2023.11.15 - 1030 lượt xem
Hệ thống thủy lợi dần được kiên cố, hiện đại đã đảm bảo tưới chắc cho 85% các xứ đồng ở Tuyên Quang, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Hiện nay các hồ chứa thủy lợi lớn ở Tuyên Quang đã và đang thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; bảo vệ mùa màng, diện tích sản xuất và sinh kế của bà con. Đồng thời các công trình thủy lợi cũng có vai trò quan trọng trong việc phòng chống lũ, cân bằng hệ sinh thái.
Ông Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay toàn tỉnh có gần 2.900 công trình thủy lợi cấp nước phục vụ sản xuất cho 41.700ha đất nông nghiệp. Trong đó có 26 công trình lớn, 52 công trình vừa và 2.800 công trình nhỏ. Tổng chiều dài hệ thống kênh tưới gồm 3.892km, trong đó kênh đã kiên cố 3.058km. Tính đến năm 2023, tỷ lệ tưới chắc cho lúa bằng công trình thủy lợi đạt trên 85% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.
Từ năm 2020 đến nay tỉnh đã thực hiện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp được 150 công trình thủy lợi. Với sự thay đổi không ngừng, ngành thủy lợi của tỉnh Tuyên Quang đang ngày càng đổi mới và phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tưới tiêu của người nông dân.
Bên cạnh những thuận lợi thì ngành thủy lợi của Tuyên Quang cũng còn những khó khăn tồn tại nhất định. Như tại một số địa phương hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo tưới chắc cho các xứ đồng. Nhiều công trình được xây dựng lâu năm đã xuống cấp cần được duy tu bảo dưỡng. Hay hiện nay tại một số địa phương có tình trạng người dân xâm lấn vào phạm vi các công trình thủy lợi, gây ra khó khăn trong công tác quản lý vận hành.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương cho biết, đến nay các công trình thủy lợi trên địa bàn xã về cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu sản xuất cho hơn 80% các xứ đồng. Tuy nhiên, có 2 công trình đang bị xuống cấp cần được duy tu bảo dưỡng là công trình đập Cây Trâm 1 và phai tràn tại thôn Cầu Đá.
Theo Ban Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 417 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn chưa được bố trí kinh phí để sửa, chữa nâng cấp, ước kinh phí thực hiện là hơn 524 tỷ đồng, nhưng chưa bố trí được kinh phí. Do vậy, đây là một trong những khó khăn, thách thức trong việc duy trì và phát triển các công trình thủy lợi.
Các công trình thủy lợi ở Tuyên Quang đảm bảo tưới chắc cho hơn 85% diện tích lúa tại các địa phương. Ảnh: Đào Thanh.
Ông Hoàng Đức Trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Tuyên Quang cho biết, bảo vệ các công trình, Ban thường xuyên chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra, hướng dẫn các Ban Quản lý công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình được giao trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ vào trước, trong và sau mùa mưa lũ.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra hướng dẫn, các Ban cơ sở chủ động cân đối, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn kinh phí hợp pháp khác để tổ chức sửa chữa, khắc phục đối với những công trình hư hỏng nhỏ nhằm đảm bảo công trình an toàn và cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất của nhân dân. Đối với những công trình hư hỏng lớn, vượt quá khả năng kinh phí phải tổng hợp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư để báo cáo, đề xuất UBND cấp xã gửi văn bản báo cáo UBND cấp huyện để tổng hợp, báo cáo Sở NN-PTNT.
Phát huy hiệu quả, tích hợp đa giá trị các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới, ngành NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo khuyến khích đẩy mạnh khai thác hồ chứa theo hướng đa mục tiêu, vừa phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển nghề nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái nông thôn; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý, vận hành đảm bảo hồ phát huy hiệu quả bền vững.
Tuy nhiên việc thực hiện kết hợp phát triển đa mục tiêu cũng phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Cụ thể các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, thể thao, kinh doanh, dịch vụ... phải phù hợp với Quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt và thực hiện cấp giấy phép theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi và Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27/6/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP.
Nguồn: nongnghiep.vn