2023.12.25 - 1009 lượt xem
Mùa khô năm 2023-2024 ở ĐBSCL được dự báo thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn khả năng xuất hiện sớm và ở mức cao, cần chủ động các giải pháp phòng, chống.
Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị khoa học thủy lợi trực thuộc Bộ NNN-PTNT, mùa khô năm 2023-2024 ở ĐBSCL được dự báo thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn khả năng xuất hiện sớm, ở mức sâu hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong quán triệt các giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố công trình thủy lợi tại hội nghị được tổ chức ở Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia, trong mùa khô năm 2023-2024, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1,5 độ C, nguy cơ làm gia tăng bốc hơi, tăng nhu cầu sử dụng nước của cây trồng và vật nuôi.
Dự báo nguồn nước về ĐBSCL trong mùa khô 2023-2024 có khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm, nguồn nước ngọt khó khăn ngay từ đầu mùa khô, nhất là các khu vực ven biển, xa dòng chính sông Cửu Long.
Tỉnh Kiên Giang đang gấp rút hoàn thành công trình thủy lợi được đầu tư trên tuyến đê biển An Biên - An Minh, kịp thời đưa vào vận hành ngay trước mùa khô 2023-2024, ngăn mặn từ biển Tây xâm nhập vào nội đồng. Ảnh: Trung Chánh.
Các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4g/lít có thể xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50-70 km, tùy cửa sông, cao hơn từ 7-25 km so với trung bình nhiều năm. Riêng vùng hai sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/lít cao nhất từ 90-100 km, cao hơn 8-10 km so với trung bình nhiều năm.
Từ giữa tháng 3/2024 đến cuối mùa khô, theo quy luật hàng năm dòng chảy về đồng bằng gia tăng nên xâm nhập mặn có xu thế giảm, ranh mặn 4g/lít ở mức từ 45-60 km. Trong trường hợp dòng chảy không gia tăng thì mức xâm nhập mặn tiếp tục duy trì như đầu tháng 3.
Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong, thực tiễn qua các đợt hạn, mặn lịch sử cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cần được thực hiện sớm và phải coi trọng yếu tố phòng là chính. Các giải pháp cần áp dụng quyết liệt nhưng linh hoạt, phù hợp với đặc thù các địa phương.
Từ giữa tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 397/CĐ-TTg về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Nông dân Kiên Giang chủ động xuống giống lúa đông xuân 2023-2024 theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tránh nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ. Ảnh: Trung Chánh.
Đồng thời, thành thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về cơ cấu thời vụ, diện tích canh tác, giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Bố trí thời vụ hợp lý, chủ động xuống giống sớm lúa đông xuân 2023-2024 từ tháng 10/2023 cho khoảng 400.000 ha ở những vùng ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn cao thuộc các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Sử dụng giống lúa ngắn ngày cho các vùng ảnh hưởng hạn, mặn. Các điện tích còn lại thực hiện trong tháng 11-12/2023 và kết thúc xuống giống cho toàn vùng trước 10/1/2024.
Tổ chức tập huấn, ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời kỹ thuật tích trữ nước, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL. Đào thêm ao, hồ phân tán trữ nước, tích nước mương liếp để tưới cho các vườn cây ăn trái. Rà soát, có kế hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản tại những vùng nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả
Đẩy nhanh thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn, kết nối mạng liên thông, tăng khả năng chống chịu, chia sẻ và hỗ trợ cấp nước giữa các công trình. Nâng cấp, mở rộng, tăng khả năng khai thác nước mặt, hạn chế khai thác nước dưới đất. Tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân về sử dụng nước tiết kiệm.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, trước nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng trong thời gian tới, tỉnh đã có kế hoạch triển khai các giải pháp ứng phó, cả công trình và phi công trình, với nguồn kinh phí gần 102,6 tỷ đồng.
Đây là một kế hoạch toàn diện, bao gồm các giải pháp công trình như đắp đập tạm, nạo vét kênh mương kết hợp làm bờ bao, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, trạm bơm điện... Trong đó, xác định ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu. Các giải pháp phi công trình như cơ cấu lại mùa vụ, chủ động xuống giống sớm lúa đông xuân để né hạn, mặn vào cuối vụ.
Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ được dự báo sẽ đến sớm hơn, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện từ giữa tháng 1/2024, sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 15 ngày. Mức độ xâm nhập mặn từ giữa đến cuối tháng 12/2023, ranh mặn 4g/lít xâm nhập sâu từ 25 - 30 km. Từ tháng 1, 2, nửa đầu tháng 3/2024, ranh mặn 4g/lít vào sâu đến 50-70 km.
Nguồn: nongnghiep.vn