Xây đập dâng sông Hồng: Tham vấn chuyên gia đầu ngành thủy lợi trên thế giới

2023.11.27 - 1161 lượt xem

Nghiên cứu xây đập dâng sông Hồng cần đặc biệt quan tâm đến đánh giá tác động môi trường của dự án, quy hoạch giao thông thủy, tuyệt đối đảm bảo hành lang thoát lũ...

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu, đại diện Cục Thủy lợi khi trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin về quá trình chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng đập Xuân Quan và đập Long Tửu trên sông Hồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu, đại diện Cục Thủy lợi cung cấp thông tin về quá trình chuẩn bị dự án đầu tư 2 đập dâng Xuân Quan và Long Tửu. Ảnh: Minh Phúc.

Cụ thể hóa giải pháp đập Xuân Quan, đập Long Tửu trong quy hoạch quốc gia

Thưa ông, cách đây khoảng 3 tháng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã yêu cầu Cục Thủy lợi chuẩn bị tài liệu, nghiên cứu tiền khả thi và triển khai sớm công trình đập dâng sông Hồng tại vị trí khu vực 2 cống Xuân Quan và Long Tửu, và cố gắng để 2026 có thể khởi công được dự án này. Vậy đến nay, công tác chuẩn bị đã được Cục Thủy lợi phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong danh mục công trình của quy hoạch có đập Xuân Quan, đập Long Tửu.

Hiện Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo triển khai xây dựng Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2022 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa giải pháp đập Xuân Quan, đập Long Tửu trong quy hoạch quốc gia về nhiệm vụ, vị trí, quy mô, các thông số thiết kế của công trình, khả năng dâng cao đầu nước, khả năng đáp ứng yêu cầu lấy nước của các công trình thủy lợi hai bên sông Hồng, nghiên cứu tính toán các tác động đến dòng chảy, thoát lũ, khả năng ngập các bãi, kết hợp giao thông thủy, môi trường, sinh thái… và sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để xem xét đầu tư xây dựng công trình.

Đối với một dự án quan trọng như xây dựng đập dâng trên sông Hồng, thì việc lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cần được thực hiện kỹ lưỡng, từ đó chúng ta có cái nhìn đa chiều về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Vậy, Cục Thủy lợi đã, đang và sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

Hiện tại việc xây dựng đập dâng trên sông Hồng đang được nghiên cứu trong Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2022 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài đập Xuân Quan, đập Long Tửu còn có thêm các đập khác.

Lòng dẫn sông Hồng bị tụt sâu do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác cát. Nhiều trạm bơm dọc sông bị 'treo', không thể lấy nước vào hệ thống. Ảnh: Minh Phúc.

Trong quá trình lập quy hoạch, đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch Thủy lợi) đã đề xuất phương án các công trình trên dòng chính sông Hồng - Thái Bình và tổ chức hội thảo xin ý kiến các đơn vị liên quan trong Bộ NN-PTNT và các chuyên gia vào tháng 9/2023.

Sau đó đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, chuẩn bị tổ chức hội thảo vào cuối năm 2023 để xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và các địa phương trong lưu vực (trong đó có phương án xây dựng đập dâng trên sông Hồng).

Dự kiến sang năm 2024, song song với việc tổ chức hội thảo, Cục Thủy lợi sẽ xin ý kiến Bộ cho lập dự án đầu tư để đánh giá tính khả thi của công trình đập dâng trên dòng chính, xin ý kiến một cách thận trọng, kỹ lưỡng, xem xét, đánh giá đầy đủ các tác động (tích cực, tiêu cực) để có thể triển khai, thực hiện.  

Sẽ tham vấn chuyên gia thủy lợi của Hà Lan, Pháp, Brazil...

Thưa ông, tiềm lực khoa học công nghệ và kỹ thuật trong nước như hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu để đầu tư xây dựng đập dâng trên sông Hồng hay chưa? Và để có thể xây dựng được đập dâng trên sông Hồng trong trung hạn 2026 – 2030, thì những bước tiếp theo chúng ta cần triển khai là gì?

Về tiềm lực khoa học công nghệ và kỹ thuật trong nước hiện nay hoàn toàn đủ điều kiện để xây dựng các đập dâng trên sông Hồng. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ đã đầu tư rất nhiều đập ngăn sông có quy mô lớn như đập Văn Phong, Ba Lai, Cần Chông, Láng Thé, Xẻo Rô, Thảo Long, Bara Đô Lương…

Đặc biệt là Bộ NN-PTNT đã đầu tư xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt kết hợp cầu giao thông Cái Lớn – Cái Bé; cống Cái Lớn gồm 11 khoang cống  và 1 âu thuyền với tổng chiều rộng thông thủy 455m. Hiện tại, đây là công trình lớn nhất Đông Nam Á do Việt Nam thiết kế và thi công.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ tham vấn một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thủy lợi ở trong nước và trên thế giới như Hà Lan, Pháp, Brazil…

Công trình đập dâng trên sông Hồng (đập Xuân Quan, Long Tửu) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để xây dựng các đập dâng trên sông Hồng trong trung hạn 2026-2030, các bước triển khai tiếp theo sẽ phải thực hiện theo đúng trình tự được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Luật có liên quan.

Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến đánh giá tác động môi trường của dự án; sự phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch giao thông thủy, giao thông bộ của các tỉnh có liên quan (trong trường hợp có kết hợp cầu giao thông với đập dâng) cũng như đảm bảo tuyệt đối về an toàn các tuyến đê và hành lang thoát lũ.

Bộ NN-PTNT đang cân đối nguồn vốn chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2026-2030 để tuyển chọn đơn vị tư vấn nghiên cứu đánh giá giai đoạn báo cáo tiền khả thi của dự án, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: nongnghiep.vn