Quảng Bình: 'Đồng quà' từ những công trình thủy lợi

2023.07.13 - 753 lượt xem

Quảng Bình đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai.    

Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai.

Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, nhiều tháng qua, nắng nóng đã diễn ra gay gắt trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

“Tuy nhiên các công trình thủy lợi ở Quảng Bình đã phát huy tốt vai trò cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất vụ hè thu", ông Tiến nói.

Từ công trình hồ chứa Rào Đá…

Tại vùng Bắc Trung bộ, tỉnh Quảng Bình có số lượng các công trình thủy lợi tương đối nhiều nhưng quy mô nhỏ. Hiện, toàn tỉnh có 153 hồ chứa và 193 đập thủy lợi với tổng dung tích chứa khoảng 500 triệu m3 nước. Trong đó, một số hồ chứa, đập dâng được phân bổ tại các địa phương đã phát huy tác dụng tốt.

“Điều ghi nhận là công trình hồ chứa phân bố khắp tỉnh, tạo thành mạng lưới liên hoàn, thuận lợi trong việc cung cấp nguồn nước”, ông Trần Xuân Tiến nhìn nhận.

Cách đây chưa lâu, hồ chứa nước Rào Đá (huyện Quảng Ninh) được xây dựng. Đây được xem là công trình đại thủy nông của tỉnh Quảng Bình. Sau khi được đưa vào sử dụng, hồ Rào Đá đã cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho những cánh đồng lúa của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đồng thời, hồ Rào Đá còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, giúp làm dịu mát những vùng đồi núi vốn khô khát mùa hè.

Hồ chứa Rào Đá góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Ảnh: T.Phùng.

Trở lại thời gian khi chưa có hồ Rào Đá, huyện Quảng Ninh chỉ sản xuất ăn chắc vào vụ đông xuân. Riêng vụ hè thu, tại các xã vùng nam huyện như Tân Ninh, Hàm Ninh, An Ninh, Vạn Ninh… đều không canh tác được vì thiếu nước. Người nông dân gieo trồng đều ngửa cổ ngóng trời mưa thì mới có thu hoạch.

Một số ít diện tích bà con xuống giống và tận dụng mọi nguồn nước trong ao, hồ cũng chỉ cầm cự được sang tháng 7 là hạn hán trơ gốc. Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh cho hay: “Nước phục vụ cho sản xuất thiếu, nước phục vụ cho sinh hoạt càng thiếu hơn. Nhiều vùng dân cư được xem là “tử địa” bị khô khát nhiều tháng. Chính quyền địa phương phải hỗ trợ bằng cách huy động xe chữa cháy, xe ô tô… chở nước đến cho bà con sinh hoạt và cho đàn vật nuôi uống”.

Chúng tôi về xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) vào những ngày đầu tháng 7, khi cái nắng mùa hè vẫn còn đổ lửa. Bản Rào Đá (xã Trường Xuân) là nơi gần hồ Rào Đá nhất đang chuyển mình đi lên.

Trước đây, Rào Đá vốn là làng kinh tế mới, những năm đầu thành lập, diện tích đất sản xuất nhiều nhưng thiếu nước, người dân chỉ làm lúa rẫy, trồng sắn, ngô để mưu sinh. Từ khi có nguồn nước, người dân ở đây mở rộng diện tích trồng lúa, trồng màu với gần 30ha.

Ông Trần Công Huyền, Trưởng thôn Rào Đá cho hay, nhờ có nguồn nước đủ nên năng suất cây trồng cao, người dân trong thôn không còn cảnh thiếu lương thực mà bắt đầu có của ăn của để. Không chỉ phát triển trồng trọt, nhiều người còn dựa vào hồ Rào Đá để mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản trong lòng hồ, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

“Có hồ Rào Đá, người dân chúng tôi đã thay đổi cuộc sống. Cả thôn có 40 hộ thì cơ bản có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ đã vươn lên khá giả, giàu có”, Trưởng thôn Trần Công Huyền cho hay.

Những cánh đồng thiếu nước ở huyện Quảng Ninh đã trở thành cánh đồng 2 vụ năng suất cao nhờ nước từ hồ Rào Đá. Ảnh: T.Nga.

Xã Hàm Ninh được xác định là vùng “tử địa” hạn hán, chỉ sản xuất lúa được vụ đông xuân. Riêng vụ hè thu thì cơ bản bỏ hoang. Hơn 10 năm trở lại đây, nguồn nước hồ Rào Đá như liều thuốc hồi sinh đồng ruộng nơi này. Toàn xã có trên 350 ha lúa đã trồng được cả 2 vụ chắc ăn với năng suất cao.

Ngoài ra có gần 50 ha trồng rau màu tạo nên thu nhập cho người dân. Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết: "Nước hồ Rào Đá đưa về đã cơ bản làm thay đổi sản xuất và đời sống cho người dân. Ngoài phục vụ dân sinh thì nhờ nguồn nước mà bà con chủ động trong sản xuất lúa 2 vụ và chuyển đổi trồng dưa hấu, tạo nên thương hiệu “dưa Hàm Ninh” được nhiều người biết đến”.

“Có ai về Rào Nan…”

Vùng nam thị xã Ba Đồn nằm bên hai nhánh sông Gianh nhưng luôn trong tình trạng khô khát và nước nhiễm mặn.

Từ đầu năm nay, công trình hệ thống thủy lợi Rào Nan (xã Quảng Sơn) được đưa vào sử dụng đã giải quyết nhiều vấn đề về nguồn nước và trở thành “nguồn vốn” đầu tư lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng này...

Được thiết kế với công nghệ hiện đại, công trình thủy lợi Rào Nan có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.

Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm nâng cao giá trị sản xuất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, khi công trình thủy lợi Rào Nan vừa hoàn thành đã phát huy tác dụng trong việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, điều mà chính quyền và người dân ở vùng nam thị xã luôn lo lắng mỗi khi vào vụ hè thu.

Hiện nay, mức nước tích tại công trình đã đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 hộ dân và nước tưới cho hơn 1.800 ha đất trồng lúa và nuôi thủy sản của thị xã Ba Đồn.

“Công trình này là đập dâng tự tràn cho nên vừa góp phần cắt giảm lũ cho khu vực thấp trũng nhưng cũng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do không phải xả lũ”, ông Đoàn Minh Thọ nói thêm.

Công trình thủy lợi Rào Nan mới đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả lớn. Ảnh: T.Phùng.

Xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) có những đồng đất bị nhiễm phèn mặn, người dân loay hoay chuyển đổi cây trồng nhưng không thành công. Việc đưa được nguồn nước ngọt về để làm “ngọt hóa” những cánh đồng nhiễm mặn là điều trước đây rất khó. Bây giờ, nhờ có nguồn nước từ Rào Nan nên bà con đã rất trông đợi.

Bắt đầu từ vụ hè thu năm nay, Công ty Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi Quảng Bình đã lên kế hoạch đưa nước ngọt về đồng đất Quảng Văn.

Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc công ty cho biết: “Đơn vị vận hành hàng tháng “ép” nước cung cấp cho địa phương này. Do địa hình ở cuối nguồn nên việc cung cấp đủ nước “xả mặn” vẫn đang giai đoạn đầu. Sau khi có kinh phí nâng cấp tuyến kênh chính thì việc đưa nước về đây cho bà con quá dễ dàng. Khi đó, việc sản xuất và nước sinh hoạt sẽ không còn thiếu”.

Theo ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn, khi nguồn nước từ Rào Nan về “rửa mặn” cho địa phương thì ngoài kỳ vọng giải quyết được vấn đề đất bỏ hoang, chính quyền địa phương hướng tới mục tiêu xây dựng cánh đồng 2 vụ và mở rộng diện tích cây trồng.

“Chúng tôi sẽ xây dựng đề án phát triển cây dừa xiêm, xây dựng khu du lịch sinh thái tại địa phương, cải tạo đất nhiễm phèn mặn, mở ra kỳ vọng mang lại thu nhập bền vững cho người nông dân”, ông Nam hy vọng.

Những ngày đầu hè, đến thăm công trình Rào Nan, trước mắt chúng tôi không chỉ là công trình thủy lợi lớn, được xây dựng với kiến trúc, kiểu dáng đẹp đang dần trở thành địa chỉ check-in cho nhiều người.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình chia sẻ: “Để phát triển nông nghiệp bền vững thì yêu cầu trước hết và quan trọng nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có các công trình thủy lợi”.

Nguồn: nongnghiep.vn