Hà Nội: Đẩy mạnh xử lý vi phạm liên quan đến công trình thủy lợi

2023.12.12 - 547 lượt xem

Thời gian qua, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp và hành lang thoát lũ. Thực trạng này đòi hỏi ngành chức năng địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường xử lý những vi phạm trên.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9/2023, trên địa bàn thành phố phát sinh 196 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Các địa phương mới xử lý được 75 vụ; trong đó, có 30 vụ việc phát sinh trong năm 2023 và 45 vụ tồn từ trước năm 2023. Đến hết tháng 9/2023, các địa phương chưa xử lý 166 vụ xảy ra trong năm 2023, nâng tổng số vụ tồn đọng từ trước đến nay là 12.335 vụ. Địa phương để phát sinh nhiều vụ vi phạm là huyện Thường Tín với 51 vụ, huyện Phú Xuyên 49 vụ, huyện Sóc Sơn 40 vụ, huyện Chương Mỹ 27 vụ, huyện Ứng Hòa 21 vụ...

Hành vi vi phạm chủ yếu là cắm kè tre, cọc bê tông, đổ đất lấn chiếm dòng chảy để làm lều quán, chuồng trại chăn nuôi; tự ý làm cầu giao thông qua sông, kênh mương; cắm đăng đó, dựng vó bè, quây lưới chăn nuôi vịt trên sông... Những hành vi trên không chỉ làm co hẹp mặt cắt kênh, sông, cản trở dòng chảy ảnh hưởng đến năng lực dẫn, thoát nước mà còn gây khó khăn cho quản lý của doanh nghiệp thủy lợi mỗi khi nạo vét, tu bổ kênh mương...Những vi phạm chưa xử lý dứt điểm không chỉ cản trở dòng chảy, giảm dung tích trữ nước, mà còn đe dọa an toàn đập hồ gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn cư dân, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ du của các địa phương trong mùa mưa lũ...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương phải khắc phục ngay những hạn chế, ngăn ngừa, không để phát sinh vi phạm mới tại các công trình thủy lợi. 

Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, mặc dù các đơn vị quản lý, khai thác công trình đã phát hiện song chưa tích cực phối hợp đôn đốc các địa phương xử lý, dẫn đến trên địa bàn thành phố còn tồn đọng nhiều vụ việc vi phạm. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nhưng các tổ chức thủy lợi chưa có báo cáo riêng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Một số xã chưa ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính là không đúng quy định pháp luật hiện hành...

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương phải khắc phục ngay những hạn chế nêu trên và làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. Chủ tịch UBND cấp huyện, nhất là các địa phương phát sinh, tồn đọng nhiều vụ việc vi phạm, trực tiếp chỉ đạo xử phạt để giảm số vi phạm mới, tăng số vụ vi phạm được xử phạt...

Các tổ chức thủy lợi phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến người lao động; tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa, không để phát sinh vi phạm mới tại các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để các vụ vi phạm cũ tái diễn, mở rộng quy mô vi phạm... Công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần quyết liệt và tăng trách nhiệm hơn nữa trong quản lý, xử lý, bảo đảm an toàn công trình.

Thống kê mới đây của Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2018 đến đầu năm 2023, các đơn vị quản lý, khai thác đã phát hiện 56.978 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó, riêng năm 2022 phát sinh 5.388 vụ. Năm 2022, các vi phạm tập trung chủ yếu ở khu vực: Đồng bằng sông Hồng 2.182 vụ, chiếm 40,5% trên tổng số vụ vi phạm cả nước, miền núi phía Bắc 892 vụ, chiếm 16,6%, Đồng bằng sông Cửu Long 865 vụ, chiếm 16%. Các khu vực còn lại tình hình vi phạm ở mức từ 1,7% đến 11,2%.

Xử lý triệt để những vi phạm liên quan đến công trình thủy lợi góp phần đảm bảo nguồn nước, nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai tại các địa phương. Ảnh: VQ. 

Hình thức của các vi phạm rất đa dạng như xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, chuồng trại chăn thả gia súc, xây tường bao, xây dựng bến, bãi bốc dỡ hàng hóa; tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư phương tiện; đào ao nuôi trồng thủy sản; khai thác vật liệu xây dựng; trồng cây lâu năm, quản lý an toàn hồ chứa thủy lợi…

Bên cạnh đó là tình trạng vứt, xả rác thải, chất thải sinh hoạt, xả chất thải độc hại, nước thải của bệnh viện, nhà máy, nước thải các làng nghề chế biến nông lâm sản, nước thải sinh hoạt khu dân cư… chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn đổ vào nguồn nước trong hệ thống thủy lợi; ngâm tre, nứa, luồng, gỗ; giăng lưới, thả đăng đó, vó bè đánh thủy sản; trồng rau, thả bèo, vây ràng, lưới nuôi vịt, ngan, ngỗng dưới lòng sông, kênh dẫn; neo đậu tàu thuyền ở khu vực cửa cống lấy nước, tiêu nước...

Trong giai đoạn 2018 - 2022, các doanh nghiệp thuỷ lợi đã phối hợp cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố xử lý được 39.734 vụ (chiếm 69,74%); hiện cả nuóc còn tồn đọng 17.244 vụ (chiếm 30,26%). Riêng năm 2022 đã xử lý được 2.714 vụ (chiếm 50,37%), còn tồn đọng 2.674 vụ (chiếm 49,63%).

Nguồn: thiennhienmoitruong.vn