Phú Yên: Chủ động ứng phó hạn hán, không để thiếu nước sinh hoạt

2023.06.26 - 573 lượt xem

Dự báo nắng nóng trên địa bàn tỉnh sẽ kéo dài, nhiều khả năng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là khu vực miền núi và ven biển. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết.

Nắng nóng kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, xu thế nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục tăng dần, ENSO duy trì trạng thái trung tính và nghiêng về pha nóng trong các tháng mùa hè năm nay. Từ tháng 6-8/2023 là giai đoạn nắng nóng cao điểm trên toàn tỉnh, khả năng gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo sẽ có nhiều hồ chứa thiếu nước trong vụ hè thu 2023, một số đập dâng nhỏ, khu vực miền núi có nguy cơ suy giảm mạnh dòng chảy cơ bản, không đảm bảo nguồn nước tưới trong năm 2023. Nếu tình hình nắng nóng kéo dài trên diện rộng, các nguồn nước sẽ bị cạn kiệt, mực nước ngầm sụt giảm, một số giếng nước sinh hoạt bị khô cạn dần sẽ tác động làm thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là khu vực miền núi và ven biển.

Theo Sở NN&PTNT, diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh vụ hè thu 2023 khoảng 24.500ha và vụ mùa khoảng 4.000ha. Các địa phương báo cáo, vụ hè thu này dự kiến phải chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn khác khoảng 515ha; khoảng 7.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh có khả năng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Để ứng phó tình hình hạn hán, huyện đã xây dựng và triển khai phương án đến các xã, thị trấn trên địa bàn. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra tình hình cấp nước tại các công trình, giếng nước; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước, sử dụng, chia sẻ nguồn nước khi hạn hán xảy ra.

Theo ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT), đến nay, chưa có địa phương nào trên địa bàn tỉnh báo cáo về tình trạng hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng nắng hạn. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương miền núi, cục bộ một số khu vực đã xảy ra khô hạn, thiếu nước sinh hoạt nhưng địa phương kịp thời triển khai phương án ứng phó. Đặc biệt, từ cuối tháng 5/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơn mưa nên tình hình nước sinh hoạt vẫn ổn định.

Chủ động cấp nước sinh hoạt cho dân

Để chủ động ứng phó hạn hán năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức kiểm tra, theo dõi tình hình nguồn nước, đánh giá khả năng cấp nước với nhu cầu sử dụng nước của người dân; đánh giá thực tại, dự báo thời gian xảy ra thiếu nước sinh hoạt; thường xuyên thống kê nguồn nước bị khô cạn, số hộ thiếu nước sinh hoạt, đề xuất các giải pháp cấp bách, triển khai giải pháp kịp thời. Các địa phương cần vận động người dân tăng cường sử dụng trang thiết bị, hỗ trợ các gia đình chính sách, người già neo đơn, hộ nghèo dụng cụ chứa nước ở những khu vực xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt.

Theo các địa phương, mùa khô năm nay, khoảng 7.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Tổng kinh phí các địa phương đề nghị hỗ trợ nước sinh hoạt trong năm 2023 hơn 15,5 tỉ đồng. “Hiện nay, các địa phương đều tập trung đề xuất giải pháp khoan và đào thêm giếng mới để khắc phục việc thiếu nước sinh hoạt cho người dân khi xảy ra hạn hán. Tuy nhiên, việc đầu tư này có chi phí khá cao, trong khi nguồn tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh không phong phú nên số giếng khoan, giếng đào khai thác được trong mùa khô rất ít, nhiều giếng không thể bơm hút nước”, ông Hồ Hữu Như nói.

Theo Sở NN&PTNT, về lâu dài, các địa phương nên ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng công trình cấp nước tập trung, đảm bảo cấp nước bền vững; ưu tiên các công trình cấp nước ở những khu vực khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Địa phương cần thúc đẩy công tác xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch nông thôn theo đề án Kêu gọi đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh; có chính sách kêu gọi người dân đóng góp kinh phí để đầu tư công trình cấp nước. Tỉnh cần quan tâm phát triển nguồn nước bằng phương án hỗ trợ xây dựng các hồ chứa nước quy mô nhỏ.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ đã chỉ đạo Sở NN&PTNT hướng dẫn các địa phương thực hiện những giải pháp trữ, cấp nước hộ gia đình và công trình cấp nước tập trung; kiểm tra, rà soát quy định về quản lý chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn; theo dõi chặt chẽ tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các giải pháp phù hợp. Một số hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, các giếng nước của dân nếu ảnh hưởng hạn hán không đủ nước, địa phương và đơn vị cấp nước tiến hành các biện pháp cấp nước bổ sung như đào sâu thêm các giếng, khoan giếng, đào giếng mới; nạo vét khơi thông làm sạch đầu nguồn; vận hành cấp nước hợp lý; mua can đựng nước, thuê xe bồn chở nước sạch cấp cho người dân dùng trong thời điểm hạn hán không còn nguồn nước để bơm… 

"Các sở, ngành và địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân." Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh

Nguồn: baophuyen.vn