Tuyên Quang: Các hồ thủy lợi vượt qua mực nước chết

2023.07.24 - 812 lượt xem

Hiện nay, các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua mực nước chết, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước tưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa lớn đã giúp nhiều hồ thủy lợi vượt qua mực nước chết, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất. Ảnh: Đào Thanh.

Trước đó, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, nguồn nước trong các hồ thủy điện, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều hồ đã ở mực nước chết. Như tại Hồ thủy điện Tuyên Quang có thời điểm mực nước thượng lưu đập thủy điện là 91,76m, cao hơn mức nước tối thiểu 1,06m.

Trên sông Lô suốt từ tháng 1 đến tháng 5/2023, mực nước thấp kỷ lục, chỉ đạt từ 11,68m, đặc biệt dịp tháng 5, mực nước chỉ đạt 11,43m. Các hồ thủy lợi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng thấp kỷ lục.

Trong số 26 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh, tính từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, mực nước đã có nhiều thay đổi. Giai đoạn cuối tháng 5, các hồ chỉ đạt từ 10 đến 45% dung tích thiết kế. Đã có 3 hồ ở mực nước chết là hồ Khuổi Luồng, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình; hồ Đèo Hoa, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn; hồ Khuôn Lù, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn.

Tuy nhiên đến giai đoạn cuối tháng 6 và đầu tháng 7, mực nước trên các hồ thủy lợi đã được cải thiện, mực nước đạt từ 30 đến 85% dung tích. Các hồ thủy lợi Khuổi Luồng; hồ Đèo Hoa; hồ Khuôn Lù ở mực nước chết trước đó đến nay đã đạt từ 30 đến 55% dung tích.

Bà Ma Thị Nhi, thôn Noong Phường, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình cho biết, do tình hình hạn hán kéo dài nên việc gieo cấy 6ha lúa vụ xuân của thôn gặp khó khăn, năng suất thấp.

Vụ mùa này, đã có mưa, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn có nước, các mỏ nước tự nhiên tại thôn cũng cơ bản đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên bà Nhi và người dân trong thôn vẫn chủ động tiết kiệm nước tại các hồ thủy lợi và các ao của hộ gia đình, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho cây trồng.

Dự báo nắng nóng, hạn hán có thể kéo dài, các địa phương ở Tuyên Quang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó kịp thời. Ảnh: Đào Thanh.

Theo ông Hoàng Đức Trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất. Mực nước trên các công trình thủy lợi liên tục giảm.

Thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 tại các địa phương đã có mưa, lượng nước tăng lên. Tuy nhiên để chủ động ứng phó với tỉnh hình thời tiết và tiết kiệm nước phục vụ sản xuất vụ mùa, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động hướng dẫn bà con nông dân duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ các công trình thủy lợi; tiết kiệm nước, hạn chế tối đa việc thất thoát nước, tránh lãng phí, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất, ổn định năng suất cây trồng.

Trước tình hình nắng nóng và hạn hán có thể tiếp diễn, ngành NN-PTNT cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn; ưu tiên đáp ứng nhu cầu tưới tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả và cây trồng có giá trị kinh tế cao; triển khai thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước, đồng thời có biện pháp điều tiết, phân phối nước hợp lý.

Đối với khu vực có đủ nguồn nước tưới, tổ chức tưới hợp lý, tiết kiệm và theo đúng quy trình kỹ thuật tưới luân phiên. Đối với khu vực khô hạn, thiếu nước, áp dụng biện pháp tưới ẩm nhằm tiết kiệm tối đa lượng nước tưới. Riêng rau, màu, cây trồng cạn tận dụng trữ nước vào các giếng, ao, khu ruộng nhỏ, để áp dụng các hình thức tưới thủ công.

Tùy điều kiện cụ thể từng khu vực để áp dụng các biện pháp chống hạn cho phù hợp. Đối với những khu vực trồng rau màu, vận động người dân tận dụng rơm, rạ, dùng ni lông phủ lên bề mặt luống nhằm hạn chế sự bốc hơi nước của đất…

Nguồn: nongnghiep.vn