2024.01.08 - 1304 lượt xem
Để công tác lấy nước tích trữ vào hệ thống sông ngòi, ao hồ đạt hiệu quả cao, tận dụng tối đa nguồn nước từ các hồ thủy điện, các Công ty TNHH MTV thủy lợi, chính quyền các địa phương đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nhân lực, máy móc, tiến hành nạo vét, duy tu sửa chữa hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy, sẵn sàng cho phương án lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân gieo cấy đúng khung thời vụ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành văn bản thông báo lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, sẽ chia 2 đợt.
Đợt 1: Từ 0 giờ ngày 23/1 đến 24 giờ ngày 30/1/2024 (8 ngày); Đợt 2: Từ 0 giờ ngày 18/2 đến 24 giờ ngày 21/2/2024 (4 ngày). Trong thời gian lấy nước đợt 1, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,70 - 1,90m tại Trạm Thủy văn Hà Nội).
Đợt 2: Các hồ chứa thủy điện vận hành bảo đảm dòng chảy đủ để đẩy mặn, mực nước cho các trạm bơm dã chiến và các công trình đã được nâng cấp hoạt động (mực nước tại Trạm Thuỷ văn Sơn Tây trung bình khoảng 1,8 - 2,0 m).
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ gieo cấy, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo, yêu cầu các Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn, Lập Thạch, Tam Đảo, Phúc Yên tập trung hoàn thành công tác nạo vét hệ thống kênh mương, cửa khẩu các trạm bơm.
Đồng thời kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành thử máy bơm, đảm bảo sẵn sàng vận hành hết công suất ngay từ đợt lấy nước đầu tiên năm 2024. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trạm bơm không vận hành được ảnh hưởng đến hiệu quả lấy nước từ các đợt xả nước của các hồ thủy điện (đặc biệt là các trạm bơm lấy nước ven Sông Lô, Sông Hồng).
UBND cấp huyện, cấp xã kiểm tra, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, sớm xây dựng kế hoạch lấy nước chi tiết đến từng thôn, xóm, khu vực... và thông báo tới bà con nhân dân được biết, chủ động lấy nước kịp thời, hiệu quả.
Trên tuyến kênh chính tả ngạn Liễn Sơn, đơn vị nhà thầu đang huy động nhiều máy móc, nhân lực triển khai các hạng mục nạo vét, kè mái chống sạt trượt... từ Km 0 đến Km 20.
Ông Ngô Anh Cương, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn cho biết: Triển khai các văn bản chỉ đạo từ Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT, công ty đã xây dựng kế hoạch chống hạn, tranh thủ tối đa thời gian, tiến hành nạo vét các cửa khẩu, đầu mối lấy nước, duy tu sửa chữa hệ thống kênh mương.
Với hơn 90 km kênh chính, gần 100 km kênh cấp 2, cấp 3, để hoàn thành trước thời gian đổ ải Đợt 1 vụ Đông Xuân 2023 - 2024, công ty đã yêu cầu nhà thầu cam kết tiến độ. Hiện thời tiết đang rất thuận lợi, ít mưa, cây vụ Đông đang vào giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, nhu cầu nước tưới thấp, đây là giai đoạn quyết định, đảm bảo tốt các khâu chuẩn bị cho công tác cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho năm 2024.
Ghi nhận tại Xí nghiệp Thủy lợi Vĩnh Tường, đơn vị vận hành hệ thống kênh mương cấp nước tưới cho các xã của huyện Vĩnh Tường - một trong những vựa lúa lớn nhất của tỉnh. Trong những ngày vừa qua, xí nghiệp đã cơ bản hoàn thành công tác nạo vét trên các kênh 6A, 6B. Với các tuyến kênh khác, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15/1.
Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Vĩnh Tường Đinh Văn Thiện chia sẻ: Sau những đợt các hồ thủy điện xả nước, mực nước sông Hồng thường ở mức rất thấp, rất khó để vận hành tốt các trạm bơm ven sông. Nếu không tranh thủ lấy nước đúng thời điểm, không những khó đảm bảo nước phục vụ gieo cấy mà chi phí lấy nước sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của xí nghiệp.
Vì thế, trong những ngày tới, xí nghiệp tích cực phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường, đẩy nhanh quá trình nạo vét các đầu mối lấy nước, khẩn trương sửa chữa hệ thống kênh mương, đảm bảo xong trước khi các hồ thủy điện xả nước.
Trên các cánh đồng của xã Hợp Thịnh (Tam Dương), nhiều máy múc mini đang tiến hành nạo vét từng tuyến kênh nội đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh Nguyễn Chiến Anh cho biết: Hệ thống kênh mương do xã quản lý cơ bản đã được cứng hóa, hầu hết là kênh tự chảy, tuy nhiên, để đảm bảo việc cung cấp nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, công tác nạo vét luôn được UBND xã ưu tiên hàng đầu vào giai đoạn cuối năm.
Nhờ tưới tiêu thuận lợi, các vụ sản xuất trong năm 2023 của xã đều cho năng suất cao, riêng với cây lúa cho năng suất trung bình từ 230 - 240 kg/sào. Từ đó đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho nông dân trong xã.
Sau khi quy hoạch các cụm công nghiệp, xã còn 290 ha diện tích canh tác nông nghiệp, để đảm bảo nước tưới, xã Hợp Thịnh sẽ sớm hoàn thành công tác nạo vét, sửa chữa các tuyến kênh nội đồng, phối hợp nhịp nhàng với Xí nghiệp thủy lợi Tam Dương, đảm bảo những điều kiện tốt nhất phục vụ sản xuất.
Với sự vào cuộc của các Công ty TNHH MTV Thủy lợi, chính quyền cấp huyện, cấp xã, hệ thống kênh tưới sẽ sớm được nạo vét, duy tu, sửa chữa, sẵn sàng dẫn nước tưới vào đồng ruộng theo đúng kế hoạch lấy nước theo lịch của Bộ NN&PTNT,́ giảm tối đa sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đảm bảo đủ nước đổ ải, gieo cấy đúng khung thời vụ phục vụ các diện tích lúa của tỉnh trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024.
Nguồn: baovinhphuc.com.vn