Đập dâng Lại Giang, nguồn sống của 5.000ha lúa

2023.07.24 - 986 lượt xem

Bình Định có 24 đập dâng lớn trên sông, nhờ những con đập này mà các hồ chứa phát huy hết hiệu quả. Đập Lại Giang là nguồn sống của 5.000ha lúa ở Hoài Nhơn.

Thay nhiệm vụ cho bờ xe nước

Bình Định có 4 hệ thống sông lớn là sông Lại Giang nằm trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, sông La Tinh nằm giữa 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát, sông Kôn chảy qua thị xã An Nhơn và hệ sông Hà Thanh đi qua địa bàn huyện Tuy Phước.

Sông Lại Giang bắt nguồn từ huyện miền núi An Lão, trước năm 1975, để tận dụng dòng nước cơ bản của sông Lại Giang tưới cho những diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thị xã Hoài Nhơn, nông dân ở đây đã làm bờ xe nước chắn ngang con sông tại địa điểm hạ lưu đập dâng Lại Giang bây giờ.

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, bờ xe nước là nhiều vòng tròn được làm bằng tre hình bánh xe to như cái nong, vành ngoài bánh xe nông dân gắn nhiều gàu tát nước.

Đập Lại Giang nằm tại vị trí giáp ranh giữa xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) và thị trấn Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn). Ảnh: V.Đ.T.

Khi nước trên dòng Lại Giang chảy từ thượng lưu về, dưới tác dụng của động năng dòng chảy, bờ xe nước tự quay. Khi bờ xe tự quay thì những chiếc gàu tự múc đầy nước. Bờ xe nước quay đủ 1 vòng, những chiếc gàu lần lượt trút nước vào cái máng nhỏ được làm bằng tôn, nước từ máng tiếp tục được dẫn vào tuyến kênh đất chảy về hạ lưu tưới cho đồng ruộng.

Chắn ngang con sông Lại Giang có rất nhiều bờ xe nước với nhiều chiếc máng dẫn về tuyến kênh đất. Bờ xe nước thời ấy là nguồn sống của những diện tích đất canh tác lúa ở thị xã Hoài Nhơn thời bấy giờ.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1978 - 1979, UBND tỉnh Bình Định cho xây dựng kiên cố đập Lại Giang tại vị trí giáp ranh giữa xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) và thị trấn Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn). Khi ấy, đập Lại Giang có cửa đập nhỏ hơn, đóng mở bằng ván phai.

Đến nay, sau nhiều lần sửa chữa, đập Lại Giang bây giờ có tổng chiều cao đến giàn công tác là hơn 10m; trong đó, riêng chiều cao phần dâng nước là 3m; chiều dài đập từ bờ Nam sang bờ Bắc là 158m. Đập có 8 cửa, mỗi cửa rộng 9m bằng thép, đóng mở tự động bằng thủy lực.

Theo ông Phú, đập Lại Giang có nhiệm vụ vào mùa mưa lũ thì mở toang các cửa để tiêu thoát lũ. Đến vụ sản xuất, khoảng tháng 12 hàng năm, các cửa đập được đóng lại để chặn dòng, dâng nước từ thượng nguồn chảy về tưới cho 5.000ha lúa của nông dân thị xã Hoài Nhơn.

Kênh chính đập Lại Giang đi qua địa bàn phường Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Lúc đập Lại Giang chưa được sửa chữa hoàn chỉnh và chưa xây dựng hồ Đồng Mít, những diện tích sản xuất lúa của nông dân thị xã Hoài Nhơn nằm dưới hạ lưu con đập vào mùa khô thường xuyên bị nạn thiếu nước tưới đe dọa. Bởi, dòng nước cơ bản của sông Lại Giang rất thấp. Có những mùa khô dòng chảy sông Lại Giang phía dưới đập chưa đến 1m3/giây, dòng chảy phải từ 3,5 - 4,3m/giây mới đủ nước tưới cho nông nghiệp. Mùa nước kiệt, nước trong lòng sông Lại Giang chỉ đứng đến mắt cá chân,  đủ cho bò uống chứ không có nước tưới”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định chia sẻ.

Hệ thống kênh mương dày như chân rết

Phía hạ lưu đập dâng Lại Giang, tuyến kênh chính được xây dựng kiên cố, đáy kênh rộng 2,5m, miệng kênh rộng đến 8m, trông như 1 con sông nhỏ. Mùa sản xuất, tuyến kênh chính Lại Giang ăm ắp nước, lững lờ chảy bên cạnh những hàng dừa xanh mướt trông rất thơ mộng.

Kênh chính đập Lại Giang bắt đầu từ điểm cách thượng lưu đập khoảng 5m, kéo dài đến cửa biển An Dũ (Hoài Hương), các phường Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn) có chiều dài đến 22km.

Đập dâng Lại Giang thay những bờ xe nước ngày xưa làm nhiệm vụ dâng nước tưới cho 5.000ha đất sản xuất của thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, ngoài tuyến kênh chính, “chân rết” những tuyến kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 dày đặc để dẫn nước về từng cánh đồng tưới cho cây lúa.

Công ty TNHH KTCTTL Bình Định có trách nhiệm quản lý kênh chính và những tuyến kênh cấp 1, cấp 2 có tổng chiều dài gần 54km, riêng tuyến kênh chính là 22km. Từ kênh cấp 3 trở xuống kênh nội đồng dẫn nước vào ruộng còn chằng chịt hơn nữa, những tuyến kênh này do địa phương quản lý.

Từng cửa lấy nước của các tuyến kênh cấp dưới đều có những cống máy đóng mở, khi cần lấy nước thì mở lên, không cần thì đóng lại, không để nước chảy suốt ngày suốt đêm. Khi tưới luân phiên thì những người có trách nhiệm sẽ đóng cửa này, mở cửa khác để điều tiết nước.

Cũng theo ông Phú, hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Định giao cho mỗi công nhân thủy nông từ 12 - 15km kênh mương để quản lý. Đó là kênh đất, chứ nếu kênh bê tông mỗi người còn phải nhận nhiều hơn nữa, bởi kênh bê tông ít cỏ, ít rác.

Mỗi sáng, những công nhân thủy nông phải đi dọc suốt tuyến kênh được giao để vừa kiểm tra nước, kiểm tra mức độ an toàn của bờ kênh, chỗ nào gần sạt lở hoặc xuất hiện lỗ thủng gây rò rỉ nước phải lập tức xử lý, đồng thời nếu thấy rác thì vớt.

“Trong lúc kiểm tra kênh, người có trách nhiệm phải kiểm tra mực nước trong kênh xem có đảm bảo tưới không, nếu không thì phải báo về đơn vị quản lý để bổ sung nước vào kênh. Mực nước bình thường trong kênh anh em có thể đo bằng mắt, ở mực nước nào thì tưới đủ, mực nước nào sẽ thiếu nước tưới. Công việc vất vả nhất trong ngày của những công nhân thủy nông là vớt rác. Bởi ở nông thôn hiện nay rác sinh hoạt bà con thường đổ xuống kênh mương. Theo dòng chảy, rác sẽ tập trung về đầu xi phông hoặc cầu máng, thấy rác là công nhân thủy nông phải lấy vợt vớt rác lên bỏ trên bờ, vất vả lắm”, ông Nguyễn Văn Phú cho hay.

Nguồn: nongnghiep.vn