2023.12.12 - 742 lượt xem
Là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn chú trọng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, đầu tư hạ tầng thủy lợi xem là cái gốc để phát triển nông nghiệp bền vững.
Đồng Nai vẫn tích cực đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu.
Nếu nói giao thông là “đột phá” trong phát triển thương mại - dịch vụ, cơ sở hạ tầng thì thủy lợi cũng được xem là “cái gốc” để phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi thủy lợi phát triển sẽ góp phần rất lớn trong sản xuất thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, cùng với đó hệ thống thủy lợi chống ngập úng trong mùa mưa bão, đặc biệt là phòng, chống hạn hán...
Hồ thủy lợi Cầu Mới (tuyến VI) Long Thành. Ảnh: Trần Trung.
Theo ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt, BVTV và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 137 công trình thủy lợi với diện tích tưới tiêu khoảng trên dưới 60 ngàn ha. Trong đó, công ty khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh quản lý khoảng 24-25 công trình và hiện nay qua theo dõi các công việc quản lý vận hành thì cơ bản các đơn vị quản lý đã tập trung quản lý khai thác để làm sao phát huy được tối đa hiệu quả phục vụ các công trình thủy lợi về phục vụ sản xuất, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, đồng thời là phải lợi dụng khai thác tổng hợp các công trình thủy lợi và trong thời gian qua thì các công trình thủy lợi đều đáp ứng được các mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 18 hồ chứa, một số hồ chứa lớn như hồ Đa Tôn có dung tích khoảng trên 19 triệu khối, hồ Cầu Mới khoảng 21 triệu khối, hồ Sông Mây khoảng gần 14 triệu khối. Hiện nay cả 3 hồ chứa này đều đã và đang phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.
Không chỉ cung cấp nước sản xuất, hầu hết các hồ chứa tại Đồng Nai còn đảm nhiệm cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và phòng chống thiên tai. Ảnh: Minh Sáng.
Cụ thể, đối với hồ Đa Tôn trên địa bàn huyện Tân Phú dung tích 19,75 triệu khối hiện nay đang phục vụ khoảng 1.143 ha, bao gồm cả cấp nước cho sinh hoạt. Hiện công trình này vẫn đang hoạt động hiệu quả cấp nước phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Tân Phú, đồng thời cấp nước phục vụ cho sinh hoạt. Thời gian qua, Sở NN-PTNT cùng với công ty khai thác thủy lợi cũng có nhiều giải pháp để làm sao phát huy tối đa hiệu quả công trình, ngoài nội dung cấp nước thì còn tạo cảnh quan môi trường, nuôi trồng thủy sản phục vụ du lịch. Những nội dung này cũng đã và đang nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả của các công trình này để góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Tân Phú cũng như trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đối với hồ Sông Mây dung tích khoảng 13 triệu khối và trong thời gian qua cũng đã phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới thì tỉnh cũng có chủ trương sửa chữa nâng cấp vì qua nhiều năm phục vụ thì công trình Sông Mây này cũng đã xuống cấp. Sau khi sửa chữa nâng cấp, BQL hồ sẽ phối hợp với các địa phương làm sao để tạo được cảnh quan môi trường, thu hút nhà đầu tư, ngoài phục vụ sản xuất sẽ phục vụ nuôi trồng thủy sản hay phục vụ du lịch sinh thái.
Khoảnh khắc người dân dùng ngư cụ thô sơ đánh bắt cá trên lòng hồ Cầu Mới. Ảnh: Trần Trung.
Đối với công trình hồ Cầu Mới tuyến 6, huyện Long Thành, đây là công trình có dung tích lớn nhất của tỉnh. Trong thời gian qua, cùng với hồ tuyến 5 và đập suối cạn tạo thành hệ thống công trình thủy lợi, hiện nay năng lực phục vụ tưới là 1.200 ha và cấp nước công nghiệp là 136.000 m2/ngày. Trong thời gian qua việc phục vụ sản xuất cũng như cấp nước sinh hoạt đã được thực hiện và đang phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới, ngoài việc cấp nước cho nông nghiệp, sinh hoạt, sẽ tạo môi trường sinh thái du lịch cảnh quan phục vụ cho lợi ích tổng hợp, góp phần phát huy hiệu quả tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
“Hầu hết các công trình đều được xây dựng tại các vị trí trọng yếu, ở những khu vực trọng điểm, cao điểm thường xảy ra thiếu nước, hạn hán nên cơ bản cũng đã đáp ứng được theo năng lực thiết kế. Mặc dù chưa đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ khu vực nhưng hệ thống thủy lợi cũng đã góp phần nào trong việc chủ động nguồn tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trong thời gian tới Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương căn cứ quy hoạch thủy lợi của tỉnh đã được đã được duyệt, đồng thời sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi đến năm 2025 và những năm tiếp theo để đáp ứng các nguồn nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu vực trọng điểm thường xảy ra thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô”, ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt, BVTV và Thủy Lợi tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Tỉnh Đồng Nai tiếp tục đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, trọng tâm phát triển du lịch. Ảnh: Minh Sáng.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng phục vụ đa mục tiêu, trong đó ưu tiên phục vụ cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao, kết hợp nuôi trồng thủy sản, phục vụ du lịch, cấp nước thô phục vụ công nghiệp và dân sinh.
Đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai 36 dự án thủy lợi. Chú trọng công tác quản lý vận hành sau đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, khai thác từng bước hiện đại hóa công tác quản lý vận hành công trình. Khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, cấu kiện mới và công nghệ hiện đại trong xây dựng công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ quan và cảnh quan công trình.
“Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng mới 5 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế 6.980m3/ngày, cấp nước cho khoảng 20.310 người. Theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng 11 công trình với tổng công suất thiết kế 44.650m3/ngày, cấp nước cho khoảng 173.500 người. Đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động người dân đấu nối, lắp đặt các tuyến đường ống cấp nước, lắp đặt đồng hồ sử dụng nước thuộc các công trình cấp nước sạch hiện có trên địa bàn, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 các công trình phải đạt trên 70% công suất khai thác…”, ông Cao Tiến Sỹ nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn