2024.03.22 - 831 lượt xem
Để ứng phó hạn mặn, Quảng Trị dự kiến chuyển đổi 230ha đất lúa sang cây trồng khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Vụ hè thu năm 2023, ông Trần Văn Hóa ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh chuyển 5.000 m2 đất trồng lúa sang trồng dưa hấu. Đây là vụ thứ 3 ông Hóa chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với tình hình hạn hán. Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa hấu đã cho kết quả bất ngờ.
Chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa hấu tại Vĩnh Sơn mang lại hiệu quả bất ngờ. Ảnh: Võ Dũng.
“So với trồng lúa thì việc trồng dưa hấu đem lại hiệu quả gấp từ 3 - 4 lần, lại không bị áp lực lớn về nguồn nước tưới. Vùng đất này ở cuối nguồn nước, chỉ có thể sản xuất 1 vụ lúa còn vụ hè thu thì phải chuyển đổi sang cây trồng cạn mới đem lại hiệu quả cao” - ông Hóa cho hay.
Ông Trần Văn Linh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Thượng cho biết, hiện tại, xã viên đã đăng ký chuyển đổi được 5,7 ha đất trồng lúa sang trồng dưa hấu. Trồng dưa hấu trên đất lúa trong vụ hè thu đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, điều kiện về giao thông, nguồn nước hiện tại vẫn rất khó khăn.
“Vùng đất này nằm ở cuối nguồn đập chứa nước La Ngà nên việc điều tiết nước trong vụ hè thu hết sức khó khăn. Việc chuyển đổi sang cây trồng cạn là điều rất hợp lý. Tuy nhiên, người dân ở đây rất mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để cải thiện vấn đề giao thông nội đồng, đường điện và khoan giếng phục vụ sản xuất”.
Đại diện UBND xã Vĩnh Sơn cho hay, đây là năm thứ 3 Hợp tác xã Huỳnh Thượng chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa hấu. Về phương án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mỗi năm UBND xã Vĩnh Sơn đều trích kinh phí hỗ trợ nhưng không đáng kể.
“Chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ người dân để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giảm áp lực nguồn nước tưới” – ông Hồ Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay.
Còn tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, hiện nay cũng có trên 3 ha đất lúa dọc Quốc lộ 1A dự kiến sẽ chuyển sang trồng dưa hấu trong vụ hè thu năm nay. Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, trồng dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nguồn nước nhưng cũng rủi ro cao.
“Nhiều năm nay, đến vụ hè thu là người dân chủ động chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa hấu. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước ở đây chưa đồng bộ nên có một số vụ dưa mất trắng. Cũng có vụ được mùa mất giá nên nông dân vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi” - ông Cường chia sẻ.
Diện tích chuyển đổi sang trồng rau màu chủ yếu ở vùng khó khăn về nguồn nước tưới. Ảnh: Võ Dũng.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, dự kiến, vụ hè thu 2024, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi trên 230 ha đất lúa sang trồng các loại hoa màu. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân. Quá trình chuyển đổi cũng sẽ giúp nông dân và các địa phương tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững.
“Mục đích chuyển đổi là nâng cao giá trị sản xuất. Lúc đầu, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng lớn hơn nhưng hiện nay, theo dự báo, mùa mưa sẽ đến sớm nên diện tích chuyển đổi thấp hơn kế hoạch” - bà Phương cho biết.
Diện tích chuyển đổi chủ yếu vùng hạn mặn
Ngày 5/3, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2024. Theo đó, Quảng Trị sẽ chuyển 237 ha đất lúa sang các loại cây trồng khác. Trong đó, chuyển đổi sang cây trồng hàng năm là 207 ha, chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 30 ha. Diện tích chuyển đổi chủ yếu là các vùng đất cuối nguồn nước, vùng đất có nguy cơ xâm nhập mặn.
Nguồn: nongnghiep.vn