Đại tu hệ thống thủy lợi để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới

2023.11.29 - 1057 lượt xem

Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Bình Định đã kiên cố hóa hàng ngàn km kênh mương nội đồng và sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi…

Làm mới những đập dâng rệu rã

Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng trong xây dựng nông thôn mới ở Bình Định giai đoạn 2021-2025; trong năm 2022 địa phương này đã thực hiện kiên cố được 79km kênh mương các loại; nâng tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động từ các công trình thủy lợi trên toàn tỉnh đạt 84,44% diện tích gieo trồng.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 106 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đạt tỷ lệ 93,8%. Cụ thể là các xã đạt chuẩn tiêu chí số 3 về “thủy lợi và phòng, chống thiên tai” phải đáp ứng các yêu cầu: tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động (từ 90% trở lên); có ít nhất 1 tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả, bền vững; tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (theo quy định của UBND cấp tỉnh); có 100% số công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm; thực hiện kiểm kê, kiểm soát các nguồn nước thải xả vào công trình thủy lợi; đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

Ngoài ra, để ổn định công tác cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở các vùng miền nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, góp phần cho các địa phương hoàn thành tiêu chí số 10, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bình Định còn vận dụng nhiều nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi.

Theo đó trong năm 2023, Bình Định triển khai nâng cấp 6 đập thủy lợi để đảm bảo an toàn vận hành, đặc biệt là để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ.

Đập dâng Thạnh Hòa 1 đang được sửa chữa, nâng cấp tại phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Hồ Nguyên Sĩ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Bình Định, trong năm 2023, đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện đầu tư xây dựng 19 danh mục dự án, công trình, bao gồm dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới với tổng nguồn vốn 1.190 tỷ đồng, trong đó có các đập dâng: Thạnh Hòa 1, Thuận Hạt, Thông Chín, Cây Bứa, Gò Chàm, Gò Đậu thuộc hệ thống thủy lợi Tân An- Đập Đá.

“Những đập dâng nói trên được sửa chữa, nâng cấp nhằm cải thiện năng lực cung cấp nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt và đặc biệt là nâng cao khả năng tiêu thoát lũ, đảm bảo công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ”, ông Sĩ chia sẻ.

Quan sát đập dâng Thạnh Hòa 1 đang được sửa chữa, nâng cấp tại phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), chúng tôi nhận thấy vị trí con đập mới nằm cách tim đập cũ khoảng 5,8m về phía hạ lưu. Công trình có tổng chiều rộng 107,2m với 7 cửa xả sâu, mỗi cửa rộng 12m. Theo ông Sĩ, sau khi hoàn thành, con đập này sẽ được vận hành bằng cửa van phẳng thép, đóng mở bằng hệ thống tời điện. Hai bên đập bố trí 2 khoang tràn tự do (mỗi khoang rộng 4m và 1 đường tràn vai trái rộng 16,2m), đỉnh đập bố trí cầu công tác kết hợp giao thông…

Công nhân của Công ty Cổ phần Xây dựng 47 thi công đập dâng Thạnh Hòa 1. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, đập dâng Thạnh Hòa 1 còn được đầu tư xây dựng hệ thống cống lấy nước bên vai phải, cống lấy nước vai trái, kè thượng lưu đập, hệ thống điện, lắp đặt thiết bị đo mưa, đo mực nước tự động và gắn camera giám sát để tự động hóa trong quá trình quản lý, vận hành.

“Tổng kinh phí đầu tư xây dựng mới đập dâng Thạnh Hòa 1 khoảng 95 tỷ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương giai đoạn trung hạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách tỉnh”, ông Hồ Nguyên Sĩ cho hay.

Cũng từ 2 nguồn vốn nói trên, Ban Quản lý dự án NN-PTNT Bình Định đồng thời đầu tư xây mới đập dâng Thuận Hạt nằm trên địa bàn khu vực Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn). Công trình có chiều rộng 46m với 3 cửa xả sâu ở giữa (mỗi cửa rộng 8m), vận hành bằng cửa van phẳng thép, đóng mở bằng hệ thống tời điện; hai bên bố trí 2 khoang tràn tự do mỗi khoang rộng 22m; đỉnh đập bố trí cầu công tác kết hợp giao thông.

Đứng trước công trình đập dâng Thuận Hạt được xây dựng mới với nhiều thiết bị hiện đại, ông Nguyễn Văn Nghĩa (46 tuổi) ở khu phố Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn), chia sẻ: “Mỗi năm khi vào mùa lũ, nước chảy qua thân đập dâng cao rất nhanh, hầu hết cây trồng ở phía dưới đập đều bị ngập sâu, thiệt hại nặng nhất là những ruộng mai cảnh. Bây giờ đập dâng Thuận Hạt được xây dựng mới, vận hành hiện đại sẽ giúp khả năng điều tiết lũ tốt hơn, đồng thời tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và giữ ổn định mạch nước ngầm trong vùng. Không những thế công trình còn giúp cho các giếng khoan của bà con đẫy nước, phục vụ sinh hoạt thoải mái”.

Vận hành đập chỉ cần… bấm nút

Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, những con đập trong hệ thống thủy lợi Tân An- Đập Đá hầu hết đều được xây dựng từ cách đây  50 đến 60 năm. Mức độ đầu tư xây dựng vào thời điểm ấy chưa đúng yêu cầu do vật tư khan hiếm, cộng thêm trình độ, kỹ thuật thi công còn hạn chế, nên qua thời gian dài khai thác nên đến nay hầu hết đã rệu rã, xuống cấp, vận hành mất ổn định.

Ví như đập dâng Thạnh Hòa 1 được xây dựng từ năm 1982 trên sông Tân An thuộc nhánh chính của sông Kôn, có nhiệm vụ tưới cho gần 3.726 ha đất nông nghiệp ở các xã Phước Hiệp, Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước An, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) và tiếp nước cho sông Hà Thanh để phục vụ cho các phường Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú (thành phố Quy Nhơn). Đập Thạnh Hòa 1 có 35 cửa, mỗi cửa rộng 2m đóng mở bằng ván phai. Hiện con đập này đã xuống cấp, có khẩu độ nhỏ không đảm bảo thoát lũ, thêm vào đó, do vận hành bằng thủ công nên thường gây ra tai nạn, nhất là trong những đợt lũ sớm và lũ muộn.

Đập dâng Thông Chín đang được sửa chữa, nâng cấp tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Tánh, trước đây, khi muốn đóng, mở cửa đập những công nhân thủy lợi dạng này công nhân phải “mướt mồ hôi” trong mưa gió mới "đánh vật" được với những tấm ván phai. Hai công nhân thủy lợi đứng 2 đầu tấm ván, dùng chiếc rìu cán dài đứng trên đập vói xuống cạy những móc sắt dùng để khóa những tấm ván phai dính vào với nhau, sau đó dùng sức người kéo tấm ván lên. Thao tác mở 35 cửa đập mất rất nhiều thời gian, nếu gặp trường hợp lũ từ thượng nguồn đổ xuống đột ngột, con đập sẽ không kịp điều tiết nước. Bình thường, những tấm ván phai không khít với nhau, giữa 2 tấm ván có khoảng trống, nên công nhân thủy lợi phải chèn vào khoảng trống ấy đất hoặc cát để tránh nước rò rỉ, gây khó khăn cho công tác điều tiết nước.

“Các công trình thủy lợi được hiện đại hóa thì việc quản lý, vận hành sẽ được thuận lợi hơn. Cửa đập bây giờ không phải là những tấm ván phai nữa mà đã được thay thế bằng những cửa van phẳng thép, đóng mở bằng hệ thống tời điện, chỉ cần bấm nút là các tấm cửa kéo lên hạ xuống rất nhanh. Khi những con đập mới đi vào vận hành, công nhân thủy lợi sẽ thoát nỗi ám ảnh đứng trên thân đập vói người mở những tấm ván phai trong điều kiện mưa lũ tơi bời. Mùa lũ năm 2017 đã xảy ra sự cố đáng tiếc tại đập Thạnh Hòa là có 1 công nhân thủy lợi trong lúc vận hành đập bị trượt chân rơi xuống bị dòng lũ cuốn trôi thiệt mạng”, ông Nguyễn Văn Tánh chia sẻ.

Trong năm 2023, Bình Định nâng cấp 6 đập thủy lợi để an toàn vận hành, đảm bảo công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong năm 2024, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục triển khai tiếp 12 công trình thuộc dự án sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp giai đoạn 2021-2025, gồm các hồ: Hải Nam, Hóc Thánh (huyện Tây Sơn), Suối Cầu (huyện Vân Canh), Đá Bàn, Giàn Tranh, Nhà Hố (huyện Phù Mỹ), Cây Điều, Hóc Hảo, Đồng Quang (huyện Hoài Ân), Cây Thích, Đá Vàng (huyện Tuy Phước), Chánh Hùng (huyện Phù Cát).

Những hồ chứa nước nói trên sẽ được trang bị thiết bị quan trắc để đảm bảo an toàn hồ chứa, cải thiện các công năng thiết kế và điều kiện vận hành của đập. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ vỡ đập, bảo vệ người và tài sản ở hạ lưu công trình; đảm bảo cấp nước tưới ổn định lâu dài cho đất sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững”, ông Hồ Nguyên Sĩ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Bình Định, chia sẻ.

Nguồn: nongnghiep.vn