Vùng cao Bảy Núi hết khô khát

2023.07.05 - 1118 lượt xem

Nhờ được ưu tiên đầu tư nhiều công trình thủy lợi, bà con 'vùng đất khát' Bảy Núi không vơi nỗi lo thiếu nước khi mùa khô đến

Hồ chứa nước Thanh Long được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở vùng Bảy Núi - An Giang -  nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hơn 400 tỷ đồng đầu tư thủy lợi vùng cao

An Giang là tỉnh đầu nguồn vừa có đồng bằng vừa có đồi núi, trong đó vùng đồi núi tập trung phần lớn ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, đặc biệt nơi đây có đông đồng bào Khmer sinh sống, chủ yếu sản xuất nông nghiệp là chính.

Do đặc thù Tri Tôn và Tịnh Biên là vùng đất triền cao (còn gọi là vùng Bảy Núi), chưa có hệ thống công trình thủy lợi, do đó người dân và đồng bào dân tộc Khmer ở đây chỉ sản xuất một vụ lúa vào mùa mưa, nguồn nước cấp chính từ mưa.

Rủi ro năng suất lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước ở những năm bị khô hạn kéo dài, hoặc mưa lũ lớn bất thường sẽ bị lũ núi cuốn trôi làm ảnh hưởng đến sản xuất và  đời sống người.

Tuy nhiên, vùng triền núi có cao độ từ 2-5m và vùng cao có cao độ từ 5-30m nên hệ thống công trình thủy lợi còn hạn chế, phần lớn diện tích đất trong vùng này chưa được khai thác triệt để do thiếu các hệ thống công trình thủy lợi.

Theo Sở NN-PTNT An Giang, trong các năm qua, nhà nước quan tâm đầu tư phát triển hệ thống công trình thủy lợi nhằm phục vụ sản xuất và dân sinh, cụ thể: trạm bơm, hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi..., trong đó vùng Bảy Núi được đặc biệt quan tâm.

Nhờ đó, bà con chuyển từ sản xuất lúa một vụ năng suất thấp sang cây ăn trái và sản xuất lúa từ 1 vụ/năm được tăng lên 3 vụ/năm cho năng suất cao hơn.

Trong các năm qua, nhà nước quan tâm đầu tư phát triển hệ thống công trình thủy lợi nhằm phục vụ sản xuất và dân sinh, cụ thể: trạm bơm, hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, để cải thiện cuộc sống đồng bào vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục việc thiếu nước vào mùa khô hạn, từ năm 2018 đến nay, tỉnh An Giang đã xây dựng 7 hồ thủy lợi và hàng chục trạm bơm điện tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng.

Công trình bảo đảm nước tưới trên 75%, mức bảo đảm tiêu úng là 90%. Bên cạnh đó, việc giữ được nguồn nước sẽ cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng, chống cháy rừng hơn 1.200ha, sản xuất nông nghiệp trong mùa khô đảm bảo đủ nước và điều tiết lũ trong mùa mưa thuận lợi hơn. Các công trình đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho 80 nghìn hộ dân vùng Bảy Núi.

Riêng ở Tri Tôn, hiện toàn huyện có 4 hồ chứa nước đã đưa vào hoạt động, trong đó có 3 hồ chứa nước lớn do Trung ương đầu tư xây dựng trong chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu gồm: Hồ Soài So và hồ Soài Check (xã Núi Tô), hồ Ô Thum (xã Ô Lâm), hồ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi). Các hồ thủy lợi này có khả năng phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000ha đất nông nghiệp.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (ngoài cùng bên phải) kiểm tra hệ thống thủy lợi vùng cao tại huyện Tri Tôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Chau Hên, nông dân Khmer ở xã Lương Phi, huyệnTri Tôn vui mừng cho biết: Trước đây gia đình làm lúa 1 năm chỉ sản xuất được 1 vụ vì phụ thuộc vào nước mưa, kiếm được 350kg/công/năm là mừng lắm rồi.

Hơn 3 năm nay, từ khi chủ động được nước tưới từ trạm bơm nước Lương Phi, gia đình ông làm được 2 vụ lúa và 1 vụ màu/năm, năng suất lúa luôn đạt từ 600 - 700kg/công/vụ.

Thủy lợi giúp giảm nghèo, ổn định cuộc sống

Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Thời gian qua nhờ các công trình thủy lợi và hồ chứa nước lớn nằm ở các khu vực đồi núi ở Tri Tôn đi vào hoạt động, hàng ngàn nông dân sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi.

Còn ở các khu vực triền núi, người dân tự tin đã có nước phục vụ tưới tiêu trong mùa nắng. Họ chuyển sang trồng cây ăn trái và hoa màu để tăng thu nhập, thay vì trước đây đất bỏ hoang.

Còn tại khu vực đồng bằng, đất sản xuất lúa 3 vụ/năm như các xã: Vĩnh Gia, Ba Trúc, Lương An Trà, Lạc Quới, An Lập,... hiện nay, huyện đã tổ chức vận hành các công trình thủy lợi để tích trữ nước phục vụ tốt cho sản xuất và phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nạo vét kênh mương, bảo đảm nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

Với sự chủ động trong các phương án ứng phó, huyện Tri Tôn đang nỗ lực bảo đảm hoạt động sản xuất của người dân trong cao điểm mùa khô 2023.

Bên cạnh nhà nước đầu tư thủy lợi vùng cao, vùng đồng bằng của tỉnh An Giang cũng được phủ rộng các hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Giang cho biết thêm, để tiếp tục phát huy thế mạnh nông nghiệp, huyện Tri Tôn đang định hướng quy hoạch và tổ chức lại vùng sản xuất theo hướng phù hợp điều kiện từng vùng. Đối với đất ven triền núi, gò cao, canh tác phụ thuộc vào nước mưa khoảng 2.000ha, huyện định hướng phát triển cây ăn trái (bơ, xoài, cây có múi, mãng cầu ta, mít) kết hợp cây dược liệu (đinh lăng, sâm bố chính, nghệ đen, nghệ vàng…).

Riêng với đất ruộng trên được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 gồm khu vực xung quanh 4 hồ chứa nước (Ô Thum, Ô Tà Sóc, Soài So, Soài Chék) với diện tích khoảng 1.000ha, trước mắt phát triển cây ăn trái và kết hợp cây dược liệu. Về lâu dài, sẽ hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái theo hướng VietGAP kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Nhóm 2 là 2.000ha có hệ thống thủy lợi ven các trạm bơm vùng cao (trạm bơm Lương Phi, Châu Lăng, An Tức, Lê Trì, Cô Tô, Ô Lâm, An Bình Núi Nước), được định hướng phát triển mô hình theo cơ cấu chuyên canh rau màu như: đậu nành rau, bắp, cây rau gia vị, rau ăn lá, đậu xanh, gừng... hoặc 2 màu - 1 lúa. Trong đó có lúa mùa đặc sản địa phương.

Nhóm 3 là đất ruộng trên thiếu nước tưới, sản xuất phụ thuộc vào nước mưa khoảng 2.000ha, trước mắt, cơ cấu mô hình 1 màu như: đậu xanh, mè, lúa mùa đặc sản địa phương. Về lâu dài, sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi và hồ chứa nước (theo quy hoạch thêm 6 hồ), phát triển cây ăn trái, dược liệu như: tần dày lá, đu đủ lấy mủ, đinh lăng, trái chúc, nghệ vàng, nghệ đen… hoặc cây công nghiệp ngắn ngày như: mè, bắp lai. 

Hệ thống trạm bơm điện thủy lợi vùng cao ở vùng Bảy Núi được đầu tư khá hiện đại đã phục vụ hơn 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo đủ nước tưới trong mùa khô.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên được đánh giá chịu tác động nặng nề nhất do hạn hán. Đây cũng là lý do hai địa phương được tỉnh ưu tiên đầu tư nhiều công trình thủy lợi để giúp người dân chống được khô hạn.

Đa phần các hồ thủy lợi ở vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên được đầu tư từ chương trình xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Việc hoàn thiện các công trình thủy lợi vùng núi còn giúp địa phương chủ động kiểm soát, bảo đảm cung cấp đủ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sắp xếp, bố trí lại dân cư nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Sở NN-PTNT An Giang, Nghị  định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước sẽ định hướng đến năm 2030, An Giang sẽ phát triển thêm 4 hồ chứa, nâng tổng số hồ chứa lên 11 hồ. Đến năm 2050 phát triển thêm 5 hồ chứa. Như vậy, số lượng hồ chứa nước tăng theo từng giai đoạn, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng.

Nguồn: nongnghiep.vn