2023.06.15 - 833 lượt xem
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 856 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 76 trạm bơm, hai tuyến đê bao. Tổng chiều dài kênh mương các loại khoảng 2.428 km, hiện đã kiên cố hóa 1.594 km, đạt 66%.
Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng đã lâu, nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp và bồi lắng lòng hồ, không đảm bảo năng lực phục vụ tưới và phòng, chống thiên tai. Một số công trình bị hư hỏng nặng không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời đã tạo ra nguy cơ gây thiên tai như: vỡ đập khi có mưa lớn, không đủ điều kiện tích nước gây ra hạn hán cho diện tích tưới công trình.
Trạm bơm Đắk Tua bơm nước từ Hồ Lắk phục vụ tưới cho hơn 130ha lúa của xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk). Ảnh tư liệu: Anh Dũng/TTXVN
Tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị vào mùa mưa (thường kéo dài từ tháng 5 - tháng 10 hàng năm), thường xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở. UBND tỉnh đã ban hành văn bản tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023.
Theo đó, UBND tỉnh giao Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND cấp huyện hướng dẫn, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; bổ sung phương tiện, trang thiết bị, chuẩn bị lực lượng, vật tư dự phòng đảm bảo ứng phó và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND cấp huyện đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước phải rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan; theo dõi diễn biến thời tiết, chỉ đạo hoặc tham mưu công tác ứng phó sự cố công trình theo quy định.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình và việc vận hành các công trình thủy lợi, công năng các hồ chứa nước; lập danh mục công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để xử lý các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường thông tin, phổ biến chính sách pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình và nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập.
UBND tỉnh đề nghị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, các công ty cà phê và đơn vị, cá nhân quản lý công trình thủy lợi bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước và sau mùa mưa, lũ; thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình. Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ, các đơn vị, cá nhân, công ty tổ chức quan trắc 4 lần/ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để vận hành hồ chứa chống lũ an toàn; bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; bố trí hệ thống thông tin cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa; nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ…
UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu, sau mùa mưa, lũ, các sở, ngành, đơn vị, địa phương kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng công trình để có phương án sửa chữa, khắc phục; kết quả kiểm tra báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15/12/2023.
Nguồn: dantocmiennui.vn