Thuận thiên, thích nghi hạn-mặn có kiểm soát

2023.12.19 - 691 lượt xem

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở đồng bằng sông Cửu Long, theo tính toán của các cơ quan khoa học sẽ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Công trình cống ngăn mặn ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) giúp bảo vệ nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp địa phương khi độ mặn lên cao. Ảnh: Nam Long

Xâm nhập mặn đến sớm

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều với xu thế xuống dần. Từ đó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn trung bình nhiều năm, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12/2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2, tháng 3/2024; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào các tháng 3, 4, 5/2024.

Đại diện Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra ở một số địa phương, do đó cần tăng cường giải pháp ứng phó cho hơn 56.000 ha lúa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… Đối với vùng chuyên canh cây ăn trái, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 43.300 ha, thuộc bốn tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển thuộc các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau…

Trước dự báo diễn biến phức tạp, theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, tỉnh đã xây dựng các kịch bản với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập vào sâu hơn 50 km tính từ cửa sông để triển khai các giải pháp ứng phó khi có tình huống xảy ra. Tỉnh Trà Vinh cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo dõi dự báo, diễn biến nguồn nước của các cơ quan chuyên môn, xây dựng lịch thời vụ sản xuất phù hợp, vận động nhân dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt theo kế hoạch, khuyến khích lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp mùa vụ và ứng phó được với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình thủy lợi lấy, trữ nước hợp lý, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn... Qua đó, người dân đã tích cực, chủ động hơn trong việc chuẩn bị ứng phó hạn-mặn ngay từ đầu mùa khô.

Còn tại Bạc Liêu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vụ mùa khô 2023-2024. Theo đó, chỉ đạo đối với vùng sản xuất phía nam Quốc lộ 1A, do ảnh hưởng của El Nino có thể xảy ra nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn vào mùa khô tới, cần có giải pháp trữ nước ngọt trong hệ thống ao chứa để pha loãng độ mặn khi cần thiết. Đồng thời, người dân nuôi tôm nên hạn chế thả giống vào thời điểm cao điểm của mùa khô (tháng 4-5). "Ngành Nông nghiệp đã quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất và có giải pháp cụ thể cho từng vụ mùa", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Ngô Nguyên Phong nhấn mạnh.

Bảo đảm nước sinh hoạt và sản xuất

Để chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô tới, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đồng bằng sông Cửu Long có các giải pháp cụ thể, phù hợp từng địa phương để giảm thiệt hại, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của nhân dân, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay, các địa phương đồng thời cần tính đến giải pháp dài hạn, coi hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính thường xuyên của vùng để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế phù hợp điều kiện nguồn nước; đối với các dự án đang được đầu tư, xây dựng có mục tiêu phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, cần đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác, sử dụng ngay trong mùa khô 2023-2024.

Còn theo ông Tăng Đức Thắng, nguyên Viện trưởng Khoa học thủy lợi miền nam, các địa phương ven biển đồng bằng sông Cửu Long, năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt. "Kể cả năm nhiều nước trên sông Mê Công, thì vùng ven biển vẫn thiếu nước", ông nói. Trong khi đó, khu vực ven biển được cho là vùng kinh tế phát triển rất tốt, đa dạng các hoạt động sản xuất. Do đó, để giải quyết câu chuyện nước cho vùng này cần phải có dự án chuyển nước về. "Chúng tôi đã nghiên cứu sơ bộ, cần phải có những tuyến chuyển nước, tạm gọi là "đường cao tốc nước" để đưa nước từ đầu hệ thống (thượng nguồn) đến cuối hệ thống (hạ nguồn) nhằm giải quyết trong thời gian rất ngắn", ông Thắng cho biết. Theo khuyến nghị của ông, đó là tận dụng hệ thống sẵn có của những công trình để đẩy nước từ vùng ngọt xuống vùng ven biển nhằm chủ động hoàn toàn cho khu vực này của đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo ý kiến chuyên gia, hạn mặn đã lặp đi lặp lại, nên về lâu dài cần có quy trình xử lý và phải coi đó như trường hợp bình thường để xử lý. Quan điểm là thuận thiên, mà thuận thiên ở đồng bằng sông Cửu Long là thích nghi có kiểm soát, muốn vậy cần có các giải pháp công trình. Như cống Cái Lớn-Cái Bé đến thời điểm này rất thành công, vì thế, có thể sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đề xuất Chính phủ để làm thêm một số cống ngăn mặn ở một số cửa sông lớn khác để có vành bao ngoài tốt hơn, kiểm soát rộng hơn.

Cùng đó, các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân có nhận thức đầy đủ về tác động nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động có các giải pháp tích trữ nước, đặc biệt tích trữ nước hộ gia đình, và nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Nguồn: nhandan.vn