Vĩnh Long: Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ứng phó hạn, mặn

2024.03.07 - 1496 lượt xem

Do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, điều kiện nước tưới trong mùa khô ngày càng khó khăn và do có nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, nên thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (TKN) phát triển nhanh. Ngành chức năng của tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách, dự án, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển hình thức tưới này.

Diện tích tưới tiết kiệm nước gia tăng

Tưới TKN ở Vĩnh Long có mặt trên địa bàn tỉnh rất sớm, thông qua các chương trình, mô hình trình diễn, dự án, đề tài nghiên cứu, thử nghiệm khoa học, công nghệ… về phát triển giống, cây trồng của các cơ quan quản lý chuyên ngành, viện, trường, đặc biệt là chương trình khuyến nông của tỉnh, của quốc gia hỗ trợ.

Dần về sau được áp dụng rộng rãi tại các tổ chức sản xuất nông nghiệp (tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp…) và hộ gia đình có nhu cầu tưới. 

Cụ thể, vào năm 2006, trong tỉnh có HTX Sản xuất và tiêu thụ bưởi năm roi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) tưới béc phun cho 95ha bưởi năm roi. Năm 2009 có HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) tưới TKN cho 43ha cây chôm chôm và có 390ha lúa áp dụng tưới tiết kiệm nước theo hình thức tưới ướt khô xen kẽ tại huyện Vũng Liêm…

Thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-BNN-TCTL ngày 19/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT ban hành Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, TKN cho cây trồng cạn phục vụ cơ cấu lại ngành thủy lợi, trong giai đoạn năm 2015-2020, được hỗ trợ về kỹ thuật và một phần kinh phí của Nhà nước thông qua các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học,… các tổ chức sản xuất và hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sử dụng công nghệ tưới TKN cho cây trồng. 

Cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 200ha lúa và hơn 9.600ha cây trồng cạn (chiếm 10,44% tổng số diện tích cây trồng cạn toàn tỉnh) áp dụng tưới TKN. Đến cuối năm 2022, con số này đã gần 13.300ha (chiếm 14,4%).

Diện tích cây trồng được tưới TKN tập trung nhiều ở các huyện Vũng Liêm (hơn 7.200ha), Long Hồ (hơn 3.500ha), Mang Thít (gần 900ha). Đa số là hình thức tưới phun mưa ngoài trời (hơn 13.200ha), còn lại là tưới phun trong nhà kính, nhà lưới (gần 22ha), tưới nhỏ giọt hơn 5ha. Có 32 doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đã áp dụng kỹ thuật tưới TKN trên diện tích hơn 600ha cho các loại cây trồng như dưa leo, dưa lưới, xoài, chôm chôm, thanh long, bưởi, khoai lang.

Việc lắp đặt hệ thống tưới TKN, nhất là hệ thống tưới phun mưa ngoài trời ngày càng phổ biến, dễ làm và có chi phí thấp.

Nhiều hộ đã tự đầu tư mua ống nhựa, béc phun, máy bơm… trên thị trường với chi phí khoảng 4 triệu đồng là được hệ thống tưới TKN cho 1 công vườn/rẫy, giúp họ tiết kiệm rất nhiều công và thời gian tưới, nâng cao năng suất cây trồng. Còn Nhà nước đầu tư thì cao hơn, khoảng 10 triệu đồng để có hệ thống tưới cùng diện tích.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp-PTNT, diện tích tưới TKN trên cây trồng hiện ở Vĩnh Long còn thấp so với tổng diện tích cây trồng hiện có. Phần lớn do người dân tự đầu tư, tự mua thiết bị lắp đặt hệ thống tưới được sản xuất trong nước với giá thành rẻ, tuy có tiết kiệm chi phí nhưng chất lượng sử dụng không cao.

Còn đối với sử dụng công nghệ tưới TKN đúng tiêu chuẩn, như công nghệ tưới của Israel thì giá thành cao hơn, chất lượng hơn. Công nghệ này thường áp dụng ở các tổ chức sản xuất nông nghiệp hoặc các mô hình, dự án thử nghiệm, trình diễn khuyến nông do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư.

Tuy nhiên, do giá thành cao nên đầu tư hệ thống tiêu chuẩn này làm tăng chi phí sản xuất… nên còn nhiều hộ tự đầu tư lắp hệ thống tưới.

Thúc đẩy tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Để khuyến khích người dân, tổ chức áp dụng kỹ thuật tưới TKN, ngày 17/10/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 203/2019/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ cụ thể phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, TKN và chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, TKN trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó quy định, đối với cá nhân (có quy mô khu tưới từ 0,3ha trở lên) và tổ chức thủy lợi cơ sở (có quy mô khu tưới từ 2ha trở lên) được hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới TKN cho cây trồng cạn (mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha).

Ngày 23/9/2021, UBND tỉnh ra Quyết định số 2527/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (trong đó có phát triển tưới TKN) giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn cần đầu tư hỗ trợ tưới TKN là 240 tỷ đồng trong tổng số 779,18 tỷ đồng vốn thực hiện kế hoạch. Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 100% diện tích đất trồng lúa được cấp nước chủ động (trong đó có trên 5% áp dụng phương thức canh tác tiên tiến), 25% diện tích cây trồng cạn chủ lực, tập trung được tưới TKN (tương đương 22.200ha).

Nông dân ở xã Tân Long (Mang Thít) lên liếp trồng mít có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển TKN, tại Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 cũng có đề ra các dự án, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có lồng ghép phát triển giải pháp tưới TKN, đặc biệt là các mô hình hệ thống tưới nước thông minh trong xây dựng mô hình “ấp thông minh” tại các xã xây dựng NTM kiểu mẫu.

Qua đó nhằm hỗ trợ một phần, tạo điều kiện để hộ dân, tổ chức sản xuất cùng hợp tác với Nhà nước, các cơ quan chức năng trong tỉnh đầu tư mở rộng công nghệ này, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững

Nguồn: baovinhlong.com