Nam Định: Giải pháp phát triển đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi

2023.11.14 - 888 lượt xem

Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và nguồn lực từ các chương trình, dự án cùng với nỗ lực của địa phương, tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) đồng bộ, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhờ vậy đã giảm thiểu hậu quả do tác động của thiên tai, hạn chế những thiệt hại đáng tiếc xảy ra do bão lũ, năng suất sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi đã tăng lên rõ rệt, đời sống của người dân từng bước được nâng cao.

Cống Ngô Đồng (Giao Thuỷ) được trang bị các thiết bị đo độ mặn, mực nước tự động và ứng dụng xi lanh thuỷ lực để đóng, mở cánh cống. 

Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 hệ thống CTTL gồm các hệ thống thuỷ nông: Bắc Nam Hà; Nam Ninh; Xuân Thuỷ; Hải Hậu và Nghĩa Hưng do 7 Công ty TNHH một thành viên khai thác CTTL trực thuộc tỉnh quản lý, khai thác công trình từ đầu mối đến điểm giao nhận; còn lại do các xã, HTX quản lý khai thác. Số lượng CTTL trên địa bàn tỉnh gồm 340 cống dưới đê các loại; 798 trạm bơm với tổng công suất 2,3 triệu m3/giờ; khoảng 46 nghìn CTTL nội đồng (cống, đập điều tiết, xi phông, cống luồn) và trên 15 nghìn km kênh mương các cấp. Thời gian qua, các Công ty khai thác CTTL tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống như: tu bổ, sửa chữa công trình, máy móc, thiết bị; nạo vét kênh mương và kiên cố hóa kênh mương, công trình trên kênh; đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, trạm bơm để nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống công trình. Đến nay, hầu hết diện tích canh tác trên địa bàn tỉnh đã được hệ thống CTTL phục vụ tưới tiêu chủ động hoàn toàn trong điều kiện thời tiết bình thường. Hàng năm, thực hiện Chỉ thị phát động chiến dịch thủy lợi nội đồng của UBND tỉnh, các công ty khai thác CTTL phối hợp với các địa phương rà soát hiện trạng hệ thống công trình từ đầu mối đến mặt ruộng, xây dựng kế hoạch tu bổ sửa chữa; bình quân mỗi năm tổng khối lượng đào đắp của toàn tỉnh đạt trên 2 triệu m3 đất. Một số công ty khai thác CTTL đã đi đầu trong việc đầu tư các trang thiết bị ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi như: đo mặn tự động; đóng tự động các cống đầu mối trên đê sông, đê biển; đo mực nước tự động; đo mưa tự động... Cụ thể, ở hệ thống thuỷ nông Xuân Thuỷ đã lắp đặt hệ thống đo mực nước, độ mặn tự động tại 11 cống trên triền sông Hồng; hệ thống đóng cống tự động tại cống Tài; hệ thống đo mưa tự động tại cống Cồn Nhất, Ngô Đồng, Hạ Miêu; vận hành cửa van cống bằng xi lanh thủy lực tại cống Ngô Đồng… đảm bảo theo dõi đo mực nước, độ mặn kịp thời do đó tối ưu trong quản lý vận hành các cống thuộc địa bàn huyện Giao Thủy. Bên cạnh đó tỉnh đã lắp đặt các trạm đo mưa tự động trên địa bàn các huyện, thành phố, qua đó đã nâng cao năng lực dự báo, quản lý vận hành hệ thống CTTL.

Kiên cố hóa kênh Láng 10, xã Xuân Đài (Xuân Trường).

Việc đầu tư phát triển hệ thống CTTL đã phục vụ tưới, tiêu chủ động hoàn toàn cho toàn bộ các diện tích canh tác gồm 73 nghìn ha lúa, gần 9.000ha rau màu, trên 15,8 nghìn ha nuôi trồng thủy sản…; tạo điều kiện cho các địa phương chủ động chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai (PCTT), ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các hệ thống CTTL cũng bộc lộ những bất cập, tồn tại như: hầu hết các trạm bơm điện được xây dựng và đưa vào vận hành phục vụ sản xuất đã lâu năm, bị xuống cấp, thiết bị máy móc hư hỏng nhiều, hiệu suất bơm thấp mà chưa được cải tạo, nâng cấp. Các cửa cống, các kênh tưới, tiêu bị bồi lắng nhưng do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho nạo vét còn hạn chế. Đội ngũ quản lý khai thác CTTL của các địa phương còn hạn chế về số lượng, cơ bản chưa được đào tạo đầy đủ các kiến thức về thủy lợi. Theo phân cấp quản lý CTTL của tỉnh, các địa phương quản lý CTTL từ điểm giao nhận đến mặt ruộng, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên công tác tu bổ, sửa chữa, nạo vét khơi thông dòng chảy chưa đảm bảo yêu cầu. Với đặc thù là vùng ven biển, chịu ảnh hưởng mạnh của xâm nhập mặn, nhất là vào mùa kiệt, mặn xâm nhập sâu vào cửa sông nên công tác lấy nước phục vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Vùng phía bắc tỉnh tưới tiêu hoàn toàn bằng động lực, trong đó một số khu vực sử dụng nước từ kênh tiêu bị ô nhiễm để tưới nên chất lượng nước phục vụ sản xuất không đảm bảo. Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ CTTL vẫn còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Hơn nữa, việc vi phạm lấn chiếm mặt cắt kênh diễn ra ở các xã với mọi hình thức, đặc biệt là những kênh đi qua vùng thị trấn, khu dân cư. Trong khi đó một số địa phương chưa quan tâm sát sao trong giải quyết, ngăn chặn vi phạm nên năng lực chuyển tải nước của kênh giảm gây ảnh hưởng đến yêu cầu phục vụ sản xuất…

Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành NN và PTNT tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống CTTL đồng bộ phù hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong đó tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CTTL nhỏ, thủy lợi nội đồng nhằm tăng tỷ lệ diện tích được cấp nước, khả năng tiêu thoát nước của hệ thống CTTL. Từng bước hiện đại hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự động hóa trong công tác quản lý, khai thác CTTL. Thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; tổ chức các lớp đào tạo lại theo định kỳ tại các địa phương về các lĩnh vực có liên quan trong công tác thủy lợi, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên cập nhật được cơ chế, chính sách, chuyên môn kỹ thuật mới. Đề xuất xây dựng, sửa đổi cơ chế chính sách về huy động nguồn lực, cơ chế phân bổ, cơ chế lồng ghép, phối hợp để nâng cao hiệu quả triển khai chương trình về thủy lợi. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện phù hợp với Luật PCTT và yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra. Về nâng cao năng lực quản lý hệ thống CTTL và đê điều, ngành NN và PTNT tiếp tục cập nhật các kịch bản, tác động của BĐKH đến hệ thống CTTL, đê điều để đề xuất các giải pháp thích ứng và giảm thiểu. Có kế hoạch, kịch bản nhằm sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng do thiên tai. Thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Bổ sung trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ; nâng cao năng lực của lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn; bổ sung trang thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp giúp các địa phương ứng phó, hạn chế tác động xấu của BĐKH đến một số ngành và lĩnh vực chủ yếu, nhất là sản xuất lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và an toàn đê biển. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình, ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn./.

Nguồn: baonamdinh.vn