Hai con đập trên sông La Tinh ‘hồi sinh’ nhiều vùng đất chết

2023.07.24 - 896 lượt xem

Sông La Tinh bắt nguồn từ xã Cát Sơn (huyện Phù Cát, Bình Định), trên sông có 2 con đập Cây Gai và Cây Ké có nhiệm vụ dâng nước tưới cho 7.000ha cây trồng…

2 con đập “gánh” 7.000ha đất sản xuất nông nghiệp

Trên thượng nguồn sông La Tinh hiện đã có hồ chứa nước Hội Sơn với dung tích chứa khoảng 44,5 triệu m3 nước. Hồ Hội Sơn có nhiệm vụ tạo nguồn nước cho hệ thống sông La Tinh. Qua mỗi mùa mưa, sau khi tích đầy, đến thời vụ sản xuất, đầu tháng 12 hàng năm là hồ Hội Sơn điều tiết nước xuống sông La Tinh để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vùng hạ du.

Trên sông La Tinh có 2 đập dâng là đập Cây Gai và đập Cây Ké. Đập Cây Gai nằm phía trên, thuộc địa bàn xã Cát Lâm; còn đập Cây Ké nằm phía dưới, thuộc địa bàn xã Cát Tài (huyện Phù Cát).

Đập dâng Cây Ké nằm dưới đập Cây Gai thuộc địa bàn xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tổng diện tích tưới của hồ Hội Sơn hiện nay thông qua đập Cây Gai và đập Cây Ké nằm trên sông La Tinh là gần 7.000ha, diện tích tưới lớn hơn diện tích tưới của hệ thống sông Lại Giang ở thị xã Hoài Nhơn.

Đặc biệt, sau khi hệ thống kênh Văn Phong hình thành, chuyển nước của sông Kôn thông qua đập dâng Văn Phong nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn qua hồ Hội Sơn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lấy nước từ hệ thống sông La Tinh tăng lên rất nhanh.

Trước đây, hệ thống sông La Tinh mỗi năm chỉ tưới được khoảng 4.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, thế nhưng từ khi có hệ thống kênh Văn Phong chuyển nguồn nước cho hồ Hội Sơn, diện tích đất nông nghiệp hưởng nước từ hệ thống sông La Tinh tăng đến gần 7.000ha.

Đập Cây Gai và đập dâng Cây Ké dâng nước của sông La Tinh tưới cho toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Cát và một nửa diện tích đất sản xuất ở phía Nam huyện Phù Mỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, lúc mới bàn giao hệ thống kênh Văn Phong cho đơn vị này quản lý, tuyến kênh này mới chỉ tiếp nước cho hệ thống đập dâng Cây Ké từ 1,2 - 1,5 m3/giây. Đến lúc này, hệ thống đập Cây Ké vẫn chưa đủ nước cung cấp cho những diện tích "ăn" nước hệ thống này.

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư xây dựng thêm tuyến kênh phía dưới tuyến kênh cũ, để bổ sung thêm lưu lượng nước chuyển tiếp từ đập dâng Văn Phong về hệ thống đập Cây Gai và đập Cây Ké từ 1,2 - 1,5 m3/giây nữa. Công trình này đang được Ban Quản lý Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định thi công sắp xong.

Tuyến kênh cấp 2 dẫn nước từ đập Cây Gai trên sông La Tinh đưa về những cánh đồng xã Cát Sơn (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Nhờ UBND tỉnh Bình Định quan tâm cho xây dựng thêm tuyến kênh bổ sung để chuyển tiếp thêm nước từ đập dâng Văn Phong qua hồ Hội Sơn nên hệ thống đập Cây Gai và đập Cây Ké mới đủ nước tưới cho 7.000ha diện tích đất sản xuất của huyện Phù Cát và 1 nửa đất sản xuất của huyện Phù Mỹ”, ông Phú chia sẻ.

Bố trí nhiều bậc đập để nước về đến hạ du

Theo ông Đinh Văn Chánh, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, hệ thống kênh mương để dẫn nước từ hệ thống đập Cây Gai và đập Cây Ké về các địa phương là rất dài.

Riêng tuyến kênh lấy nước từ hồ Hội Sơn là hơn 10km, còn tổng chiều dài tuyến kênh nằm về phía hạ lưu đập Cây Gai là hơn 63km, tổng chiều dài tuyến kênh nằm phía hạ lưu đập Cây Ké là gần 29km. Đó là những tuyến kênh chính và kênh cấp 1, cấp 2 do công ty quản lý, chưa kể những tuyến kênh cấp dưới do địa phương quản lý.

Ông Nguyễn Văn Phú kể lai lịch của hồ Hội Sơn và 2 con đập Cây Gai và Cây Ké: Hồ Hội Sơn sau ngày đất nước thống nhất mới được UBND tỉnh Bình Định xây dựng. Đập Cây Gai thì xây dựng lúc nào ông Phú không biết. Riêng đập Cây Ké thì trước ngày đất nước thống nhất đang được thi công dở dang, sau năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp tục hoàn thành.

Năm 1984, đập Cây Ké xuống cấp trầm trọng, UBND tỉnh Bình Định cho phá bỏ toàn bộ đập cũ, xây dựng kiên cố lại con đập mới. Năm 2010, đập Cây Ké được sửa chữa lại từ nguồn vốn WB4 vay của Ngân hàng Thế giới, hiện nay đã được đóng mở bằng tời điện chứ không còn đóng mở thủ công bằng ván phai như trước đây. Đập Cây Gai có chiều dài đập là 72,6m, chiều cao đập 6,9m; còn đập Cây Ké có chiều dài đập 74m, chiều cao đập 5,8m

Nhờ chủ động nước tưới từ 2 đập dâng Cây Gai và Cây Ké nên huyện Phù Cát (Bình Định) mạnh dạn đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng và đã đạt được thành công. Ảnh: V.Đ.T.

Nhờ đập Cây Gai và đập Cây Ké chặn dòng, dâng nước hồ Hội Sơn xả ra để tưới phục vụ cho sản xuất, nên những vùng đất nông nghiệp ở phía tây huyện Phù Cát như Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh từng là “vùng đất chết” bỗng hồi sinh với nhiều cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, vùng đất cát mênh mông phía tây huyện Phù Cát chỉ có thể trồng cây mì (sắn) hoặc cây điều nhưng cũng không phát triển, do thiếu nước tưới. Từ khi hồ Hội Sơn được tiếp nước của hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) thông qua hệ thống kênh Văn Phong thì nước cung cấp cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở đây thêm dồi dào.

“Nhờ đầy đủ nước tưới nên người dân các xã phía tây huyện Phù Cát giờ đang ăn nên làm ra với cây đậu phộng (lạc) và cây xoài cát, những loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chủ động nước tưới nên Phù Cát mạnh dạn đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng và đã đạt được thành công mỹ mãn”, ông Lương Văn Khoa, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, chia sẻ.

“Nếu trên hệ thống sông La Tinh chỉ có mỗi đập Cây Gai thì hệ thống kênh dẫn nước từ hạ lưu đập xuống đến vùng ruộng giáp biển quá dài, từ 19 - 20km, nước đi không tới, nên phải làm thêm đập Cây Ké bên dưới. Nước từ đập Cây Gai chảy xuống hạ lưu, đập Cây Ké nằm bên dưới thấp hơn, tiếp tục dâng nước để cung cấp cho hệ thống kênh dẫn về cuối nguồn. Do địa hình dốc nên phải làm 2 bậc đập mới có thể đưa nước xuống cuối nguồn”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết.

Nguồn: nongnghiep.vn