Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: 'Rút 2 ngày lấy nước vụ đông xuân'

2024.01.26 - 771 lượt xem

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo rút 2 ngày lấy nước đợt 1 gieo cấy vụ đông xuân các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ (từ 8 ngày xuống 6 ngày).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo rút 2 ngày lấy nước đợt 1 gieo cấy vụ đông xuân các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ (từ 8 ngày xuống 6 ngày).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao đổi với ông Trần Văn Quân (thứ 2 từ phải sang) và lãnh đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi tại cống Cầu Xe (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Ảnh: Minh Phúc.

Ngày 24/1, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra các công trình lấy nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân 2023-2024 tại tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.

Ông Trịnh Thế Trường - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, cho biết: Đến 15h chiều 23/1, diện tích có nước trong vùng phục vụ của hệ thống Bắc Hưng Hải đạt khoảng 55,5% (trung bình mỗi ngày diện tích có nước tăng khoảng 8%), nếu theo đúng kế hoạch lấy nước đợt 1 của Bộ NN-PTNT thì hoàn toàn đảm bảo phục vụ nguồn nước đổ ải gieo cấy cho bà con, thậm chí có thể rút ngắn số ngày lấy nước.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thông tin, đến chiều 24/1, diện tích có nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt 52%. Các địa phương sẽ tranh thủ tối đa nguồn nước xả tăng cường từ các nhà máy thủy điện và con triều để lấy nước ngược đưa vào đồng ruộng. Tuy nhiên, một số vùng có truyền thống sản xuất rau màu vụ đông như Kinh Môn (có gần 4.000ha hành và khoảng 400ha tỏi) sẽ tập trung thu hoạch và lấy nước vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, hoàn toàn nhất trí với chủ trương rút 2 ngày lấy nước đợt 1 phục vụ đổ ải vụ đông xuân của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Năm nay, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải lấy nước khó khăn hơn những năm trước, do tình hình xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Trạm trưởng Trạm quản lý công trình Cầu Xe - An Thổ (Công ty Bắc Hưng Hải) tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), khi không có nước xả tăng cường từ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn, đợt mặn ngày 26/12/2023 vừa qua, độ mặn tại cống Cầu Xe lên tới 8,7‰. Tại những con triều cao khác, độ mặn cũng dao động từ 3-4‰, không thể mở được cống để lấy nước. Những năm trước, khi đỉnh triều cao thì mới bị mặn nhưng năm nay mặn xuất hiện hằng ngày. Phải đến 6h00 sáng 23/1, độ mặn mới giảm xuống mức phù hợp (từ 0,2-0,4‰) để mở cống lấy nước vào hệ thống.

Nông dân Hải Dương tranh thủ làm đất ngay khi có nước để gieo cấy vụ đông xuân. Ảnh: Minh Phúc.

Sau khi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân tại Hải Dương và Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này, diện tích có nước tại các địa phương vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã đạt khoảng 60%. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các địa phương có phương án lấy nước tối ưu nhất để vừa đảm bảo phục vụ đủ nước cho bà con gieo cấy, vừa tiết kiệm nguồn nước phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vào mùa khô.

"Năm nay, một số địa phương có truyền thống lấy nước khó như Hà Nội đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp, nối dài đường ống các trạm bơm dã chiến, nên đã giải quyết được vấn đề này", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Theo kế hoạch, lịch lấy nước đợt 1 sẽ có 8 ngày (từ ngày 23/1 đến hết ngày 30/1), tuy nhiên, trên cơ sở tình hình thực tế, Bộ NN-PTNT sẽ rút ngắn 2 ngày lấy nước trong đợt này để tiết kiệm nguồn nước.

"Như vậy, dự kiến năm nay, tổng lượng nước xả tăng cường phục vụ đổ ải gieo cấy vụ đông xuân sẽ dưới 3,5 tỷ m3 và là năm xả nước thấp nhất trong các vụ đông xuân những năm qua", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tặng quà chúc mừng công nhân đang thi công trạm bơm dã chiến Xuân Quan (tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Minh Phúc.

Để công tác lấy nước vụ đông tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ không phụ thuộc vào nguồn xả tăng cường từ các nhà máy thủy điện, Bộ NN-PTNT đang làm việc với thành phố Hà Nội về đầu tư xây dựng đập dâng trên sông Hồng, phấn đấu đến năm 2030 sẽ chủ động hoàn toàn nguồn nước phục vụ vụ đông xuân.

"Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương rút bớt 2 ngày lấy nước vụ đông xuân của Bộ NN-PTNT để tiết kiệm tài nguyên cho quốc gia", ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, nói với các cơ quan báo chí.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết: Từ ngày 20/1, EVN đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất để đảm bảo mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Hà Nội ở mức cao nhất có thể trong những ngày lấy nước đợt 1. Đồng thời, chỉ đạo các công ty điện lực đảm bảo cung cấp điện ổn định để các trạm bơm, công trình thủy lợi vận hành tối đa năng lực lấy nước.

"Chúng tôi rất mong các địa phương tăng cường vận động người dân ra đồng lấy nước để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ đông xuân", ông Ngô Sơn Hải kiến nghị.

Nguồn: nongnghiep.vn