2023.06.21 - 822 lượt xem
Dù đã vào mùa mưa nhưng mực nước tại các hồ đập chưa cải thiện, thậm chí trơ đáy, báo hiệu El Nino sắp tới khốc liệt. Nhiều giải pháp ứng phó được đặt ra…
Một số cơn mưa đầu mùa những ngày qua vẫn chưa giúp các hồ đập chứa nước lấp đầy các khoảng trống, thậm chí mực nước nhiều hồ vẫn nằm dưới mực nước chết, báo hiệu mùa mưa chưa đi qua nhưng hiện tượng El Nino rất khốc liệt sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ đã và đang chủ động nhiều giải pháp ứng phó, hồ Dầu Tiếng - công trình trọng điểm quốc gia, phục vụ đa mục tiêu cho 5 tỉnh thành trong khu vực cũng không ngoại lệ.
Nhiều khu vực tại lòng hồ Dầu Tiếng đã trơ đáy. Ảnh: Lê Bình.
Đến hồ Dầu Tiếng vào thời điểm này, đập vào mắt chúng tôi là một công trình kỳ vỹ - nơi cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, công nghiệp cho gần nửa cư dân khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, nếu như mọi năm mực nước hồ vẫn giữ ổn định ở quanh mức cao trình 24.4m, thì nay, mực nước đã tuột xuống dưới mực nước chết.
Những hòn đá cuội, vỏ sò, ốc lâu nay luôn nằm dưới mặt nước thì nay đã phơi bày dưới chân đập. Xa xa, tại các gò cao giữa hồ, màu xanh của cỏ đã thay cho màu xanh của nước.
Dẫn chúng tôi đi kiểm tra hệ thống xả nước, anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi miền Nam cho biết, anh công tác ở đây hàng chục năm, hiếm khi thấy cảnh hồ khô hạn đến mức như vậy. Hệ thống đập anh quản lý có 6 cống xả, hiện chỉ có 1 cống được mở để xả nước, 5 cống còn lại đã im bặt cả tháng nay, lượng nước xả cũng nhỏ giọt chứ không xả tràn như mọi khi.
Hệ thống đập gần trung tâm hồ Dầu Tiếng có 6 cống xả, hiện chỉ duy trì một cống. Ảnh: Trần Trung.
Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi miền Nam cho biết, hiện đã bước vào mùa mưa nhưng mực nước hồ chưa được cải thiện, so với mực nước cùng thời điểm này năm 2022, mực nước hồ Dầu Tiếng thấp hơn khoảng 1m.
Ông Hùng cho biết thêm, với hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có hiện tượng nắng nóng kéo dài do tác động của El Nino, nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, hiện phía công ty đang theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình khí tượng thủy văn trên lưu vực, kiểm đếm nguồn nước, giám sát chất lượng nước, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh kế hoạch cấp nước bảo đảm hài hoà cho các mục tiêu.
Mực nước hồ Dầu Tiếng hiện dưới mực nước chết. Ảnh: Trần Trung.
Ngoài ra, công ty đã chủ động đưa nguồn nước từ hồ thủy lợi Phước Hòa bổ sung cho hồ Dầu Tiếng, đồng thời gửi văn bản đến các đơn vị sử dụng nước trong hệ thống Dầu Tiếng - Phước Hòa đề nghị triển khai thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Những đàn trâu trước chỉ ăn cỏ ven bờ nay có thể ra giữa lòng hồ Dầu Tiếng kiếm thức ăn. Ảnh: Lê Bình.
“Các đơn vị sử dụng nước trên hệ thống cần chủ động tuyên truyền, triển khai các biện pháp như nạo vét các cửa cống lấy nước; khơi thông dòng chảy; đắp bờ bao tích trữ nước; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm… để giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Đồng thời rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng, thời gian lấy nước, phối hợp chặt chẽ với công ty điều chỉnh kế hoạch cấp nước theo thứ tự ưu tiên và triển khai các biện pháp cấp nước tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình nguồn nước của hồ Dầu Tiếng.
Trong những ngày tới, công ty sẽ tiếp tục chủ động quan tâm đến chất lượng nước. Trong trường hợp mực nước hồ xuống thấp, công ty sẽ đưa ra những biện pháp điều chỉnh các hoạt động khai thác liên quan đến hồ Dầu Tiếng để bảo đảm chất lượng nước cho mục đích cung cấp đa mục tiêu”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại Bình Phước, lưu vực hồ thủy điện Thác Mơ tại huyện Bù Đăng cạn trơ đáy. Theo người dân địa phương, đây là hiện tượng rất hiếm khi xảy ra bởi hàng năm, phải đến tháng 5 - 7 thì nước hồ mới xuống thấp, nhưng năm nay hồ đã trơ đáy từ tháng 3 kéo dài đến nay. Người dân rất chật vật tìm nguồn nước tưới cho cây trồng và mối nguy thiếu điện sản xuất.
Hồ tại Thác Mơ khu vực huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước đang trơ đáy. Ảnh:Trần Trung.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản về việc tăng cường tuyên truyền người dân sử dụng các giải pháp tưới tiết kiệm và tiết kiệm điện năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ và cắt giảm 50% đối với chiếu sáng công cộng.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ điện trong giai đoạn hiện nay.
Lòng hồ tại Thác Mơ nứt nẻ do cạn nước và nắng nóng kéo dài. Ảnh: Lê Bình.
Tại Tây Ninh, UBND tỉnh cũng vừa ban hành văn bản về việc phòng, chống thiên tai năm 2023. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu chủ động về phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
Trong đó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; tiếp tục thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2023; chú trọng tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và sản xuất khi thiên tai xảy ra.
Nhiều kênh mương cũng tình cảnh trơ đáy. Ảnh: Lê Bình.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa nước (hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La); tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh tiêu thoát nước, triển khai kịp thời dự án lồng ghép các công trình, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa công trình đảm bảo cung cấp đủ nước trong mùa khô, tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa bão…
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng và Tha La và hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh với trên 2.000km kênh mương phủ khắp các huyện, thành phố, thị xã, đem lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống hạn hán thời gian qua. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thời tiết khí hậu, nếu các công trình thủy lợi có biến cố sẽ là mối nguy lớn.
Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng, Tha La và hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh với trên 2.000 km kênh mương. Ảnh: Trần Trung.
“Bên cạnh các giải pháp đã đề ra, hằng năm, địa phương chủ động phối hợp các đơn vị vận hành hồ chứa thường xuyên kiểm tra, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, đảm bảo các hồ chứa, hệ thống kênh mương thủy lợi an toàn, đáp ứng các nhiệm vụ trong tình hình mới”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80% và nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng trong các tháng mùa khô năm 2023.
Nguồn: nongnghiep.vn