Thái Nguyên: Cánh đồng hết 'khát', nông dân hoan hỉ

2023.12.12 - 739 lượt xem

Việc đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn đã đóng góp tích cực đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là nâng cao chất lượng và sản lượng cây trồng.    

Dành nguồn lực, tạo cơ chế nâng cấp công trình thủy lợi

Thời gian qua, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của các công trình trong mùa mưa bão.

Theo chia sẻ của người dân xã Tân Quang, TP Sông Công, trước đây, hố thu nước của trạm bơm Đông Tiến nhỏ hẹp nên mỗi khi vào mùa vụ, việc bơm nước sẽ phải kéo dài nhiều ngày, làm ảnh hưởng đến khoảng 70 ha diện tích gieo cấy của người dân địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn (xóm Đông Tiến, xã Tân Quang, TP Sông Công), tháng 4/2023, thành phố đã đầu tư sửa chữa hố thu nước, kênh dẫn nước với kinh phí trên 570 triệu đồng. Cuối tháng 5/2023, công trình đã được đưa vào vận hành, giúp hoạt động sản xuất của bà con thuận lợi hơn.

Tính riêng từ năm 2022 đến nay, TP Sông Công đã đầu tư khoảng 8,5 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp 9 công trình thủy lợi tại các xã, phường. Riêng đối với các công trình kênh mương nội đồng, ngoài việc huy động sức dân tham gia xây dựng, địa phương đã thực hiện cơ chế hỗ trợ 40% giá trị công trình đối với các phường và 60% đối với các xã.

Từ năm 2022 đến nay, TP Sông Công đã đầu tư khoảng 8,5 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp 9 công trình thủy lợi tại các xã, phường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trước đó, giai đoạn 2019 - 2021, từ các nguồn vốn khác nhau, TP Sông Công cũng đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 40 công trình thủy lợi trên địa bàn. Điển hình như các công trình: Nâng cấp hồ Núc Nác (phường Châu Sơn); xây dựng mới trạm bơm nước La Cảnh 1, Na Giang (xã Bá Xuyên) và trạm bơm nước Bá Vân 4 (xã Bình Sơn); xây dựng mới, sửa chữa trên 20km kênh mương tại các xã, phường...

Đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây mới, nâng cấp công trình thủy lợi trong 3 năm

Hồ chứa nước Vân Hán là một trong những công trình thủy lợi lớn của huyện Đồng Hỷ. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án đầu tư, năm 2017, công trình được triển khai xây dựng, gồm các hạng mục chính là đắp đập, xây tràn xả lũ, nhà điều hành, đường ven hồ và hệ thống kênh mương… với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã được đưa vào sử dụng, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho hơn 300 ha đất nông nghiệp của xã Văn Hán và một số địa bàn lân cận.

Trong 10 năm 2010 - 2020, toàn huyện Đồng Hỷ đã kiên cố hóa được gần 45km kênh mương nội đồng; xây mới, sửa chữa, nâng cấp 43 công trình thủy lợi, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán, công trình được hoàn thành đã chấm dứt tình trạng "đồng ruộng khô khát" ở địa phương. Hồ Vân Hán hiện đã được tích nước và dẫn nước tưới cho 120ha lúa hai vụ, 50ha cây trồng vụ đông, 70ha chè, cây ăn quả, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân và chăn nuôi. Ngoài ra, công trình còn đóng vai trò cải tạo môi trường sinh thái, cắt lũ.

Còn tại xã Hóa Trung, năm 2021, công trình kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng xóm Làng Lậm và xóm Trung Thần với tổng mức đầu tư gần 1,9 tỷ đồng đã được hoàn thành. Công trình đảm bảo cung cấp nước tưới cho 85ha lúa của 2 xóm.

Nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã hình thành một số vùng sản xuất lúa tập trung, cánh đồng lớn. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Việc kiên cố hóa hệ thống công trình thủy lợi không chỉ giảm chi phí điện bơm nước, tiết kiệm nguồn nước tưới, tránh thất thoát gây lãng phí cho người dân mà còn giúp bà con còn chủ động được sản xuất trong từng mùa vụ”, ông Trần Đức Long, người dân xóm Trung Thần, cho hay.

Theo thống kê, riêng 3 năm 2020-2022, huyện được đầu tư hơn 30,7 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 20 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 23,5km kênh mương nội đồng.

Nguồn: nongnghiep.vn