các công trình thủy lợi giúp Vĩnh Long vượt qua hạn mặn

2024.04.25 - 887 lượt xem

Hạn mặn từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long diễn ra gay gắt, nhưng theo đánh giá của ngành chuyên môn của tỉnh, thiệt hại gây ra không lớn. Kết quả này nhờ tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là những công trình thủy lợi lớn, phát huy hiệu quả trong ngăn mặn, trữ nước ngọt, cấp nước tưới tiêu cho cây trồng...

Sản xuất an toàn giữa hạn mặn

Những năm qua, từ nguồn vốn do Trung ương trực tiếp đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư và nguồn vốn của địa phương, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt là vùng Nam Măng Thít (thuộc 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn) có nhiều công trình, dự án thủy lợi lớn được xây dựng, giúp địa phương chủ động trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Ðầu tiên có thể kể đến cống Nàng Âm (tại ấp Ðại Nghĩa, xã Trung Thành Ðông, huyện Vũng Liêm). Cống có 2 khoang, mỗi khoang rộng 10m, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng hoàn thành vào năm 2007, giúp ngăn mặn và cấp nước ngọt cho gần 3.000ha đất canh tác vùng phía Ðông quốc lộ 53, thuộc địa phận các xã Trung Thành Ðông, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa và thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm).

Kế đến là cống Vũng Liêm (tại xã Trung Thành Ðông và Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) có cửa rộng 75m (gồm 3 khoang, mỗi khoang rộng 25m), năng lực tưới, tiêu, ngăn triều, ngăn mặn hơn 11.300ha thuộc huyện Vũng Liêm và một phần huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh). Cống Tân Dinh (cửa rộng 40m) có năng lực kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Hai cống lớn này được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng năm 2018, cuối năm 2020 đưa vào vận hành đã phát huy tác dung ngăn mặn, trữ ngọt cho phần lớn diện tích canh tác của 2 huyện Trà Ôn, Vũng Liêm.

Ông Lê Văn Thống, 67 tuổi, ở ấp Rạch Rô, xã Trung Chánh (huyện Vũng Liêm) cho hay, năm 2016, nước mặn lên quá cao làm nước sông, rạch ở đây không thể lấy nước tưới cho cây trồng hay nấu ăn. Kể từ khi có cống Vũng Liêm mà 4 mùa hạn mặn đã qua, sông, rạch không bị nhiễm mặn, cống trữ được lượng nước ngọt lớn nên canh tác vụ lúa đông xuân, hè thu và nguồn nước sinh hoạt được thuận lợi hơn, không bị thiệt hại do hạn mặn.

Cùng lúc đó, kinh Mây Phốp - Ngã Hậu (thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm) dài 9.313m được nạo vét, mở rộng, giúp tiêu úng, tháu chua, rửa phèn, đẩy mặn cho 160.680ha đất tự nhiên thuộc các huyện Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) và 6.000ha đất canh tác lúa, 1.460ha đất trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm. Song song đó, năm 2020, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long khởi công dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) có chiều dài 24km qua địa phận huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn. Ðến nay, dự án đã cơ bản phần đắp đê, hàng loạt các cống ở các vàm sông, rạch nối với sông Măng Thít đều được xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay hệ thống cống cùng với các công trình đê bao, đập đã khép kín 94,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh, cơ bản kiểm soát được mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, bảo vệ an toàn sản xuất cho phần lớn đất nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống dân cư trên các địa bàn thường niên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Vì vậy, mùa khô năm nay, mặc dù hạn hán xảy ra gay gắt, nhưng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp - thủy sản do hạn hán, xâm nhập mặn không có; gần 382.000ha lúa và hơn 17.500ha rau màu vụ đông xuân 2023-2024 thu hoạch an toàn và lúa hè thu 2024 đã gieo sạ 30.775ha, đạt 73,8% kế hoạch cơ bản đảm bảo an toàn với hạn, mặn.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có trên 6.000 cống các loại, trong đó có trên 40 cống lớn (cửa cống rộng từ 5m trở lên). Thời gian qua việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cống đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ nước ngọt, phục vụ sản xuất và dân sinh và cải thiện môi trường.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện phần còn lại của dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) và tập trung triển khai thực hiện dự án đê bao lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay, đó là dự án nâng cấp đê bao dọc sông Hậu dài hơn 26km (thuộc Bình Tân, Trà Ôn và thị xã Bình Minh) trong giai đoạn 2021-2025, trong đó sẽ xây dựng 8 cống lớn (khẩu độ từ 5-10m) tại các vàm sông, rạch nối với sông Hậu.

Ngoài ra, theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, từ nay đến năm 2026, Bộ này sẽ triển khai xây dựng mới 6 cống lớn, như cống Sậy Ðồn, Bưng Trường, Mương Khai Lớn, sửa chữa cống Nàng Âm (huyện Vũng Liêm), Cái Cá, Sa Rày, Trà Ngoa (huyện Trà Ôn) nhằm hoàn chỉnh thủy lợi vùng Nam Măng Thít. Sáu cống lớn này sẽ được bố trí trong tiểu dự án hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít (thuộc tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh) thuộc dự án "Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ÐBSCL", sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất đầu tư vào ngày 18-3-2024 tại Quyết định số 233/QÐ-TTg. Dự án do Bộ NN&PTNT làm cơ quan chủ quản. Sau khi các dự án, công trình thủy lợi nêu trên hoàn thành thì có khoảng 80.000ha đất tự nhiên được kiểm soát mặn, trữ nước triệt để (gồm toàn bộ vùng Nam Măng Thít và một phần của vùng Bắc Măng Thít thuộc 2 huyện Mang Thít, Tam Bình và thị xã Bình Minh).

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ năm 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Chính phủ phê duyệt năm 2023) và các kế hoạch trung hạn đã có, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long và các địa phương trong tỉnh sẽ triển khai thực hiện các dự án, công trình theo quy hoạch, trong đó sẽ từng bước xây cống hoàn thiện thủy lợi cho các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ, cống dọc sông Cổ Chiên… Phấn đấu hoàn thiện hệ thống thủy lợi của tỉnh Vĩnh Long hiện đại, thông minh bảo đảm chủ động phục vụ chuyển đổi, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và dân sinh, từng bước tự động hóa trong vận hành, có kết nối với phát triển của hệ thống thủy lợi trong khu vực để chủ động phục vụ phòng, chống thiên tai, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu... 

Cống Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) phục vụ rất hiệu quả trong phòng, chống hạn, mặn sau gần 4 năm đưa vào sử dụng.

Nguồn: baocantho.com.vn