Những công trình nâng vị thế ngành Thủy lợi Việt Nam

2023.08.28 - 1307 lượt xem

Trong nhiệm kỳ (2016 – 2021) vừa qua, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt và bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng những “siêu công trình” thủy lợi, phục vụ đa ngành, đa mục tiêu.

“Thủy lợi đi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó”, những hệ thống công trình thủy lợi kỳ vĩ được hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác trong giai đoạn vừa qua đã phát huy công năng rất lớn trong việc trữ nước tạo nguồn, kiểm soát, cân bằng tài nguyên nước phục vụ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, hồi sinh những vùng đất khô cằn, góp phần phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Những công trình thủy lợi với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng giống như đòn bẩy tạo nên sức bật phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của địa phương, vùng miền, có thể kể đến như: hồ Bản Lải (Lạng Sơn), hồ chứa nước Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) và hệ thống Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang), hồ Ea H’leo (Đắk Lắk)…

Đó không đơn thuần là khối tài sản vô giá của quốc gia để lại cho hậu thế mai sau, mà còn là niềm tự hào của ngành thủy lợi; là cuộc “cách mạng” chuyển đổi tư duy, phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, “biến nguy thành cơ”, biến bất lợi thành lợi thế, vừa giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách vừa có tính lâu dài. Qua đó, ngành Thủy lợi phục vụ đắc lực tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.

Phía sau mỗi công trình thủy nông kỳ vĩ là những câu chuyện thú vị về chuỗi ngày dài ngày “vượt nắng thắng mưa” biết bao gian lao, vất vả nhưng rất đỗi hào hùng.

Ai đã từng đặt chân đến vùng đất Ninh Thuận đều cảm nhận được sự khắc nghiệt của vùng xavan của Việt Nam với lượng mưa ít nhất cả nước.

Tại các huyện khô khát Ninh Sơn, Phước Sơn, Bác Ái, vào mùa khô (kéo dài từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau), hàng chục nghìn hộ dân phải vật vã để tìm kiếm nước sinh hoạt. Nhiều vùng đất ruộng nứt nẻ, khô khốc, bà con đành bỏ ruộng hoang bởi chẳng cây trồng nào sống nổi. Ngay cả loài cừu là vật nuôi chịu khô hạn tốt nhất cũng phải gục ngã bên những đồng cỏ cháy khô vì đói và khát.

Để “giải hạn” cho tỉnh Ninh Thuận, Bộ NN-PTNT đã cử các chuyên gia tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng đập dâng trên sông Cái để tạo hồ trữ nước vào mùa mưa, phục vụ tưới vào mùa khô.

Đây là con đập bê tông dài nhất Việt Nam với tổng chiều dài đập chính và các đập phụ là 2.770m (dài gấp 3 lần đập thuỷ điện Sơn La).

Công trình đập Tân Mỹ bắt đầu thi công từ tháng 6/2019 đến khoảng tháng 12/2020 là hoàn thành, khối lượng đổ bê tông hơn 900.000m3. Đó là kỷ lục rất lớn của ngành thủy lợi. Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cũng là công trình đầu tiên của Việt Nam được đầu tư hệ thống dẫn nước bằng ống áp lực cao để phục vụ tưới cho vùng hạ du.

Đặc biệt, ống có đường kính lên tới 2m, tổng chiều dài 30.000m, chịu được áp lực rất lớn. Giải pháp đường ống dẫn nước là hình mẫu cho công tác quản lý vận hành tự động hóa, hiện đại hóa trong các giai đoạn đầu tư tiếp theo để hoàn thiện dự án. Kênh bằng ống kín rất phù hợp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Đây cũng là hệ thống liên hồ chứa (gồm 4 hồ: Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh) đầu tiên của Việt Nam. Việc đầu tư dự án có những tư duy đột phá về giải pháp thủy lợi chuyển nước từ Lâm Đồng (nơi có lượng mưa nhiều) về Ninh Thuận tại hồ chứa Sông Cái để cấp nước trực tiếp cho vùng dự án, cấp bổ sung cho các hồ còn thiếu nước trong khu vực tạo thành kết nối mạng hồ chứa.

Thậm chí, hệ thống có thể dẫn nước ra tận vùng Nam Cam Ranh – Khánh Hòa. Ngoài hơn 7.400ha được tưới trực tiếp, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ còn cấp nguồn bổ sung cho hệ thống thủy nông Nha Trinh – Lâm Cấm để đảm bảo tưới đủ nước cho 12.800ha.

Năm 2017, một hồ chứa nước quan trọng đặc biệt tại “khúc ruột” miền Trung được hoàn thành, đó là hồ Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) với dung tích chứa 775 triệu m3.

Lúc thực hiện dự án có hai quan điểm khác nhau. Phương án thứ nhất định hình từ thời Pháp, làm đập Cẩm Trang trên sông Ngàn Sâu ở huyện Đức Thọ hoặc là một vị trí khác.

Tuy nhiên, nếu làm đập Cẩm Trang trên sông Ngàn Sâu thì diện tích ngập thường chuyên chịu ngập lụt do mưa lũ gây ra tại hai huyện Hương Khê và Vũ Quang khoảng 1.000ha, số hộ dân phải di dời cũng khoảng 1.000 hộ. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cực lớn (hơn 1.300 tỷ đồng).

Phải mất hơn 1 năm tìm kiếm, khảo sát, đo đạc, tính toán hiệu quả kinh tế, cuối cùng Bộ NN-PTNT đã quyết định không xây dựng đập trên sông Ngàn Sâu, thay vào đó nước từ hồ Ngàn Trươi được xả qua cống lấy nước số 1 xuống sông Ngàn Trươi. Phía dưới công trình đầu mối Ngàn Trươi sẽ xây dựng đập dâng tạo thành một hồ chứa nằm trong lòng sông Ngàn Trươi. Từ đây, xây dựng kênh chính dẫn thẳng nước từ đập dâng về sông Ngàn Sâu.

Sơ đồ dẫn thẳng là phương án được sự nhất trí cao của nhiều chuyên gia đầu ngành thủy lợi, các nhà quản lý Trung ương và địa phương, bởi dự án chỉ cần di dời trên 100 hộ dân thay vì di dời 1.000 hộ; diện tích đất lúa chỉ bị mất 100ha hay vì 1.000ha, kinh phí cũng giảm được 800 tỷ đồng.

Rồi đến hệ thống kênh dẫn. Gần hai năm trời họp hành thảo luận chỉ để thống nhất theo trường phái xây dựng kênh chìm hay kênh nổi. Làm kênh chìm theo kiểu cổ điển thì chi phí rẻ nhưng vô hình chung sẽ trở thành những con đê ngăn nước và không thể phân vùng lũ. Làm kênh nổi sẽ giải quyết được bài toán này nhưng chi phí xây dựng sẽ cao hơn và kỹ thuật thi công phức tạp hơn rất nhiều.

Đó là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng. Cuối cùng, Bộ NN-PTTN đi đến quyết định, phương án nào giúp nhân dân hưởng lợi nhiều hơn thì làm. Đó là tiền đề cho sự hình thành hệ thống kênh nổi có thiết kế đặc sắc, với hệ thống cầu máng vận chuyển nước 50m3/s hiện đại nhất Việt Nam đi qua vùng phân lũ trũng thấp.

Năm 2009, sông Ngàn Trươi chính thức bị chặn dòng để thi công đắp đập đất. Nhưng, khổ nỗi, thời điểm khởi công vào đúng mùa mưa. Phải mất 2 năm mới gom đủ 2,8 triệu khối đất để thi công đắp đập. Năm 2017, công trình cơ bản hoàn thành và bắt đầu tích nước để phục vụ tưới tiêu, cắt lũ một năm sau đó.

Hồ Ngàn Trươi được Thủ tướng Chính phủ xếp loại công trình đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt bởi nó có khả năng cắt giảm lũ cho hạ du, nhất là các vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang, cấp nước tưới cho 32.585 ha ở các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Thị xã Hồng Lĩnh… Ngoài ra hồ Ngàn Trươi còn cung cấp nguồn nước nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và cải tạo môi trường sinh thái, phát triển du lịch. Đây cũng là đập đất thuỷ lợi cao nhất Việt Nam với đập chính có cao trình đỉnh đập 57,8m, chiều cao tối đa 64,8m, dài 363m.

Nếu hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang là “siêu công trình” thuỷ lợi của miền Trung trong giai đoạn vừa qua, thì hồ chứa nước Bản Lải (tỉnh Lạng Sơn) là công trình trọng điểm của Bộ NN-PTNT ở vùng miền núi phía Bắc với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 3.000 tỷ đồng, hoàn thành vượt tiến độ 8 tháng. Đây là công trình đa mục tiêu, giúp cắt giảm lũ cho thành phố Lạng Sơn và khu vực phụ cận, cấp nước tưới cho trên 2.000 ha. Công trình cũng tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho trên 122.000 người và cấp nước cho công nghiệp quy mô 35.470 m3/ngày đêm, kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát điện.

Từ năm 1967, các chuyên gia thuỷ lợi đã khảo sát địa hình, địa chất để lên phương án tuyến xây dựng hồ chứa nước Bản Lải trên sông Kỳ Cùng. Tuy nhiên, sau 3 năm khoan thăm dò để lên phương án tuyến, dự án bị “treo lơ lửng”, một phần vì không có vốn để làm, một phần vì không dám làm bởi địa chất ở vị trí xây đập quá phức tạp, chủ yếu là loại đá phiến sét hoặc đá phiến cát. Không những thế, để đắp được một cái đập mấy chục triệu m3 đất thì tất cả cánh đồng xung quanh Bản Lải phải bóc hết đất mới đủ.

Phải chờ một nửa thế kỷ, công trình này mới được tái khởi động, bởi tình trạng ngập lụt ở thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) ngày càng trầm trọng do lũ trên sông Kỳ Cùng gây ra. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhất định phải xây dựng đập cao trên sông Kỳ Cùng để có dung tích trữ lũ, chống lụt cho hạ du.

Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng để khai thác đất đắp đập không khả thi nên buộc phải khảo sát lại để thay đổi phương án tuyến, xây đập bằng bê tông đầm lăn. Cuối cùng, may mắn là chúng ta đã tìm được “vị trí vàng” xây đập ở cao độ lớn hơn.

Nhờ ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn để xây dựng đập, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ 8 tháng. Công trình đầu mối hồ Bản Lải được khởi công từ tháng 10/2018, đến đầu năm 2021, hạng mục công trình chính là đập đầu mối đã hoàn thành, vượt tiến độ 8 tháng so với kế hoạch, bước đầu giúp điều tiết lũ cho khu vực hạ du hiệu quả, an toàn.

Vùng hưởng lợi từ công trình gồm các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn. Tổng diện tích sử dụng đất thực hiện dự án giai đoạn 1 là 1.513 ha; hồ có dung tích 164,3 triệu m3 nước, là một trong những hồ chứa nước lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Cùng với việc đầu tư hệ thống kênh dẫn nước, hồ Bản Lải đang tạo ra sự thay đổi to lớn trong đời sống của người dân cũng như giúp chính quyền hoạch định thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Lạng Sơn.

Mặc dù công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng UBND huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) đã quy hoạch các xã: Sàn Viên, Khuất Xá, Tú Đoạn, Tĩnh Bắc khu vực quanh hồ và hạ lưu công trình với diện tích 1.000 ha để thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái hồ Bản Lải. Hiện đã có một số nhà đầu tư xin khảo sát lập dự án tại khu vực này, mục tiêu hướng đến là kết nối với dự án khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn, Cửa khẩu Chi Ma, hình thành chuỗi phát triển du lịch mang bản sắc riêng của huyện Lộc Bình.

Tây Nguyên là vùng cây ăn quả, cây công nghiệp trù phú của cả nước. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác chủ động tưới tiêu từ các công trình thuỷ lợi mới chỉ đạt khoảng 40%, còn lại hầu như phụ thuộc vào nguồn nước trời. Tại Đắk Lắk, vào mùa khô, hàng nghìn hecta cà phê, hồ tiêu bị khô héo vì nắng hạn kéo dài trong khi nguồn nước tưới đã cạn kiệt. Các xã Ea H’leo, Ea Ral và Ea Sol phía Bắc của huyện Ea H’leo thiếu nước trầm trọng, nhiều diện tích phải bỏ hoang hoặc năng suất cây trồng thấp, thậm chí nước sinh hoạt cũng không đủ phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân nơi đây.

Để giải hạn cho vùng đất này, năm 2017 Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đầu tư xây dựng Dự án Hồ chứa nước Ea H’leo với dung tích thiết kế 25,51 triệu m3. Đây không phải là công trình lớn so với các hệ thống đại thuỷ nông được xây dựng trong giai đoạn 2016 – 2022 nhưng được thiết kế vô cùng đẹp mắt với đập bê tông dài 312m, chiều cao lớn nhất 59m, tràn xả lũ dài 56m. Ngoài ra còn hai đập đất phía vai trái và bờ phải đập bê tông (chiều dài mỗi đập xấp xỉ 300m). Khu quản lý công trình đầu mối còn được thiết kế cảnh quan cây xanh và vườn hoa tuyệt đẹp, tạo nên không gian thơ mộng. Để người dân vãn cảnh và thúc đẩy du lịch, dự án đã xây dựng cả tuyến đường dân sinh quanh hồ.

Khi đưa vào vận hành, hồ chứa sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000ha cây trồng và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 10.000 người dân trong vùng dự án. Giờ đây, hồ Ea H’Leo sẽ vận hành để điều tiết sông Ea H’Leo, cấp nước tưới ổn định cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao của vùng, từ đó sẽ tạo nên những vùng chuyên canh lớn về cây trồng, giúp cải thiện sinh kế cho người dân. Dự án hoàn thành cũng cấp nước phục vụ dân sinh, chăn nuôi, công nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Ea H’Leo.

Giờ đây, miền đất Tây Nguyên đầy nắng và gió lại có dịp được đón chào hàng ngàn lượt du khách đến khám phá vẻ đẹp đầy mới lạ của cánh đồng quạt gió Ea H’leo và hồ chứa nước Ea H’leo trong xanh.

Với người dân Đắk Lắk, hồ Ea H’leo không đơn thuần là công trình thuỷ lợi mà còn là một kiệt tác kiến trúc độc đáo, một nét chấm phá cho cho vùng đất đỏ bazan đang khát khao vươn mình mạnh mẽ.

Trước đó, năm 2018, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn năm 2030, định hướng đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện quy hoạch khoảng 103.224 tỷ đồng; trong đó cấp nước 94.339 tỷ đồng; tiêu úng, phòng lũ 7.585 tỷ đồng; giải pháp phi công trình 1.300 tỷ đồng.

Theo đó, giải pháp cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho trên 1,16 triệu ha đất canh tác; trong đó, nâng diện tích đảm bảo cần tưới từ công trình thủy lợi đạt 52%; đảm bảo 90% nguồn nước sinh hoạt, công nghiệp… Cùng với đó là đảm bảo tiêu, thoát nước với trận mưa tần suất 10%. 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng sẽ được lựa chọn làm vùng quy hoạch.

Nhắc đến những công trình thuỷ lợi kỳ vĩ được xây dựng trong thời gian vừa qua, chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh “siêu công trình” cống Cái Lớn – Cái Bé (tỉnh Kiên Giang). Bởi, đó thực sự là niềm tự hào về bản lĩnh, trí tuệ của Việt Nam.

Hơn 10 năm qua, vùng đất này phải hứng chịu những đợt hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở và rất nhiều thách thức khác. Mùa khô năm 2015 – 2016, hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục trong vòng 100 năm đã gây thiệt hại 7.900 tỷ đồng, ruộng đồng nứt nẻ, hồ chứa nước cũng cạn trơ đáy. Khoảng 290.000 hộ dân thiếu nước, khoảng 1.500 người liên tục nhiều tháng không có thu nhập vì sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. 635.000ha đất bị nhiễm mặn. Chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa trong điều kiện túng quẫn.

Đến mùa khô năm 2019 – 2020, hạn hán xâm nhập mặn lại tiếp tục tái diễn. So với bốn năm trước, mặn lấn sâu, kéo dài hơn khiến 65.000ha lúa, trái cây bị ảnh hưởng, 96.000 hộ dân thiếu nước. Tình trạng sụt lún đát, sạt lở đã đe doạ sinh kế của 20 triệu dân vùng châu thổ này.

Để thích ứng và hạn chế những tác động xấu của tự nhiên, phương châm của chúng ta “đầu tư không hối tiếc” để xây dựng các công trình kiểm soát nguồn nước.

Với tinh thần này, các dự án thủy lợi được nghiên cứu và triển khai.

Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư xây cống ngăn mặn sông Cái Lớn và Cái Bé và giao cho Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, cống Cái Lớn có chiều rộng 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40 mét. Trong thời gian vận hành đóng cống, tàu thuyền có thể qua lại dễ dàng qua âu thuyền. Cống Cái Bé, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35 m, âu thuyền rộng 15 m. Cống Xẻo Rô rộng 42m, gồm 2 cống 2 đầu tạo thành âu thuyền. Cầu giao thông trên các cống quy mô 2 làn xe được kết nối với với Quốc lộ 61 bằng tuyến đê có chiều dài 5,8km.

Dự án còn có 8 cống dọc tuyến An Minh - An Biên, 6km đê bao kết hợp làm đường giao thông; hệ thống thiết bị quan trắc vận hành scada. Bên cạnh đó là hợp phần mô hình sinh kế trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang. Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.300 tỉ đồng.

Đây là công trình thuỷ lợi lớn, đa nhiệm vụ, giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha thuộc địa bàn các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Công trình còn có nhiệm vụ quan trọng là kết hợp cùng với tuyến đê và các cống ven biển tây tạo thành vành đai phòng chống thiên tài từ biển như nước biển dâng, giảm tác động nước dâng của bão …

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn lãnh đạo của Quốc hội đã đặc biệt ấn tượng với dự án khi đến kiểm tra công trình vào tháng 6/2020. Ông nói: “Công trình mang tầm vóc khu vực. Thiết kế là người Việt Nam. Thi công cũng là con người Việt Nam. Rồi các đồng chí lại rút ngắn được thời gian thi công 24 tháng là quý lắm các đồng chí ạ. Chúng ta cũng tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng xây các công trình khác. Tôi đánh giá rất là cao những cố gắng của các đồng chí”.

Trước dự báo xâm nhập mặn sẽ tái diễn trong mùa khô 2020-2021. Bộ NN-PTNT đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Các nhà thầu cùng hàng trăm cán bộ kỹ sư, công nhân đã nỗ lực thi công ngày đêm. Ngày 5/2/2021, cống Cái Bé được đưa vào vận hành chỉ sau hơn 14 tháng thi công, kịp thời phòng chống xâm nhập mặn cho tỉnh Kiên Giang, vượt tiến độ 1 mùa khô so với kế hoạch. Nhờ có cống này, địa phương không phải đắp hơn 100 đập tạm, tiết kiệm 12 tỷ đồng trong mùa khô 2020-2021.

Đầu năm 2022, nước mặn bắt đầu xâm nhập vào các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ NN-PTNT đã vận hành cống Cái Lớn – Cái Bé điều tiết nước cho vùng bán đảo Cà Mau vừa giúp giữ ngọt cho vùng trồng lúa, vừa cung cấp nước mặn có độ mặn phù hợp cho vùng nuôi tôm. Qua đó giúp hàng ngàn người dân trong vùng an tâm sản xuất. Không chỉ phòng chống thiên tai, công trình còn tạo điểm nhấn du lịch cho tỉnh Kiên Giang khi thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Cục Quản lý Xây dựng công trình được Bộ NN-PTNT giao quản lý 151 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Đối với hầu hết các dự án lớn, công trình đầu mối thuỷ lợi có tính chất kỹ thuật phức tạp, Bộ NN-PTNT và Cục Quản lý Xây dựng công trình luôn có sự đồng hành của Tổ chuyên gia tư vấn kỹ thuật. Lực lượng chuyên gia đã hỗ trợ rất hiệu quả về các giải pháp thiết kế, cũng như xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thi công.

Đến nay, các công trình được hoàn thành, bàn giao và khai thác hiệu quả đã chứng minh được các giải pháp thiết kế lựa chọn là chính xác, phù hợp thực tế, cơ bản công tác xây lắp không có phát sinh lớn và hoàn toàn nằm trong phạm vi dự toán đã được duyệt.

Nếu tính cả số giải ngân của vốn được kéo dài sang năm sau, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN-PTNT các năm 2016, 2017, 2018, 2019 đều đạt trên 98%. Thông qua các đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực thủy lợi giai đoạn 2015 - 2022, dung tích hồ chứa tăng thêm khoảng 1,397 tỷ m3; diện tích tưới trực tiếp tăng thêm khoảng 80.499ha; tạo nguồn, nâng cao năng lực tưới khoảng 318.839 ha; nâng cao năng lực tiêu khoảng 402.492 ha; kiểm soát mặn, giữ ngọt cho khoảng 1,1 triệu ha; cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ.

Nguồn: nongnghiep.vn