2023.12.27 - 1327 lượt xem
Tình trạng cạn nước và biến đổi lòng dẫn sông Hồng phải được nhìn nhận là vấn đề rất nghiêm trọng và cần có giải pháp xử lý.
Nước sông Hồng cạn kiệt đến mức trơ cả chân cầu, lộ ra những bãi cát lớn. Ảnh: Quang Dũng.
Với chiều dài 556 km chảy qua địa phận Việt Nam, sông Hồng đóng vai trò quan trọng về thủy điện, môi trường và giao thông vận tải đường thủy, đặc biệt là cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sông Hồng ngày càng biến đổi với những dấu hiệu bất thường theo chiều hướng tiêu cực. Đó là tình trạng đáy sông bị tụt thấp dẫn đến mực nước bị hạ thấp theo. Điều này đã gây ra ảnh hưởng lớn tới đời sống cũng như tình hình sản xuất của người dân các tỉnh đồng bằng.
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, GS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam không khỏi xót xa khi nhắc lại thời điểm hơn 2 tháng không thể bơm được nước nơi quê nhà. “Toàn bộ đồng ruộng ở quê hương đều lấy nước ở trạm bơm Trung Hà, sau khi đổ ải thì mực nước ở trạm bơm này thấp hơn ngưỡng có thể lấy được nước từ 1 đến 1,5 mét. Đến lúc lúa đang trổ đòng thì hạn rất nặng, đồng ruộng nứt nẻ”.
Cũng theo GS Đào Xuân Học, mặc dù trạm bơm dã chiến đã được đưa vào sử dụng để tạm thời khắc phục tình thế, tuy nhiên, cũng không thể cung cấp đủ nước sản xuất cho bà con. Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề.
Theo ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi (thứ 2 từ trái sang), việc hạ thấp mực nước sông Hồng tác động rất nghiêm trọng đến các hệ thống thuỷ lợi. Ảnh: Quang Dũng.
Tình trạng đáy lòng dẫn bị tụt thấp, dẫn đến mực nước cũng bị hạ thấp nhiều lần được Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đưa ra cảnh báo nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả khảo sát đánh giá từ thực tế qua các năm cho thấy, mực nước đo tại các trạm thủy văn trên sông Hồng có chiều hướng giảm mạnh. Đặc biệt là thời kỳ từ 2010 đến 2019, mặc dù lưu lượng so với thời kỳ 1956-1987 trong các tháng 1 đến tháng 5 tăng mạnh do có sự điều tiết của các hồ thủy điện. Tại Sơn Tây mức tăng từ 400-1000m3/s; tại Hà Nội, mức tăng từ 100-400m3/s và tại Thượng Cát từ 400-650m3/s.
“Nhưng mực nước lại giảm rất mạnh so với thời kỳ 1960-1987, mực nước giảm ở tất cả các tháng trong năm và ở các trạm vùng hạ lưu. Cụ thể: tại Sơn Tây, mức giảm từ 1,18m đến 3,92m tùy theo tháng; tại trạm thủy văn Hà Nội mức giảm từ 1,15 đến 4,22m; tại trạm thủy văn Thượng Cát, mực giảm từ 1,70m đến 4,50m. Sở dĩ có sự hạ thấp mực nước lớn như thế, ngoài tác dụng cắt giảm lũ còn có sự hạ thấp đáng kể địa hình lòng dẫn. Qua số liệu đo đạc tại trạm thủy văn Sơn Tây cho thấy, địa hình lòng dẫn sông bị xói rất mạnh, đáy sông 2019 hạ thấp gần 7,0m so với năm 1990 và hạ thấp 4,5m so với năm 2016”, trích Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, việc hạ thấp mực nước sông Hồng còn tác động rất nghiêm trọng đến các hệ thống thủy lợi đã xây dựng. Từ năm 2003, việc lấy nước của các hệ thống đều diễn ra bình thường. Tuy nhiên, từ 2010 đến nay tốc độ hạ thấp của lòng sông Hồng nhanh hơn và nghiêm trọng hơn. Kể cả khi các hồ thủy điện ở thượng nguồn xả tối đa thì mực nước tại Hà Nội cũng chỉ đảm bảo từ 1m8 đến 2m.
“Trong vòng 3 năm trở lại đây chúng ta xả từ 3.000 đến 5.000 m3 nhưng mực nước Hà Nội cũng chỉ đạt tối đa là 1m8. Do đó, nhiều công trình thủy lợi rất khó lấy nước. Chúng tôi ví rằng ‘trạm bơm dọc sông Hồng thì treo chõ, cống thì trơ đáy’. Một vấn đề nữa từ việc lấy nước là 250.000ha canh tác tại Đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là lấy nước đổ ải vụ đông xuân”, ông Thành chia sẻ.
Mực nước sông Hồng thấp hơn cao trình đáy cống của trạm bơm Trung Hà khiến trạm bơm này tê liệt hoàn toàn. Ảnh: Quang Dũng.
Thực tế nhiều năm qua, mực nước ngoài sông Hồng có nhiều thời điểm còn thấp hơn cả cao trình đáy cống, hoặc cao trình chõ bơm, khiến hàng loạt các trạm bơm ở Hà Nội như Phù Sa, Đan Hoài, Bạch Hạc, Cẩm Đình, Liên Mạc... cùng các hệ thống trạm bơm lấy nước từ sông Hồng thuộc các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc... cũng gặp vô vàn khó khăn.
Qua khảo sát thực tế, chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi nhận định, không chỉ các trạm bơm thủy lợi ven sông bị tê liệt, ngừng hoạt động, khi lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp, các hệ thống các sông nhánh khác như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải… cũng thường xuyên trong tình trạng cạn nước. Tình trạng này cũng là nguyên nhân gây gia tăng mức độ ô nhiễm đối với các hệ thống thủy nông và các sông liên quan tại đô thị Hà Nội do không có nguồn nước thau rửa thường xuyên.
Tình trạng cạn nước và biến đổi lòng dẫn sông Hồng phải được nhìn nhận là vấn đề rất nghiêm trọng và cần có giải pháp xử lý. Nguyên nhân của vấn đề này cũng không loại trừ ảnh hưởng tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hai nguyên nhân chính khiến đáy sông bị hạ thấp được phía Viện Quy hoạch Thủy lợi chỉ ra là do: các hồ chứa thượng nguồn giữ lại phù sa và việc khai thác cát ồ ạt với quy mô lớn, quá mức trên sông Hồng.
Nguồn: nongnghiep.vn