Thừa Thiên Huế nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ sản xuất

2024.02.28 - 804 lượt xem

Ngoài nguồn vốn bảo trì của đơn vị quản lý, vận hành, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương lồng ghép kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình, nhằm chủ động nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Nhiều công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng sản xuất.

Với nhiệm vụ phục vụ tưới tiêu hàng trăm ha lúa, hoa màu ở các địa phương Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Phước và thị trấn Sịa (Quảng Điền), thế nhưng công trình kênh mương thủy lợi Tây Hưng nay đã xuống cấp nhiều điểm.

Kênh Tây Hưng qua địa bàn xã Quảng Lợi (Quảng Điền) bị xuống cấp

Tại địa bàn xã Quảng Thái, Quảng Lợi, hệ thống kênh nhiều nơi bị sụt lún, nứt vỡ gây thất thoát nguồn nước, không đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất. Được biết, đây là tuyến kênh được xây dựng từ năm 2010 - 2012 trên chiều dài 11km, phục vụ tưới tiêu cho hơn 800ha lúa, hoa màu ở các địa phương.

Hằng năm, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, Công ty Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư sửa chữa, khắc phục, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống công trình đầu mối và hệ thống kênh mương với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Phan Đăng Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết, kênh mương thủy lợi Tây Hưng qua địa bàn xã hiện nay xuống cấp nhiều điểm, đặc biệt ở khu vực thuộc các HTX Thắng Lợi, Thạnh Lợi. Với vai trò phục vụ tưới tiêu cho hơn 450ha lúa tại địa phương, hệ thống kênh này xuống cấp đã ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Hàng năm, Công ty Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi đều có bố trí nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng nhỏ nhưng về lâu dài, cần đầu tư nâng cấp đồng bộ bởi không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn cần có hệ thống dẫn nước phục vụ cho các trang trại cát trên địa bàn.

Tương tự, tuyến kênh từ xã Vinh Hưng, Vinh Mỹ đến xã Giang Hải (Phú Lộc) được xây dựng nhiều năm trên chiều dài khoảng 4km, có nhiệm vụ tiêu thoát lũ và cấp nước tưới cho hơn 100ha diện tích lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản của người dân. Nhiều năm nay, do mưa lũ kênh bị bồi lấp, tắc nghẽn nghiêm trọng.

Đặc biệt, đoạn qua xã Giang Hải với chiều dài hơn 3km xuất hiện nhiều điểm bồi lấp, hiện trạng kênh đã cao hơn mặt ruộng. Hệ thống kênh xuống cấp, vỡ trong mùa mưa lũ làm bồi lấp hàng chục ha đất của người dân và có nguy cơ gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của bà con trong vùng.

Trước thực trạng nhiều tuyến kênh mương, đê bao nội đồng xuống cấp, để đảm bảo công tác tưới tiêu, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí lồng ghép kinh phí để đầu tư, nâng cấp sửa chữa; nạo vét, tu sửa các đoạn xung yếu, tránh tình trạng kênh bị xuống cấp. Về lâu dài, các địa phương tiến hành khảo sát, lập dự án và đăng ký bổ sung danh mục công trình vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Đối với công trình do Công ty Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý, vận hành yêu cầu đơn vị này bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, khắc phục, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống công trình đầu mối và hệ thống kênh mương nhằm chủ động nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư được khoảng hơn 1.200km kênh mương, đê bao nội đồng với kinh phí thực hiện khoảng 1.100 tỷ đồng.

Việc đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh, đê bao đã làm chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm chi phí trong quá trình vận hành khai thác, đảm bảo sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, do có một số công trình hồ, đập, trạm bơm mới được đầu tư xây dựng mới, đồng thời tại một số địa phương có sự điều chỉnh về quy hoạch đồng ruộng, sau khi rà soát có nhiều tuyến kênh cần được tiếp tục đầu tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ chương trình kiên cố hóa kênh mương, vấn đề cần được quan tâm trong thời gian đến là nhiều tuyến kênh đã đầu tư trong thời gian trước đây nay đã xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt là các tuyến kênh xây dựng từ năm 2000. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí của tỉnh và của các địa phương chỉ đầu tư sửa chữa nhỏ một số đoạn cấp bách.

Vì vậy trong thời gian tới cần xem xét, bố trí kinh phí để sửa chữa các tuyến kênh đã xuống cấp. Theo thống kê, kinh phí nâng cấp sửa chữa ước khoảng 250 tỷ đồng. Đồng thời, nâng cấp khoảng 400km đê bao và đê nội đồng, hoàn thiện hệ thống đóng mở các cống trên đê và các cống điều tiết với kinh phí ước khoảng 800 tỷ đồng.

Nguồn: moitruong.net.vn